Tổ ấm của anh Nguyễn Tiến Toàn quả là ấm thật. Một con đường nhỏ dẫn đến khu vườn xanh yên tĩnh, hoa giấy nở khắp nơi, phía sau ngôi nhà là một rừng cỏ mướt có hai chú bò vàng đang bình thản gặm cỏ. Một gốc phượng nở hoa đỏ rực gối đầu lên mái trường Phương Nam, bên trái ngôi nhà là khu ở dành cho những sinh viên nghèo vừa học vừa làm… Tất cả quây quần, sum vầy thành những điểm tựa tâm hồn an ổn cho hai vợ chồng suốt một đời lầm lụi…
Nói về anh, người ta hay gọi là ông “vua” phế liệu, “vua” xe lăn, một nhà thơ với vầng trán mênh mang, đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh sáng và tiếng thơ trầm nặng trĩu như tiếng rì rầm của biển. Nhưng kiếp khổ của một đời người, kiếp lận đận của một doanh nhân thì có mấy ai thấm thía như anh. Anh lang bạt trên cánh đồng khổ ải để tìm sự sống, phiêu lưu trong những nghề tận cùng của cái nghèo cái khó để mang lại những đồng tiền có tiếng nói của lòng nhân.
Khởi nghiệp từ nghề bán phân bò, thu mua những đồ bỏ đi, biết bao lần trắng tay, biết bao lần uất đến trào nước mắt, nhưng cái dòng sông tha thiết cứ êm đềm chảy trong anh như thể một phép màu làm xanh lại những nỗi buồn… và rồi anh vẫn lầm lụi sống. Can trường và nghĩa hiệp mà sống, yêu thương mà sống, hát ca mà sống…
____
Tuổi thơ cơ cực là thế mà sao trong những trang viết của anh vẫn hiện lên mồn một đến từng chi tiết nhỏ…? Dường như sự nhớ cũng là một “cố tật” của anh? Sự nhớ làm nên cái “tật” thương người?
(Lặng đi thật lâu) Tôi thường viết ký. Sống, đi và viết là quá trình chiêm nghiệm của tôi về cuộc đời. Sống, đi và viết cũng giúp tôi có tầm nhìn rộng và phong phú hơn về con người. Tôi viết những gì tôi thấy cùng sự rung động của trái tim một cách tự nhiên. Tôi đi rất nhiều nơi và tôi viết nhiều về Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, nhưng điều ám ảnh tôi nhất là ngôi làng ấu thơ.
Cha mẹ tôi đều là người nhà quê, nghèo lắm, tôi phải mưu sinh từ nhỏ. Không thể tưởng tượng được sự khổ của tuổi thơ tôi. Cái tuổi mà thay vì được cha mẹ đút cơm cho ăn thì tôi đã phải đút cơm cho em, cõng em đi chơi. Chín mười tuổi tôi đã đi làm để nuôi sống em, tráng bánh, phơi bánh miệt mài từ sáng sớm đến chiều tối. Gần mười tuổi tôi mới được học lớp một, đi bộ mười mấy cây số đến được trường. Hồi đó đi học làm gì có dép, phải lấy ổ chim dòng dọc thọc chân vào để đi qua bãi cát cho đỡ bỏng chân.
Rồi lớn lên nữa mới có được đôi dép Lào đi mòn đến như… dao cạo. Khi đi xa nỗi nhớ mẹ thật kinh khủng, quay quắt, tuần nào cũng chạy bộ mười mấy cây số về thăm mẹ… Mẹ tôi là người đàn bà bươn chải kinh khủng, suốt cả đời gồng gánh trên vai, có lúc tôi hình dung nếu đi bộ mòn chân thì chắc chân của mẹ mòn tới gối. Tuy mẹ tôi ít học nhưng biết làm thơ, ru con bằng lời ru. Tâm hồn tôi lớn lên cùng tiếng ru của mẹ.
Tôi đã quen với cách làm việc siêng năng của cha mẹ, mang cây cuốc và cuốn vở ra đồng, cuốc mệt thì nghỉ để học, học xong lại ra cuốc tiếp. Cách làm việc của tôi đến bây giờ cũng vẫn vậy, không có một giây nào ở không. Khi có việc cần phải lo và điều gì cần nghiên cứu, tôi đưa dữ kiện ấy vào cả trong giấc ngủ. Tôi nhớ mãi lời thầy: “Chuyên cần, làm ngay, ôn bằng trí”.
Tôi thường nói với nhân viên của mình: “Mua rẻ ai mà bán, bán đắt ai mà mua, bán rẻ lấy gì lời”.
____
Người bạn thân nhất của anh là sách?
