Kenya được cho là cái nôi của nhân loại vì dấu vết đầu tiên của homo sapiens được coi là có quan hệ gần gũi nhất với người hiện đại – được tìm thấy ở thung lũng Rift của quốc gia này. Nhiều thập niên qua, các chuyến tham quan vườn thú hoang dã là điểm nhấn của ngành du lịch Kenya.
Thời điểm đẹp nhất để du lịch Kenya là từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm bởi đó là mùa di cư của hàng trăm ngàn loài thú, đặc biệt là linh dương, trâu rừng, ngựa vằn… Sau chín giờ bay từ Hà Nội, chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Kenya đưa chúng tôi đến Nairobi, thủ đô của Kenya. Quầy thủ tục hải quan khá vắng vẻ. Do đã xin visa từ trước cũng như trình giấy chứng nhận đã chích ngừa sốt vàng da nên chúng tôi không mất nhiều thời gian ở khâu này.
Ra khỏi sân bay, chúng tôi thấy ngay một vùng đồng cỏ bát ngát, có rào ngăn với đường. Sân bay nằm ở trung tâm thành phố, còn khách sạn chúng tôi trú ngụ mất hơn một giờ đi xe mới đến. Đường sá khá xấu, tới khi xe rẽ khỏi đường lớn thì bắt đầu là những con đường thô sơ xuyên giữa vườn tược.
Tôi may mắn ở ngay sát hàng rào, cách cửa vài ba mét là mấy dây thép chăng ngang ngăn với công viên quốc gia. Khi mặt trời lặn, khí trời se se như cuối thu và khi đêm xuống thì lạnh thực sự, nhiệt độ 10 giờ đêm khoảng 17-18 độ C. Trước khi đi, xem thời tiết trên BBC, thấy nhiệt độở Nairobi chỉ 16-24 độ C tôi đâm băn khoăn. Kenya là đất nước mà xích đạo chạy qua ngay giữa, sao Nairobi lại mát thế? Hóa ra thủ đô Kenya nằm khá cao so với mặt nước biển những 1.795m.
Trung tâm thành phố về đêm nhộn nhịp, các quầy bar và nhà hàng rất đông khách. Thử ghé vào một cửa hàng lưu niệm còn mở cửa dù đã khuya, chúng tôi như lạc vào thế giới của đồ điêu khắc mộc mạc bằng gỗ, đá, dệt, và đồ trang sức! Thế nhưng, được cảnh báo từ trước là nên trả giá xuống 80% khiến ai cũng e ngại, có bạo tay cũng chỉ dám mua vài món lặt vặt.
Khu bảo tồn Maasai Mara
Safari ở ngay thủ đô cũng có nhưng cái safari mà chúng tôi đi thăm thì nằm ở hạ nguồn sông Mara, nơi gần biên giới với Tanzania, phải đi bằng xe đặc chủng với mui mở, may bằng vải bạt dày. Maasai Mara có lẽ là khu bảo tồn tốt nhất ở Kenya với một loạt các khách sạn có nhiều loại giá phục vụ các tour du lịch safari hay tour khinh khí cầu.
Xe chạy mãi, chạy mãi. Ra khỏi thủ đô tới ngoại ô, rồi sau đó thì chỉ có đồng cỏ và cây bụi. Đường đi cũng xấu dần, có lúc xe phải lội qua những con suối nhỏ đầy dấu chân thú. Thỉnh thoảng hiện ra mấy mái nhà giữa đồng cao chừng hai thước, khung bằng gỗ, vách trát đất. Những người dân địa phương choàng một tấm vải chéo ngang vai màu sắc rực rỡ, chẳng thấy ai đội nón. Bên những bờ suối, thỉnh thoảng lại có những phụ nữ vừa địu con, vừa giặt giũ. Đồ giặt xong được phơi ngay trên những tảng đá hoặc vắt trên lùm cây. Cũng có một số công trình hạ tầng đang làm dở như đường sá, cầu cống…
Qua cổng kiểm lâm của khu bảo tồn, xe phải dừng lại kiểm tra xem có… buôn lậu gì không! Mà từ “cổng” tới “nhà” còn hơn trăm cây số nữa. Nằm vắt ngang biên giới hai nước, Maasai Mara ở bên phần đất Kenya rộng 1.500km2, là khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng thế giới của họ nhà mèo mà chúa tể là sư tử, bốn “quan lớn” khác còn lại là báo, voi, tê giác và trâu rừng. Tại đây hiện có tới hơn một ngàn con sư tử đang sinh sống.
Safari của Kenya là vườn thú hoang dã thực sự, không phải làm cái vườn, bắt mấy con thú hoang bỏ vào như một số safari ở các nước Đông Nam Á. Trên mỗi xe, tài xế đều có ống nhòm và máy bộ đàm nên họ nhìn đường thì ít, mà đảo mắt tìm thú thì nhiều. Mỗi khi gặp thú thì xe này thông báo xe kia chạy tới gần để khách xem và chụp ảnh.
Chúng tôi thấy hàng chục con sư tử ngủ gà ngủ gật buổi trưa hoặc trong trạng thái lờ đờ dưới gốc cây to hiếm hoi phủ bóng râm ở giữa rừng rộng mênh mông.Chúng chỉ năng nổ săn mồi vào ban đêm, khi nhiệt độ xuống thấp.Trên đường tới khách sạn cũng có thể thấy được voi, hươu cao cổ, nhưng chúng ở xa tít trông như những con bọ rùa hay như một cái que cắm nghiêng nghiêng.
