Ngày 26/3, Ủy ban châu Âu cho biết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ được yêu cầu chia sẻ dữ liệu về rủi ro an ninh mạng 5G và đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề này vào cuối năm nay.
Tại cuộc họp báo, giới chức cấp cao EU phụ trách vấn đề an ninh và kĩ thuật số của EU cho biết các nước thành viên sẽ phải đưa ra các đánh giá nguy cơ an ninh của mạng 5G trước tháng 7, và sau đó EU sẽ đưa ra đánh giá toàn diện trước ngày 1/10. Một số biện pháp được đề xuất là yêu cầu chứng nhận, thử nghiệm sản phẩm hoặc nhà cung cấp bị nghi ngờ. Sau đó EU sẽ tiếp tục quyết định vào ngày 1/10 sang năm để xem liệu có cần đưa ra các biện pháp mạnh hơn không.
Mục tiêu của EU là sử dụng những công cụ sẵn có theo luật hiện hành, thông qua sự hợp tác xuyên biên giới, để giải quyết các nguy cơ mạng. Các nước thành viên sẽ tự quyết định xem liệu có cần cấm một công ty cụ thể nào hay không dựa trên cơ sở về nguy cơ an ninh quốc gia.
Động thái mới của EU diễn ra bất chấp áp lực của Mỹ trong việc tẩy chay Huawei vì lo ngại Trung Quốc sử dụng thiết bị của nhà mạng trên phục vụ cho hoạt động gián điệp. Huawei đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc và đang thúc đẩy một vụ kiện nhằm vào chính phủ Mỹ. Đến nay, mới chỉ có Australia và New Zealand đã quyết định cấm sử dụng công nghệ của Huawei trong xây dựng mạng 5G.
Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực kỹ thuật số Andrus Ansip cho biết các biện pháp được công bố hôm nay là nhằm để giải quyết những lo ngại về việc có chính phủ nước ngoài sử dụng các công ty làm gián điệp. Ông Ansip nhấn mạnh công nghệ 5G sẽ làm thay đổi nền kinh tế và xã hội, nhưng điều này không thể áp dụng nếu không có các biện pháp bảo mật đầy đủ. Do đó, điều cần thiết là cơ sở hạ tầng 5G ở EU phải có khả năng thích ứng và hoàn toàn được bảo vệ về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý.
Theo kế hoạch, các nước Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Hà Lan, Litva và Bồ Đào Nha đều chuẩn bị đấu giá giấy phép xây dựng mạng 5G trong năm nay, trong khi sáu quốc gia khác sẽ thực hiện vào năm 2020.