Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Paul Krugman, mới đây kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên ngưng ngay những chính sách vốn đang dẫn dắt toàn bộ khu vực eurozone xuống lối mòn giảm phát tương tự nền kinh tế Nhật Bản, bởi nền kinh tế khu vực này vẫn ngày một tỏ ra yếu kém và liên tục sa sút. Phát biểu tại Diễn đàn về chủ đề ngân hàng trung ương do ECB tổ chức tại Bồ Đào Nha tuần qua, Krugman cho biết Chủ tịch ECB Mario Draghi và đội ngũ của ông đang “mộng du” tiến sâu hơn vào mô hình kinh tế giảm phát mà không hề dễ dàng để họ thức tỉnh và nhìn thấy những vấn đề thực sự đằng sau chính sách kinh tế sai lầm ấy. Trước nay châu Âu hay Mỹ đều chưa bao giờ chấp thuận một cơ chế kinh tế thụ động (không ồn ào, không có những hậu quả trước mắt nhưng ẩn chứa rủi ro bùng phát về lâu dài) vốn được Nhật Bản áp dụng suốt hai thập niên qua với tên gọi “kinh tế giảm phát”. Hiện tại, bản thân ECB cũng đang ngày một tỏ ra không mấy thoải mái với tình trạng lạm phát quá thấp trên toàn khu vực eurozone bởi suốt trong bảy tháng qua, tỷ lệ lạm phát vẫn dưới mức 1% mà theo ông Draghi thì phải được xem là vùng nguy hiểm. Tính đến tháng 4-2014, tỷ lệ lạm phát tính theo năm tại khu vực là 0,7% trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của eurozone còn thấp hơn dự báo đưa ra hồi đầu năm.
Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro có khả năng giảm phát
Theo Krugman, trong lịch sử kinh tế hiện đại, viễn cảnh giảm phát kinh tế toàn diện là không nhiều. Nếu những chính sách tài chính hiện nay của ECB vẫn không thay đổi và giống với những gì giới ngân hàng thế giới thực hiện ngay trước thời kinh tế giảm phát năm 1933, thì eurozone chưa chắc đã rơi vào tình trạng giảm phát nặng nề như thế. Nhưng có một điều chắc chắn là họ sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế sa sút nghiêm trọng, tỷ lệ tăng trưởng âm, sản xuất kém và thất nghiệp tăng cao. Ông Krugman cũng đề nghị ECB nên tái cân nhắc tỷ lệ lạm phát lý tưởng hiện nay của mình là 2% nhằm đảm bảo tránh bị rơi vào chiếc bẫy của thời kỳ lạm phát thấp. Trưởng nhóm kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Olivier Blandchard thì đề nghị ECB nên nâng mức trần lạm phát lên 4%.
Trước mắt, ECB đang chuẩn bị cho gói chính sách mới sẽ được công bố vào hội nghị cấp cao lần tới sẽ diễn ra trong tháng Sáu, bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay nhằm khuyến khích hoạt động tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và lần đầu tiên trong lịch sử, ECB có khả năng sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất tiến gửi xuống mức âm nhằm hạn chế việc tiết kiệm và gia tăng sản xuất, đầu tư.
Lâm Kiên theo Reuter