Trong quá trình tìm học bổng du học, thông thường bạn sẽ tìm thấy yêu cầu đầy đủ một bộ hồ sơ xin học bổng trên website của các trường. Tuy nhiên, nhà trường chỉ liệt kê những giấy tờ cần thiết, điều quan trọng đối với bạn, là làm sao vẫn với những thành tích và điểm số như vậy, bạn “đánh bóng” được bản thân mình, và tạo được ấn tượng tốt đối với hội đồng xét duyệt. DNSGCT xin giới thiệu tư vấn của British University Vietnam.
Thông tin cá nhân
Đây là phần cơ bản nhất trong hồ sơ của bạn để đưa vào dữ liệu của nhà trường, vì vậy, các thông tin bạn cung cấp phải tuyệt đối chính xác, rõ ràng và nhất quán để tránh việc thất lạc giấy tờ sau này. Các câu hỏi chủ yếu liên quan đến lý lịch bản thân và gia đình. Ngoài ra, bạn còn phải liệt kê các hoạt động ngoại khóa bạn tham gia và các thành tích bạn đạt được trong ba năm cấp III. Việc liệt kê tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại không dễ chút nào.
Phần lớn mẫu đơn của các trường chỉ dành cho bạn một vài dòng để liệt kê hoạt động ngoại khóa và thành tích, tức là chỉ đủ chỗ để bạn viết tên hoạt động, năm học và thời lượng. Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở Việt Nam khác xa với các nước khác nên khó có thể tìm được tên gọi vừa ngắn gọn lại vừa mô tả chính xác những hoạt động ngoại khóa bạn tham gia hay những thành tích bạn đạt được. Vì vậy, nếu trường bạn định nộp hồ sơ không hạn chế việc gửi kèm lý lịch (resume), bạn nên tách riêng phần này ra thành một văn bản độc lập gọi là Extracurricular Activities Resume.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng chấp nhận resume vì thường đọc thông tin trong resume tốn nhiều thời gian hơn là đọc thông tin trong mẫu đơn chuẩn của trường. Vậy nên cách sắp xếp thông tin trong resume là điều tối quan trọng. Cách hiệu quả nhất là sử dụng mẫu đơn sẵn có của các trường, tức là sử dụng bảng bao gồm các cột: Tên hoạt động, năm học, thời lượng và miêu tả hoạt động. Tuy nhiên, nếu bạn tự thiết kế resume theo mẫu của nhà trường, bạn sẽ có nhiều diện tích hơn để miêu tả cụ thể và rõ ràng các hoạt động ngoại khóa bạn tham gia cũng như các thành tích đạt được. Ngoài ra, bạn có thể chia resume thành các phần khác nhau, bao gồm: Các hoạt động ngoại khóa (extracurricular activities), thành tích (honors and awards), hoạt động hè (summer experiences), việc làm thêm (working experiences) và sở thích (hobbies). Riêng phần sở thích có thể có hoặc không, tùy theo “hoàn cảnh” cụ thể của bạn. Ngoài ra, nên lưu ý rằng ngay cả khi có gửi kèm resume, bạn vẫn nên điền thông tin về hoạt động ngoại khóa và thành tích vào mẫu đơn chuẩn một cách cẩn thận và chính xác.
1. Hoạt động ngoại khóa – Extracurricular Activities
Cán bộ lớp, cán bộ Đoàn Đội, và gần đây là phong trào Thanh niên tình nguyện,… là những hoạt động ngoại khóa cơ bản của học sinh Việt Nam. Công việc có thể bao gồm quản lý sổ sách và quỹ lớp, tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp, tổ chức các giải thể thao giữa các lớp và các trường,… Ngoài ra, nếu bạn có tham gia học đội tuyển hoặc các lớp học thêm của trường thì cũng nên nhắc đến dưới hình thức “team work” hoặc “academic club”. Như vậy, bạn hãy tận dụng triệt để lợi thế của resume để miêu tả về các hoạt động ngoại khóa bạn tham gia ở Việt Nam.
2. Thành tích – Honors and Awards
Bạn hãy khéo léo khoe thành tích của mình như: học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, khen thưởng của trường, giải học sinh giỏi, học bổng và cả những giải thưởng khác không liên quan đến trường học. Bạn nên giải thích rõ ràng tính chất của giải thưởng để người đọc resume hiểu rõ giá trị của thành tích bạn đạt được. Với những thành tích lớn (các giải thưởng cấp thành phố, quốc gia,…), bạn cũng nên gửi kèm giấy tờ xác nhận.
3. Hoạt động hè – Summer Experiences
Bạn được học bổng tham gia trại hè quốc tế? Đây là một thành tích rất tốt và bạn nên liệt kê vào bảng thành tích của mình. Bạn phải đi học đội tuyển hoặc học thêm suốt cả hè và không có lấy một ngày được nghỉ ngơi? Vậy thì cũng nên kể, và coi đó là summer courses. Nhưng không phải ai cũng được học bổng hay đi học đội tuyển (dù rằng 90% học sinh Việt Nam đi học thêm), vậy có hoạt động hè nào “bình dân” hơn không? Có chứ. Bạn có thể kể các hoạt động tham gia Thanh niên tình nguyện này (ví dụ: điều khiển xe cộ vào giờ cao điểm ở các ngã tư), tham gia hoạt động hè ở khu phố (mà học sinh cấp III thường được giao làm “lãnh đạo” các em bé hơn), tham gia hoạt động ở các nhà thiếu nhi… Những hoạt động này chứng tỏ bạn không phải là một cái máy chỉ biết học, mà còn phát triển toàn diện bản thân bằng các hoạt động xã hội.