Ngay từ nhỏ, năm 13 tuổi, trong một mùa hè tôi đã đọc gần hết pho sách Tàu của nhà hàng xóm, từ Đông Chu liệt quốc cho đến Hán Sở tranh hùng. Khi nấu cơm, ngồi bên bếp lửa, cõng em trên vai tôi cũng cầm cuốn sách trên tay. Cả làng tôi chỉ có duy nhất một nhà có sách, chị đã cho tôi mượn đọc. Vừa rồi chị bị tai nạn gãy chân, tôi đã gửi tặng chị chiếc xe lăn để đền cái ơn ngày xưa đã cho tôi mượn sách.
Tôi ảnh hưởng rất lớn triết lý sống của người quân tử, lòng nhân ái trong từng trang viết. Nó làm tôi hiểu được việc đời, biết đủ để sống. Mọi châm ngôn trong kinh doanh của tôi có được phần nhiều từ sách. Tôi thường nói với nhân viên của mình: “Mua rẻ ai mà bán, bán đắt ai mà mua, bán rẻ lấy gì lời”. Quan trọng nhất phải mua, bán đúng giá, có lẽ thế tôi không bao giờ trở thành người giàu lớn, chỉ vừa đủ với tôi.
Có điều tôi luôn tiên đoán được những sự việc sắp xảy ra. Trong chiến trận luôn cần những người như Khổng Minh hay Hàn Tín. Làm doanh nghiệp cũng phải đoán biết được thời cơ, thời vận, để đem lại lợi nhuận.
____
Có phải vì vậy mà anh luôn “đi trước nhiều bước” so với các đối thủ của mình, và khi người ta nhảy vào kinh doanh phế liệu thì anh lại bỏ đi tìm “niềm vui mới”?
Đúng vậy. Khi thị trường đã bão hòa rồi thì tôi dẹp ngay, tôi cũng không tranh giành với người, mà chỉ tranh đấu với đời, làm gì có lợi cho đời. Buôn có bạn, bán có phường mà. Có nhiều người đã ăn chặn, cướp mối của tôi rồi cuộc đời cũng chẳng ra sao… Tôi chỉ được học tại trường Hàm Nghi – Huế được hơn một năm thì phải trở lại quê nhà vì lúc ấy tình hình chiến sự diễn ra dữ dội. Mẹ tôi cho ba chỉ vàng hùn với anh tôi mua chiếc xe tải đi mua phân bò và phế liệu về từ các doanh trại quân đội để bán cho người trồng trọt. Tôi nói thật, không có gì lời bằng bán phân, cứ một lời một.
Nghề buôn phế liệu vô cùng phức tạp, phải liệu được cuộc đời và loại trừ những vùng cấm không nên rớ tới. Đi buôn cũng phải có kiến thức. Khi người ta ào vô phế liệu thì tôi lại dốc hết vốn liếng làm liền bốn năm cây xăng suốt dọc xa lộ và cả bán xăng trên sông. Khi đất nước mở cửa tôi làm liền khai thác đá… Nhưng tôi không phải là người theo hình bắt bóng, tôi luôn dự trù trước. Cái tên Kiến Tường tức là nhìn thấy một cách tường tận, có nghiên cứu, hoạch định rõ ràng và dự kiến. Khi bắt tay kinh doanh, tôi luôn tự hỏi mình làm việc này có lợi cho đời, có lợi cho mình không? Và luôn luôn đặt lợi ích cho người cao hơn lợi ích cho mình.
____
Nghe nói có lần cả toa tàu phế liệu của anh đã bị bắt giữ hết, và anh đã trắng tay không biết bao nhiêu lần?
Tôi thất bại liên miên, cứ làm nên sự nghiệp là bị đổ, rồi bắt bớ, tù đày… Khi công việc lớn dần lên, dốc hết vốn liếng tôi thuê cả một toa tàu lửa chở hai mươi bốn tấn phế liệu toàn ve chai dép đứt. Công an đến bắt hết, tôi sợ quá bỏ của chạy lấy người. Thế là trắng tay, chỉ còn cái quần đùi chạy về nhà. Vừa bước chân vào hẻm số 4 Trần Hưng Đạo, tôi rùng mình chết lặng.
Nguyên cả dãy nhà đã cháy rụi, vợ con tan tác… Mất của như mất con, tôi như một người điên, chỉ muốn tự vận mà chết… Nhưng rồi bình tĩnh lại, tôi lại trở về làng Đông Tác, nơi tôi bày cho dân làng nghề lượm ve chai phế liệu những mùa nông nhàn. Nhờ dân thương, vả lại cũng chẳng nợ nần gì ai, nên cả làng vài trăm người lại sống kiếp bụi đời cùng tôi. Tôi cứ khẳng định một điều mình làm không có hại cho ai, và mình cần phải sống, chính điều đó đã rèn cho tôi một ý chí sắt đá.
