Thắng giải Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome), được mời làm kiến trúc sư trưởng của các công trình trọng điểm quốc gia Pháp (Architecte en Chef des Bâtiments Civils et Palais Nationaux), con đường thăng tiến trong sự nghiệp của một kiến trúc sư trẻ gốc Việt đang rộng mở tại châu Âu, nhưng thời điểm đó – 1958, KTS. Ngô Viết Thụ lại trở về miền Nam Việt Nam.
Về sau, nhiều câu chuyện được lưu truyền giải thích cho quyết định trở về của Ngô Viết Thụ. Trong đó, có một giai thoại như thế này:
Năm 1958, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bắt đầu những chương trình kiến thiết đô thị miền Nam, thì cái tên đầu tiên mà ông nghĩ đến là Ngô Viết Thụ.
Ông cậy nhờ GS. Nguyễn Phúc Bửu Hội thuyết phục Ngô Viết Thụ trở về. Giáo sư Bửu Hội bấy giờ là một nhà khoa học danh tiếng tại Pháp đang trở về Sài Gòn để phụ trách dự án Nguyên tử lực cuộc (Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt). Nhận trọng trách, nhiều lần vị giáo sư khả kính này đến Paris nói chuyện với Ngô Viết Thụ. Thoạt đầu, ông Thụ hãy còn do dự.
Có lần, trước khi trở lại Paris, GS. Hội ghé qua gặp thân phụ ông Thụ – một giáo viên của trường Bá Công, Huế – để trình bày mong muốn của Tổng thống. Đáp lại thiện ý của vị giáo sư, thân phụ ông Thụ ra vườn hái hai trái xoài, gói ghém cẩn thận, gửi cho con cùng bài thơ có ý nhắc nhở con nhớ đến cội nguồn, quê xứ…
Hãy xem đó chỉ là một giai thoại. Trên thực tế, có thể xác định chắc chắn rằng, đã có một lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm và một sự tác động quan trọng từ phía gia đình, đặc biệt là chính hiền thê của ông Thụ. Trước đó, “đi học để trở về kiến thiết quê hương” cũng đã là một tâm niệm nền tảng của chàng thanh niên gốc Huế.
Ông Thụ trở về, bởi ông cũng nhìn thấy không ai khác, chính GS. Bửu Hội, người nhận lãnh nhiệm vụ từ Tổng thống Diệm sang thuyết phục ông về nước, cũng là một trí thức, nhà khoa học thành danh tại châu Âu đã “nêu gương” trong việc trở về mang tri thức, chuyên môn học được ở trời Tây để phụng sự đất nước.
Cuối thập niên 1950, miền Nam bước vào thời kỳ xây dựng mới. Sự xuất hiện và tham mưu chuyên môn kịp thời của Ngô Viết Thụ qua các dự án trọng yếu đã đem lại nhiều giá trị. Bên cạnh những bản thiết kế tạo ra công trình có giá trị biểu tượng lâu dài, những triển khai quy hoạch của ông Thụ và các nhà quy hoạch được đào tạo từ phương Tây lúc bấy giờ như Huỳnh Kim Mãng, Lê Văn Lắm cũng đã tạo ra những quy chuẩn đô thị mang dấu ấn Việt Nam hiện đại trong giai đoạn đầu, nền tảng của thời kỳ hậu thuộc địa.
Đã có một thời, một thế hệ mang tâm niệm và cách đáp nghĩa với quê hương như Bửu Hội, Ngô Viết Thụ…
Có thể lý giải bằng tinh thần đề cao trách nhiệm cá nhân với cộng đồng dân tộc. Quan niệm học để trở về phụng sự nước nhà được hun đúc từ trong chính nền giáo dục đề cao nhân bản, sự hài hòa giữa mục tiêu thăng tiến sự nghiệp, hạnh phúc cá nhân với mục tiêu phát triển quốc gia: tinh thần và trách nhiệm quốc dân. Điều này được triển khai từ triết lý và phương pháp giáo dục nhất quán và thật cụ thể qua chế độ chính sách trọng dụng trí thức, mời gọi và tạo không gian cho những nhân tài mới được phát triển tối đa năng lực, cống hiến cho nước nhà.
