Thủ tướng Malta Joseph Muscat, người sẽ giữ chức chủ tịch EU vào đầu năm tới mới đây phát biểu các nhà lãnh đạo EU đã nói thẳng ra rằng “Anh quốc sẽ không được tiếp cận thị trường chung nếu không chấp nhận tự do di chuyển”. Trong khi Thủ tướng Anh Theresa May nói Anh sẽ bắt đầu quá trình pháp lý để rời EU muộn nhất là tháng 3-2017.
Các ý kiến tranh luận chính trị cho tới giờ đều tập trung vào hai khả năng. Một là Brexit “mềm”, tức Anh vẫn tham gia thị trường chung theo một hình thức khác và đổi lại, xứ sở sương mù sẽ chấp nhận một số khoan nhượng về nhập cư. Trường hợp còn lại là Brexit “cứng”, có nghĩa Anh rời thị trường chung và có toàn quyền kiểm soát nhập cư.
Nhưng ông Muscat nói Anh và EU trước tiên cần đạt được thỏa thuận về nhiều chi tiết khác khi bà May kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon. Những chi tiết này bao gồm những khoản Anh còn phải trả trước khi rời EU, vấn đề biên giới giữa Anh và Cộng hòa Ireland và chuẩn bị một số sắp đặt tạm thời chẳng hạn như vấn đề an ninh.
Khi được hỏi nghĩ gì về gợi ý của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson theo đó nói Anh có thể ở lại thị trường chung và hạn chế tự do di chuyển đối với các công dân EU, ông Muscat nói với BBC “điều đó sẽ không xảy ra”.
“Tất cả chúng tôi đều thể hiện rõ ràng cách tiếp cận của mình. Theo đó EU muốn trao cho nước Anh một thỏa thuận công bằng, nhưng điều đó không có nghĩa đó sẽ là một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Anh”. Theo lời khẳng định của ông Muscat, EU không hề định gây khó khăn, ít ra là trong các cuộc họp hội đồng bộ trưởng EU mà ông tham dự.
Bên cạnh đó, ông cũng xác nhận các cuộc đàm phán có thể trở nên phức tạp và sẽ không có chuyện một bên thắng và một bên thua. Ông Muscat nhấn mạnh quan điểm dù các nhà lãnh đạo EU và nước Anh có đạt được một thỏa thuận hay không, dù là tạm thời hay chính thức, Nghị viện châu Âu vẫn có thể quyết định phủ quyết thỏa thuận đó vào năm 2019. Ông Muscat đưa ra nhận xét trên vài ngày sau khi ông David Davis, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, có cuộc gặp với ông Guy Verhofstadt, trưởng thương thuyết gia của Nghị viện châu Âu. Ông Davis nói cuộc gặp này là một khởi đầu tốt và việc đạt thỏa thuận sẽ là điều có lợi cho hai bên.
Về phần nước Anh, theo nhà báo Vincent Collen, các đường hướng chỉ đạo do Thủ tướng Theresa May đưa ra có vẻ như là London đang chuẩn bị cho Brexit cứng – sự đoạn tuyệt dứt khoát và rõ ràng với EU. Thủ tướng Anh trên thực tế đã vạch ra bốn đường đỏ bao gồm “ba không – một có” cho mối quan hệ Anh quốc – EU hậu Brexit. Đó là: Không tự do di chuyển người lao động, không đóng góp bắt buộc vào ngân sách EU, không chịu sự giám sát của Tòa án châu Âu và cuối cùng là tự do quy định các mối quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới. Để có thể đáp ứng được bốn điều kiện đó, Anh quốc bắt buộc sẽ phải rời khỏi khu vực thị trường chung châu Âu.
Nước Anh sẽ không thể là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu như Na Uy hiện nay, cũng như là trong liên minh hàng rào thuế quan như Thổ Nhĩ Kỳ, theo như giải thích của ông Michael Gasiorek, chuyên gia về chính sách thương mại, Đại học Sussex. Theo vị chuyên gia này, nếu như đường hướng này vẫn được duy trì, cả Anh và EU đều bị thua thiệt. Do đó, cả hai phía sẽ được kêu gọi đi đến một thỏa hiệp và như vậy, Brexit có thể sẽ mềm hơn điều mọi người đang nghi ngại như hiện nay.
- L.Q