Báo cáo mới nhất của tổ chức Think-tank Network on China tại châu Âu cho biết, các nền kinh tế tại lục địa này đang sở hữu những tài sản và tiềm năng mà nhà đầu tư thèm khát như các công nghệ tân tiến, thị trường chung rộng lớn nhất thế giới, mạng lưới doanh nghiệp hiện hữu toàn cầu với những thương hiệu uy tín, cũng như một môi trường luật pháp ổn định.
Bổ sung cho nhận định này, số liệu từ Baker McKenzie cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc đổ vào châu Âu đã lên con số kỷ lục 65 tỉ euro (79 tỉ USD) trong năm 2017, so với 2 tỉ euro hồi năm 2010.
Về phía châu Âu, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều đô thị và trung tâm kinh tế đang xem Trung Quốc như là một cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.
Hiện nay giới hoạch định chính sách của EU đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt họ bị cuốn hút bởi một nền kinh tế 1,4 tỉ dân, mặt khác Trung Quốc không coi những khách hàng của mình là đối tác mà chỉ là những người thực hiện dễ dãi lợi ích riêng của Trung Quốc. Những điều mà EU mong muốn như tiếp cận thị trường Hoa lục tốt hơn, loại bỏ việc trợ cấp hoặc bán phá giá, đều không được nước này lắng nghe. Trong khi các cánh cửa của châu Âu mở rộng thì Trung Quốc lại tìm cách hạn chế tối đa việc để tư tưởng, nguồn vốn đầu tư và nhân tố nước ngoài lọt vào nước mình.
Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Tôi không phản đối việc Trung Quốc muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư, chúng ta gắn bó với thương mại tự do nhưng phải trên cơ sở có đi có lại. Theo số liệu thống kê, Đức là mục tiêu số 1 trong chiến lược săn lùng công nghệ cao của Trung Quốc. Năm 2017, số tiền Trung Quốc bỏ ra mua công nghệ của Đức lên đến 12,1 tỉ euro, trong khi bảy năm trước chỉ ở mức 100 triệu euro.
Đối với thủ tướng Đức, thái độ thông thoáng cởi mở về mặt thương mại không thể chỉ một chiều mà phải đến từ mọi phía. Câu hỏi đặt ra là quan hệ kinh tế có bị gắn liền với các vấn đề chính trị hay không? Vì nếu như vậy, bà Merkel nhấn mạnh, điều đó không nằm trong tinh thần tự do thương mại.