Và nhìn một cách sâu xa hơn, ta lại thấy tâm niệm cá nhân, sự kỳ vọng và hướng đạo của gia đình trong những quyết định trở về phụng sự đất nước là rất lớn lao, quan trọng. Điều này tạo nên một lối sống, lối xuất xử tận hiến hướng về quê hương; rất khác với tâm thế du học là một cuộc đầu tư để người học được đào thoát khỏi đất nước và thành công là để có một tương lai xán lạn không phải trên Tổ quốc mình.
Người viết tình cờ đọc thấy một lá thư của ông Lê Đình Gioãn, chủ một đại lý xe hơi nổi tiếng tại Hải Phòng dặn hai người con trước khi lên đường sang Pháp du học. Lá thư được thảo vào năm 1954. Những lời nhắn nhủ con cái của ông Gioãn có lẽ cũng là gửi gắm của nhiều người thời đó với con cái mình trong thời gian du học:
Mấy lời thầy mẹ dặn hai con Đức – Nhân trước khi sang Pháp du học.
Lúc nào các con cũng phải nhớ mình là người Việt-Nam.
Lúc nào cũng không nên quên NHÀ, quên nước VIỆT-NAM, quên CHA MẸ và các ANH các CHỊ ở nhà.
Các con ở xa cha mẹ, anh TRUNG (có lẽ là một người anh đi trước – NV) đối với các con cũng có quyền như CHA MẸ ở nhà.
Các con lúc nào đối với anh TRUNG cũng phải hết lòng yêu kính và hết sức vâng lời.
Anh Trung khuyên bảo gì hai con, cũng do lòng hết sức thương yêu hai con cả, vì lúc nào anh cũng như Thầy Mẹ ở nhà, cũng muốn cho hai con trở nên những người HAY, GIỎI, và có ích cho NHÀ và cho NƯỚC VIỆT-NAM.
(…)
Lúc nào các con cũng phải cố gắng chăm học, đừng để các bạn ngoại-quốc họ khinh mình là Việt-Nam học lười và kém họ. Thế thì xấu hổ cho các con, cho THẦY MẸ, cho các ANH các CHỊ, cho cả NHÀ, cho NƯỚC VIỆT NAM nhà mình. Các con nên nhớ lấy.
Cũng như nhiều người thuộc tầng giới trung lưu, tư sản miền Bắc, gia đình ông Gioãn vào Sài Gòn khi đất nước chia đôi. Ông vẫn làm chủ gara xe hơi có tiếng tại thành phố đô thành miền Nam. Ông chính là người bạn thân, đã có những hỗ trợ đáng kể cho Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trong thời gian nhà văn, chính khách này gãy cánh về sự nghiệp chính trị và trôi nổi từ An Đông đến Đà Lạt. Không rõ các con của ông Gioãn sau du học có trở về nước hay không, tôi hoàn toàn không tra cứu được thông tin, song những lời khuyên nhủ của ông chắc chắn cũng tỏ bày với con cái một mối kỳ vọng về phận sự làm rạng danh quê hương và xây dựng ý thức trở về phụng sự đất nước. Một tinh thần điển hình của giới trung lưu ngày cũ.
Dĩ nhiên, có thể thấy rằng thời thế đã thay đổi. Quan niệm mục đích giáo dục mỗi thời đại mỗi khác. Tư duy về sự cống hiến của cá nhân cũng vượt khỏi khuôn khổ quốc gia trong thời toàn cầu hóa và công nghệ phát triển, dẫn đến một số trường hợp để phụng sự quốc gia thì không nhất thiết phải trở về sống trên đất nước mình.
Song lại có một thực tế không nên né tránh đó chính là cơ chế yếu thế trong cạnh tranh nhân lực tinh hoa trí thức, chảy máu chất xám, sự mất mối dây liên kết, mất niềm tin về tương lai phát triển sự nghiệp cá nhân trên chính đất nước mình đã dẫn đến tình trạng phụ huynh đầu tư vào giáo dục du học như một canh bạc để con cái có một hướng thoát và có một tương lai tốt hơn trên xứ khác. Có những canh bạc đau đớn và đầy day dứt vì phải trả giá quá đắt…
Lỗi không nằm trong các quyết định ấy. Lỗi nằm trong chính một “hệ thống điều kiện” triệt tiêu những con đường, lý tưởng tốt lành.
Đường về hôm nay về mặt phương tiện, thì dễ; nhưng nhận thức, lại là con đường quá nhiều trở lực và thử thách. Vì những trở lực và thử thách mà nhiều người chọn lựa trở về nhất thiết sẵn sàng đối diện với những mất mát, chẳng kém gì quyết định ra đi.