Hôm sau, chúng tôi thức dậy và lên đường từ lúc rạng đông. Đến trạm tiếp đón, một bữa sáng buffet dành cho đoàn khách chúng tôi được dọn bên bờ sông. Ăn sáng trong tiếng nước chảy ào ào, tiếng chim hót líu lo và tiếng hà mã gầm gừ vang vọng từ dưới sông thật là ấn tượng.
Xe chạy dọc bờ sông Mara, cảnh tượng gây thích thú một đàn khoảng 200 con ngựa vằn đang mải mê gặm cỏ. Anh hướng dẫn bật mí rằng chúng sẽ qua sông bất cứ lúc nào, cứ chờ một lát là thấy ngay. Nhưng “một lát” của anh ta dài cả tiếng đồng hồ. Mấy chiếc xe thuộc đoàn khác cũng hết kiên nhẫn, bỏ đi. Cuối cùng, sự miệt mài chờ đợi của chúng tôi cũng được bù đắp.
Sau khi hai con ngựa vằn uống nước quay trở lại, đàn ngựa đi thành hàng lội qua sông. Ai dè một bầy cá sấu âm thầm tiến đến gần và một con bất thần lao đến tấn công một con ngựa non ngoài rìa. Bầy ngựa vằn dưới nước cảnh báo những con khác bằng những tiếng kêu hoảng loạn. Tuy bị đe dọa, nhưng cả đàn ngựa vẫn tiếp tục qua sông, con nào con nấy ráng nhảy thật nhanh khiến nước bắn tung tóe.
Cuối cùng, tất cả đã sang bờ bên kia, để lại dòng sông loang loáng máu. Người hướng dẫn cho biết những con ngựa vằn bị thương có thể chết do bị nhiễm trùng và cá sấu cũng phải trả giá vì những vết thương do móng guốc của ngựa vằn gây ra.
Lại thêm một màn trình diễn khả năng tự vệ tuyệt vời khi hơn chục con trâu bên nhau, tạo thành một vòng tròn và mỗi con trông về một hướng để có thể bao quát từ xa hễ thấy kẻ thù đến gần là báo động. Cuộc sinh tồn của thú hoang dã thật khắc nghiệt.
Buổi chiều, chúng tôi được đưa đến nơi sinh sống của tộc người Maasai, sống hòa mình với thiên nhiên, có nhiều tục lệ lạ đến nay vẫn duy trì được các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Công viên quốc gia hồ Nakuru
Hồ Nakuru trong ngôn ngữ Maasai có nghĩa là “nơi bụi rậm”, là hồ nước mặn tự nhiên lớn nhất tại Kenya, nằm ở độ cao 1.754m so với mực nước biển. Chim là quần thể chiếm phần lớn ở hồ này, các chuyên gia đã ghi nhận được hơn 450 loại chim trú ngụ tại đây. Đây là nơi tập trung nhiều chim hồng hạc nhất Trái đất, tới hàng triệu con. Các nhà khoa học tính toán rằng với số đông như vậy, hồng hạc tại Kenya có thể tiêu thụ hết 500 tấn tảo mỗi ngày.
Trong khi đó, phân chim hồng hạc và nhiệt độ lý tưởng của vùng nước có tính kiềm ở hồ Nakuru cũng chính là điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi và phát triển của các loài tảo. Hồng hạc ở đây có đủ màu, từ trắng, hồng, đỏ sậm đến đen. Có thể thấy sự khác biệt giữa những chú chim hồng hạc nhỏ so với các loại khác nằm ở bộ lông màu hồng và phần mỏ màu đỏ son, trong khi chim hồng hạc lớn thường có mỏ màu đen ở phần chóp.
Vườn quốc gia Nakuru được hình thành từ năm 1961, bao quanh hồ với mục đích bảo vệ cảnh quan và các động vật hoang dã sinh sống ở vùng, năm 1997 được UNESCO công nhận và năm 2001 được mở rộng thêm.
Tháng 8 là thời điểm chim hồng hạc bắt đầu di cư quanh các hồ ở Kenya và Nakuru là một trong ba điểm ngắm chim hồng hạc đẹp nhất trên thế giới. Mặt hồ rộng lớn và chứa nhiều phù du đa dạng tạo nên môi trường sống lý tưởng của các loài chim, thêm vào đó, muôn thú tìm mạch nguồn uống nước đã vô tình tạo nên một quần thể động vật phong phú. Các loài ăn thực vật như hươu, nai, ngựa vằn, khỉ… đến đây tìm nguồn nước kéo theo các loài săn mồi khác như sư tử, báo…
Vì vậy, nói Nakuru là thiên đường của các loài động vật hoang dã sống ven sông hồ cũng đúng. Phong cảnh khu bảo tồn rất thơ mộng, không quá rậm rạp, cũng không quá trống trải, đủ tạo nên những bóng mát cho thú rừng trú nắng và gió từ hồ nước thổi tới xua bớt cái nóng. Những con đường đầy bụi, những cây tán rộng, những ngọn núi phía xa cùng hồ nước phẳng lặng góp phần tạo nên bức tranh Nakuru thật quyến rũ.
Lúc bình minh cũng như khi hoàng hôn, vài chục ngàn con hồng hạc tụ về quanh hồ nước tự nhiên rộng lớn 40 cây số vuông tạo nên cảnh quan toàn màu hồng thật đẹp mắt. Bất cứ ai cũng phải sững sờ khi được ngắm cảnh này. Cả đoàn chúng tôi như cùng thảng thốt ồ lên khi chứng kiến triệu triệu con hồng hạc phủ kín mặt hồ.Cận cảnh là bầy ngựa vằn, linh dương nhởn nhơ gặm cỏ. Xa xa mặt hồ chỉ còn một màu hồng của những cánh hạc chấp chới bay lên, đậu xuống…