Ở thời kỳ mà thông tin tràn ngập và nhìn đâu cũng thấy những “hạn chót” của công việc, thì khả năng suy nghĩ sáng tạo và đột phá cũng bị mất dần. Mà việc suy nghĩ sáng tạo không phải do trời sinh mà phải trải qua sự luyện tập mới có và đã có rồi thì phải nỗ lực để duy trì khả năng ấy. Nhằm giúp nhân viên khôi phục khả năng suy nghĩ sáng tạo, người quản lý cần:
Giúp thay đổi cách suy nghĩ
Có thể bắt đầu bằng việc khuyến khích nhân viên học hỏi những cách suy nghĩ hiệu quả từ người khác. Làm như vậy, nhân viên sẽ cảm kích khi lòng nhiệt tình của mình được sếp trân trọng, còn người quản lý thì thu được những ý tưởng hay nhất từ nhân viên.
Giúp mở ra một tầm nhìn thoáng đãng hơn
Phải làm việc theo các quy trình công việc là tất nhiên, nhưng việc lặp đi lặp lại quy trình quen thuộc đó lại có thể khiến nếp nghĩ nhân viên thành quán tính và họ không cần suy nghĩ nữa. Phải giúp họ bứt ra khỏi quán tính để nhìn ra xa hơn.
Khuyến khích nhân viên đọc sách có thể giúp họ nhận ra những giải pháp mới có thể học hỏi được bên cạnh giải pháp lâu nay vẫn làm theo thói quen. Cử nhân viên đi dự các hội thảo giúp họ thu hoạch được nhiều cách nhìn khác nhau cho một vấn đề. Họ sẽ nhận ra đâu là giải pháp tốt nhất, thay vì chỉ một nếp nghĩ quen thuộc, hạn hẹp.
- Xem thêm: Đánh thức khả năng sáng tạo
Rộng tay để nhân viên xoay xở với vấn đề
Khi mọi thứ đều dọn sẵn, từ công cụ cho đến phương tiện làm việc, đôi khi nhân viên sẽ thui chột dần khả năng xoay xở. Để nhân viên đối diện với các vấn đề và tự tìm ra giải pháp, thay cho giải pháp ai đó cung cấp sẵn, dù tốn thời gian hơn nhưng lại giúp nhân viên sẵn sàng cho những thử thách trong tương lai.
Có một kịch bản ngắn dùng trong các buổi họp, phối hợp các biện pháp trên, như ví dụ sau:
- Đóng vai người điều phối: Người quản lý đóng vai người điều phối trong các buổi họp muốn có những ý tưởng mới. Trong các buổi họp đó, luôn khuyên khích sự hợp tác và đóng góp ý tưởng từ các thành viên tham gia.
- Khuyến khích nêu ra ý tưởng mới: Ai có ý tưởng mới nào thì viết lên một miếng giấy. Dành vài phút tĩnh lặng cho mọi người tìm ý tưởng và ghi vào giấy. Tốt nhất là tổ chức trong hình thức như một trò chơi, để các ý tưởng đến một cách phong phú hơn.
- Xoay tua để mọi người đều được lên tiếng: Tập hợp ý tưởng của mọi người và đính lên bảng chỉ mới là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại là từng người giải thích về ý tưởng của mình. Các ý tưởng trên giấy sẽ được nhóm lại theo các nét tương đồng, kết hợp với thảo luận nhóm sau đó để làm rõ dần các giải pháp hay.
- Tiếp nhận các ý tưởng muộn: Trong lúc thúc giục mọi người nêu ý tưởng mới, luôn phải dành chỗ cho những ý tưởng đến sau. Có thể trong lúc nghe người khác trình bày, người tham dự lại nghĩ ra những ý tưởng mới và lại được viết lên giấy, đính lên bảng.
- Thảo luận để chọn ra những ý tưởng hay nhất: Khi mọi ý tưởng đã được nêu ra và nhóm lại hợp lý, việc thảo luận bấy giờ mới đi vào chiều sâu. Lúc đó, các ý tưởng đã trở thành “chung” của cả nhóm, thể hiện tinh thần làm việc nhóm và thành quả của cả nhóm.
Các ý tưởng được viết ra giấy sẽ trực quan hơn so với để trong đầu. Những miếng giấy ghi ý tưởng rất dễ nhóm lại thành các nhóm ý tưởng. Và lúc thảo luận nhóm sẽ làm cân bằng giữa những ai dễ dàng phát biểu với những ai sở hữu những ý tưởng hay nhưng ngại phát biểu. Vấn đề là đừng để ai trở thành người quá lấn át trong thảo luận.
- Xem thêm: Những ý tưởng đến từ nhân viên
Một tác dụng quan trọng nữa là sự hiểu biết lẫn nhau qua thảo luận. Ngoài tác dụng tức thời của những ý tưởng thu được, còn có tác dụng lâu dài là nhân viên sẽ dần trở nên cạnh tranh hơn so với ở những nơi mà làm việc nhóm chỉ mang tính hình thức…