Biết bao lần dứt áo ra đi, lênh đênh trên những con tàu, tiếng bánh xe chạm đường ray nghe như lời nhắc nhở “mi cực, ta cực” cứ triền miên trong đầu, tôi mơ ước có một ngày tạo dựng sự nghiệp ổn định. Nhưng khi mở một xưởng làm cơ khí, lại bị bắt tịch thu hết cả xưởng vì không chịu vô hợp tác xã.
Giận quá, tôi nghĩ mình làm điều không hại ai, tại sao lại không cho tôi làm? Tôi đã đưa cả gia đình sang Campuchia. Ngày tựu trường nhìn con không được đi học, không hiểu được ngôn ngữ, sống như câm giữa xứ người, tôi khóc hết nước mắt. Không thể để con dốt được, tôi đã quyết định trở về. Đây chính là bước ngoặt lớn nhất của đời tôi khi Nhà nước chủ trương cho các thành phần kinh tế hoạt động, từ đó tôi mới được làm ăn yên ổn.
Nhà thơ Thu Bồn nói: “Tôi đi vào thành phố này bằng xe tăng thiết giáp”, còn tôi thì đi vào thành phố này bằng… xe lăn.
____
Ngoài những mục đích nhân đạo, liệu có nguyên nhân nào khác không khi anh bước chân vào kinh doanh xe lăn, một lĩnh vực mới mẻ mà anh hoàn toàn không có kinh nghiệm? Đây có phải là điểm dừng cuối cùng trong cuộc hành trình của anh?
Một tiến sĩ người Mỹ vốn là chuyên gia về xe lăn nói với tôi: “Người làm xe lăn vốn dĩ đã có lòng nhân ái, xe lăn Kiến Tường lòng nhân ái còn cao hơn”. Tôi luôn tìm cách hoàn thiện chiếc xe lăn, chế tạo phụ tùng để tự người tàn tật có thể thay thế được… Nhưng có một điều đến giờ tôi mới nói thật, là ngoài ý tưởng nhân đạo, thì tôi bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi của một thời trước đây làm cái gì cũng bị bắt, chỉ có làm xe lăn là người ta không bắt mình được. Đó là nỗi đau mà mãi đến bây giờ tôi mới nói ra. Nhà thơ Thu Bồn nói: “Tôi đi vào thành phố này bằng xe tăng thiết giáp”, còn tôi thì đi vào thành phố này bằng… xe lăn.
Hai mươi năm nay nhà tôi năm nào cũng đón nhận 15 đến 20 em sinh viên sáng đi học chiều về làm, có mức lương ổn định, có chỗ ăn ở đàng hoàng. Sinh nhật vừa qua của tôi đã quy tụ hết 110 sinh viên từ miền Bắc, Phú Yên, Bến Tre, trong đó có 3 thạc sĩ, 34 kỹ sư, 8 nhà giáo, 2 phóng viên… cùng 58 cặp đã được tôi dựng vợ gả chồng và 38 đứa trẻ. Ước nguyện của tôi là để lại cho đời một ngôi trường.
Ngay sau lưng nhà tôi đây là trường cấp 2-3 Phương Nam do tôi hợp tác với bạn bè xây dựng, cùng với trường Duy Tân ngoài Huế hiện được coi là trường dân lập nổi tiếng của miền Trung. Như thế là cuối đời có thể mãn nguyện rồi… Tới tuổi này tôi hiểu, không sống ở đâu bằng đất nước mình, không ở nhà ai bằng ở nhà mình, không làm nghề gì bằng làm nghề của mình. Làm trái nghề cũng là một điều bất hạnh.
____
Điều gì là nền tảng trong đạo đức kinh doanh của anh và trong bí quyết của người lãnh đạo?
Trong kinh doanh, sự thật thà, chân thành mới có thể thành công lâu dài. Tôi có anh bạn là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chơi với tôi suốt 10 năm nhưng cương quyết không viết một dòng về tôi, anh bảo một doanh nhân làm được sự nghiệp như tôi phải mưu mẹo lừa lọc dữ lắm. Nhưng đến năm thứ 10 anh mới thấy là điều mình nghĩ không đúng.
Châm ngôn của tôi là “cẩn trọng trong sản xuất, mềm dẻo trong kinh doanh, chân thành trong giao tiếp”. Tôi chỉ hợp tác với ai khi họ thấy được cả thành công và thất bại. Trong tôi có hai con người rõ ràng, một nghệ sĩ và một giám đốc. Ban ngày tôi là một giám đốc khó tính, làm sai là tôi la dữ lắm. Sự dữ dằn cũng nằm trong cái thuyết của tôi. Ngày xưa có ba thuật dạy người là Đế đạo, Vương đạo và Bá đạo.
