Đó là nhận định của ông Dustin Ball, Tổng giám đốc điều hành của BIDV MetLife, trong buổi trò chuyện với chúng tôi nhân dịp liên doanh này vừa khai trương chi nhánh mới tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông có thể chia sẻ về chiến lược kinh doanh của BIDV MetLife khi ra mắt chi nhánh TP. Hồ Chí Minh?
BIDV MetLife luôn có chiến lược và tầm nhìn nhất quán, mục tiêu của chúng tôi là trở thành công ty bảo hiểm đứng đầu về doanh thu kinh doanh qua hệ thống ngân hàng và trở thành một trong năm công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Thành lập chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi có một đội ngũ các chuyên gia hỗ trợ các hoạt động kinh doanh tại khu vực phía Nam. BIDV MetLife đặt mục tiêu đến cuối năm tới, sản phẩm của chúng tôi sẽ có mặt tại toàn bộ các chi nhánh BIDV và phục vụ hơn 7 triệu khách hàng của BIDV.
Thị trường tại mỗi khu vực sẽ ít nhiều có sự khác biệt, vậy ông dự đoán những thách thức nào BIDV MetLife phải vượt qua trong chiến lược này?
Khu vực phía Nam với điều kiện phát triển thương mại và kinh tế mạnh nhất cả nước là thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) rất quan trọng. Đối tác BIDV của chúng tôi đang có vị trí vững vàng trên thị trường, đặc biệt sau khi sáp nhập với Ngân hàng MHB.
Thách thức lớn nhất của chúng tôi tại phía Nam cũng tương tự như phía Bắc, đó là người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ giá trị của BHNT. Vì vậy chúng tôi chú trọng đào tạo và trang bị cho cán bộ chuyên trách bảo hiểm những kiến thức và công cụ cần thiết để tư vấn cho khách hàng về giá trị và tầm quan trọng của BHNT. Điều quan trọng là sản phẩm của chúng tôi được thiết kế đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với hình thức bán qua kênh ngân hàng.
Một thách thức lớn khác là sự cạnh tranh khốc liệt để thu hút nhân tài trong ngành. Để thu hút và giữ chân nhân tài, BIDV MetLife chú trọng xây dựng môi trường và văn hóa kinh doanh hướng đến mục tiêu trở thành nhà tuyển dụng được yêu thích.
MetLife đã làm được gì tại thị trường Việt Nam sau một năm hoạt động?
Chúng tôi có lợi thế kết hợp điểm mạnh của hai doanh nghiệp BIDV và MetLife. Song song đó, chúng tôi sử dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ cho công việc kinh doanh. Đặc biệt, Tập đoàn MetLife toàn cầu cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam và phối hợp với chính phủ, đặc biệt là Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), để tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành. Trong buổi đón tiếp ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương hồi đầu tháng Chín tại trụ sở Tập đoàn MetLife ở Washington DC, các lãnh đạo cấp cao của MetLife đã thể hiện cam kết lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về khoảng cách giữa ngành BHNT Việt Nam với khu vực châu Á – Thái Bình Dương? Ông có những giải pháp nào cho vấn đề này không?
Theo tôi, tình trạng hiện tại của thị trường bảo hiểm Việt Nam không phải là vấn đề về khoảng cách mà là sự khác biệt giữa các giai đoạn phát triển. Điều quan trọng là nền tảng cho sự phát triển của thị trường Việt Nam rất vững chắc. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế hằng năm từ 6,5 – 7%. Với mức tăng trưởng ổn định, người dân sẽ có đủ điều kiện để lập kế hoạch cho tương lai và tận dụng lợi thế của các giải pháp tài chính toàn diện từ các công ty BHNT.
Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách cải thiện thị trường bảo hiểm và đặt mục tiêu từ nay đến 2020 sẽ đạt mức doanh thu bảo hiểm lên đến 3 – 4%/năm so với GDP, trong đó bao gồm các chính sách mở rộng thị trường vốn và tăng danh mục đầu tư cho các công ty BHNT. Chính phủ mới đây đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 15-20 năm để đáp ứng nhu cầu về tài sản dài hạn của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Những hoạt động này đã tạo niềm tin thị trường bảo hiểm tăng trưởng ở mức hai con số trong vài năm tới.
Phong cách điều hành của ông như thế nào? Ông theo trường phái đánh nhanh thắng nhanh hay chậm mà chắc?
Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều thị trường châu Á, tôi tin rằng điều quan trọng nhất là phải biết cách linh hoạt. Chúng tôi đã áp dụng hai chiến lược sau đây:
Đầu tiên là phải dành thời gian cho việc lên kế hoạch kinh doanh để thấy được trọng tâm nên tập trung ở đâu và cách quản lý như thế nào. Vì vậy, khi có cơ hội đến, chúng tôi có thể nhanh chóng đánh giá mức độ phù hợp với kế hoạch vốn có của chúng tôi và ra các quyết định thích hợp.
Thứ hai là xây dựng môi trường văn hóa giúp mọi người giao tiếp nhanh chóng và có hiệu quả. Môi trường văn hóa của công ty chúng tôi đánh giá cao giá trị về tốc độ. Có thể bạn bất ngờ khi biết hai từ trong tiếng Việt mà tôi hay nói nhất là “nhanh nhanh”!