4. Việc làm thêm – Working Experiences
Không giống như nhiều học sinh nước ngoài, học sinh Việt Nam không mấy ai làm thêm ở các cửa hàng hay quán ăn. Tuy nhiên, một số việc làm thêm thường gặp trong giới học sinh Việt Nam là làm gia sư, viết bài cho các báo tuổi học trò, tổ chức công ty hoặc kinh doanh nhỏ, kinh doanh vào các dịp lễ… Bạn hoàn toàn có thể đánh bóng bản chất công việc, nhưng không nên bịa từ không thành có.
5. Sở thích – Hobbies
Tùy theo hoàn cảnh mà bạn có thể nêu hoặc không nêu phần này trong bộ hồ sơ. Vậy khi nào nên có? Nếu bạn chơi thành thạo một thứ nhạc cụ nào đó (vì thường trong trường hợp này học sinh nước ngoài sẽ tham gia câu lạc bộ hoặc ban nhạc của trường nhưng học sinh Việt Nam mình không có điều kiện tương tự), nếu bạn có năng khiếu nghệ thuật, nếu bạn dành nhiều thời gian cho một môn thể thao nào đó, hoặc đơn giản là bạn có một sở thích đặc biệt mà bạn nghĩ hội đồng xét duyệt nên biết.
Bảng điểm
Bảng điểm là công cụ để ban tuyển sinh đánh giá xem bạn đã cố gắng như thế nào so với bạn bè cùng lứa – bạn hiện đứng hạng mấy trong lớp, bạn đã thử thách bản thân như thế nào với độ khó của các lớp bạn học (ví dụ lớp chọn, lớp chuyên…).
Trên nguyên tắc thì bảng điểm sẽ được gửi thẳng từ trường cấp III của bạn đến văn phòng tuyển sinh. Do đó những giấy tờ này không phụ thuộc vào bạn. Điều đó cũng có nghĩa là bạn không hoàn toàn chủ động (nếu không nói là bị động) trong việc quản lý bảng điểm và thư giới thiệu. Vì thế nên lời khuyên dành cho bạn là nên bắt đầu chuẩn bị những giấy tờ này từ sớm, đừng để nước đến chân mới nhảy.
Để chứng minh kết quả học tập tại Việt Nam, bạn có thể dùng công chứng học bạ hoặc bảng điểm (do bạn tự chuẩn bị) có đóng dấu của nhà trường. Theo kinh nghiệm thì việc dùng bảng điểm có nhiều lợi thế hơn. Thứ nhất là học bạ khi đem công chứng trông không được đẹp lắm. Thứ hai là thông tin trong học bạ thông thường rất hạn chế và sơ sài (chủ yếu là điểm số). Hơn nữa, ở Mỹ dùng thang điểm A, B, C, D, F chứ không dùng thang điểm trên 10 như ở Việt Nam. Dùng bảng điểm, bạn không những chỉ thông báo với các trường đại học ở Mỹ điểm số của bạn mà còn giúp họ hiểu ý nghĩa của những con số này. Sau đây là những điều bạn cần lưu ý khi thiết kế bảng điểm.
– Tên các môn học
Việc dịch tên các môn học sang tiếng Anh tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng cũng cần phải lưu ý một số điểm quan trọng. Ví dụ đối với môn Toán. Cùng là môn Toán (Mathematics) nhưng lớp 10 bạn học về nhị thức và hình vector, tức là tương đương với Algebra II và Plane Geometry, năm lớp 11 bạn học lượng giác, một ít của giải tích và hình không gian, vậy là Trigonometry, Pre-Calculus và Space Geometry, năm lớp 12 thì bạn tiếp tục nghiên cứu giải tích và hình học không gian – Calculus và Space Geometry. Cũng tương tự như vậy, Lý, Hóa tuy năm nào cũng phải học nhưng mỗi năm một khác. Nếu như bạn dịch môn Toán của cả ba năm là Mathematics thì cũng không sai. Đúng là vậy nhưng như thế sẽ rất thiệt cho bạn. Thực tế là giáo trình một số môn học ở Việt Nam nặng hơn ở Mỹ rất nhiều. Vì thế nên trên bảng điểm, bên cạnh tên cơ bản của các môn học, bạn nên có một vài lời chú thích về chương trình và nội dung học của từng môn, vừa là giúp hội đồng xét tuyển hiểu hơn về hệ thống giáo dục ở Việt Nam, vừa là để “khoe” với họ về độ khó của chương trình.
– Hệ thống tính điểm
Trên bảng điểm bạn nên giữ nguyên điểm số theo thang điểm trên 10 nhưng cũng nên có chú thích rõ ràng về cách tính điểm ở Việt Nam (có nhiều trường ở nước ngoài tính điểm trung bình theo thang điểm 11 hoặc 20, nếu bạn không chú thích rõ ràng rất dễ bị hiểu lầm, và như vậy thì rất thiệt) và chú ý cách chuyển điểm tương đương giữa thang điểm trên 10 và thang điểm A, B, C, D, F. Thậm chí bạn có thể làm hẳn một document riêng về cách tính điểm của Việt Nam rồi xin dấu xác nhận của nhà trường.
– Xếp hạng và thành tích
Hầu hết các trường ở Việt Nam không còn giữ hệ thống xếp thứ nữa trong khi các trường đại học quốc tế lại khá coi trọng yếu tố này. Vậy nên bạn nên thêm vào bảng điểm một vài thông tin về thứ hạng, công tác Đoàn Đội, và thành tích nếu như bạn có giải học sinh giỏi hoặc khen thưởng đặc biệt.
(Kỳ tới: Thư giới thiệu và bài luận – làm sao để đạt hiệu quả cao nhất)