Một năm sau ngày nhà sưu tập Lê Thái Sơn đột ngột qua đời ở tuổi 44, có một thông tin rất đáng chú ý với những ai yêu mỹ thuật: bộ sưu tập của anh sẽ được trưng bày cho người quan tâm thưởng lãm.
Thông tin này được chị Hoàng Thị Tuyết Nga, vợ góa của Lê Thái Sơn công bố vào ngày giỗ đầu của anh 26-7 vừa qua. Dịp này, phòng tranh của Lê Thái Sơn tại nhà riêng của anh (số 92/30 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP. Hồ Chí Minh) lại được mở cửa, đón nhiều người đến thắp hương tưởng niệm anh – một nhà sưu tập trẻ, có lẽ là duy nhất trong thế hệ của Lê Thái Sơn – nhưng đã sớm gầy dựng được một gia tài không nhỏ về hội họa hiện đại và đương đại.
Cho đến nay, do Lê Thái Sơn chưa từng tổ chức thống kê và thực hiện đầy đủ thông tin về những gì anh thu thập được trong nhiều năm gắn bó với hội họa Việt Nam, nên thật khó biết được hết giá trị của bộ sưu tập quan trọng này. Tuy nhiên, anh lưu giữ tranh của rất nhiều tên tuổi lớn từ thời mỹ thuật Đông Dương cho tới các tác giả trẻ, tiêu biểu của ngày hôm nay. Riêng mảng ký họa chiến tranh mà anh sở hữu đã là một di sản quý giá. Lê Thái Sơn đã cất công theo đuổi để mua bằng được nhiều ký họa có giá trị lịch sử, đặc biệt là những ký họa của lão họa sĩ Hoàng Trầm, và rất tự hào với mảng tác phẩm này.
Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết bảo tàng sẵn sàng cử chuyên viên giúp gia đình Lê Thái Sơn thống kê và hệ thống thông tin chi tiết toàn bộ tác phẩm trong bộ sưu tập của anh, để tiến tới sẽ có dịp tổ chức trưng bày bộ sưu tập này tại bảo tàng. Trên cơ sở đó, bảo tàng có thể phối hợp cùng gia đình anh thực hiện một tập sách về bộ sưu tập.
Hiện nay, một số bức tranh trong bộ sưu tập đã có dấu hiệu xuống cấp, cần sớm được chăm sóc, bảo quản. Được biết, chị Tuyết Nga đã nhờ cô Lý Bích Ngọc làm đại diện quản lý bộ sưu tập của chồng mình. Lý Bích Ngọc khá quen thuộc với giới mỹ thuật, hiện cô là đại diện Gallery 333 của nhà sưu tập người Thái Lan Tira Vanichtheeramont tại Việt Nam; đây cũng là nơi sở hữu một bộ sưu tập rất lớn và hết sức quý giá tác phẩm hội họa Việt Nam nhiều thời kỳ lịch sử.
Sự ra đi của Lê Thái Sơn cách đây một năm là một tổn thất đối với mỹ thuật Việt Nam, bởi với tầm nhìn, tri thức và đặc biệt là tình yêu dành cho hội họa, anh còn có thể làm được rất nhiều điều có ích lợi lâu dài cho văn hóa nói chung. Thậm chí, bộ sưu tập của Lê Thái Sơn xứng đáng có được một bảo tàng riêng chứ không chỉ được trưng bày trong gallery của gia đình anh.
- Y Chiêu