Đế đạo dạy con người bằng sách vở, lời nói, bằng đức độ. Vương đạo vừa dạy người bằng thuyết, vừa bằng kỷ luật. Bá đạo chỉ dùng vũ lực đàn áp con người, bắt con người phải theo, bằng không thì tận diệt. Tôi chọn lấy Vương đạo, có dạy bằng lời, có la bằng tiếng để đào tạo con người nhanh hơn. Trong khu nhà ở của tôi và sinh viên, tiền rớt không có người lấy. Chúng tôi sống với nhau rất chân thành như một đại gia đình.
____
Theo anh doanh nhân mình cần nhất điều gì?
Chân thật. Sự không chân thật dẫn đến những sai lầm khó lường được. Muốn kinh tế phát triển thực sự, nhất là khi làm ăn với thế giới, phải lập lại nền tảng này. Đất nước mình cũng làm được nhiều điều, giảm đói nghèo, đời sống được nâng cao, nhưng so với thế giới vẫn là một trong 10 quốc gia chậm tiến.
Về kinh doanh, tôi thấy trong cạnh tranh, đừng bao giờ giết người khác để mình sống, bởi như thế cả hai cùng chết, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, phải nương nhau để cùng sống. Với lớp doanh nhân trẻ tôi cho rằng đừng bắt chước kiểu buôn bán vặt của thế hệ tôi và ông cha mà phải biết thoát ra, học hỏi nhiều hơn, thoáng hơn.
Không sống ở đâu bằng đất nước mình, không ở nhà ai bằng ở nhà mình, không làm nghề gì bằng làm nghề của mình.
____
Theo anh sự nhạy cảm, cảm xúc có là điều cần thiết với một doanh nhân?
Thông thường càng kinh doanh càng chai nghề, riêng tôi rất dễ xúc động, lạ thế. Lần đầu tiên tôi biết khóc là năm tôi 36 tuổi, khi tiền mất, nhà cháy, vợ con đi đâu không biết. Từ đó tôi không ngăn cảm xúc của mình nữa… Cảm xúc rất cần, nó làm cho những người kinh doanh bớt đi cái tính toán, bớt đi cái xác phàm và tăng thêm lòng nhân ái, không còn cảm thấy như ngồi trên đống lửa, kinh doanh nhờ thế cũng mềm dịu hơn, đẹp hơn.
Ngoài tầm nhìn và kiến thức, thì cảm xúc sẽ làm cho người ta có thể đi xa. Có hai điều tôi sợ nhất là trái tim quá nhạy cảm cũng làm cho mình rất cô đơn, và biết nhiều quá cũng làm cho mình trở nên khó tính với người khác. Luôn biết trước như thế nên phải ngừa nó.
____
Bạn của anh phần nhiều là bạn văn chương, và rất ít bạn doanh nhân, vì sao vậy?
(Cười đầy hạnh phúc) Suốt ngày tính toán mệt quá rồi, giờ đi nhậu còn tính tiền bạc nữa thì chán lắm. Đám bạn nhóm Lồ Ồ của tôi rụng từ từ, chỉ còn anh Nguyễn Quang Sáng, anh Nguyễn Duy… Tôi nhận được từ họ một tình bạn chân thành, giúp đỡ nhau lúc đau ốm bệnh hoạn, một niềm thân ái, những kiến thức văn chương, văn hóa mà tôi không đọc được từ cuốn sách nào, tâm hồn bay bổng hơn trong đời sống… Tri thức, văn hóa là điều cần thiết nhất cho doanh nhân.
Những điều tưởng như trái ngược đó lại hòa tan một cách tốt đẹp trong tôi, làm muối bớt mặn và đường bớt ngọt đi… Tôi còn hai người bạn lớn là tiến sĩ Hóa đồng thời là tỉ phú người Nhật, và một vị quốc sư người Đài Loan. Chúng tôi dù nói tiếng Anh rất “vật vã”, nhưng hiểu nhau đến tận cùng như thể tri âm, nói chuyện thâu đêm suốt sáng. Vị quốc sư Đài Loan đã tìm đến tận nhà tôi để coi địa lý, ông nói: “Tôi giúp ông sửa nhà cho ông giàu, để đi giúp người ta”. Rồi ông hỏi lại tôi: “Vậy ông cho tôi cái gì?”. Tôi trả lời: “Tôi cho ông ba chiếc xe lăn, để ông đi cho người khác”. Năm nay vị quốc sư này đã 84 tuổi, bằng tuổi mẹ tôi… Dù làm việc mệt tới đâu, nhưng khi gặp bạn là tôi thấy vui ngay. Tôi rất cần có bạn.