Nhận được học bổng du học luôn là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Ai cũng biết rằng để có thể giành được một suất học bổng trị giá lớn không hề dễ dàng, cần phải có sự chuẩn bị, trau dồi cả năm trời. Tuy nhiên, ngoài yếu tố chuẩn bị này, việc nhận được học bổng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như may mắn, tìm được chương trình học bổng phù hợp và ít cạnh tranh. Thật vậy, ngoài những suất học bổng toàn phần cạnh tranh cao, có nhiều học bổng có giá trị thấp hơn nhưng lại vừa sức với nhiều bạn hơn. Dù vậy, suy nghĩ “chỉ những bạn thật giỏi, có thành tích thật nổi bật mới có khả năng nhận được học bổng” đã khiến nhiều học sinh giỏi chùn bước, không cố gắng tìm và nộp đơn xin học bổng. Dưới đây là một số hiểu lầm khiến nhiều học sinh “chùn bước” nhất trước khi nộp đơn xin học bổng:
1. “Chỉ những học sinh có kết quả cao nhất mới có thể nhận được học bổng”
Đúng là đa phần những học sinh nhận được học bổng đều có sức học vượt trội và điểm số khá cao. Nhưng học bổng không phải chỉ dành để trao cho những học sinh có điểm số cao. Điểm số là một trong những tiêu chí quan trọng và đáng tin cậy để đánh giá khả năng và quá trình phấn đấu của một học sinh. Trên thực tế, vẫn có những chương trình học bổng chỉ cần xét điểm số của học sinh để trao học bổng, nhưng số lượng học bổng dạng này không nhiều. Đa phần các chương trình học bổng đều tìm kiếm các ứng viên toàn diện, nghĩa là một học sinh giỏi nhưng chỉ quan tâm đến việc học và điểm số mà thiếu các kiến thức, kỹ năng giúp học sinh đó trở nên đặc biệt thì khả năng nhận được học bổng cũng không cao. Các tiêu chí có thể dùng để xét học bổng rất đa dạng, từ điểm số, hoạt động cho đến cả giới tính, tiểu sử gia đình cũng có thể được đưa vào xem xét. Vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ vì biết đâu sẽ có một suất học bổng phù hợp với mình.
2. “Có quá ít học bổng mà lại nhiều cạnh tranh”
Có một số chương trình học bổng rất nổi tiếng được cấp bởi những tổ chức lớn. Những chương trình này thường nhận được sựưu ái từ truyền thông và chính vì vậy nên có độ phủ sóng dày đặc. Điều này dễ tạo cho các bạn trẻ suy nghĩ là chỉ có một ít suất học bổng nhưng lại có quá nhiều sự cạnh tranh từ khắp nơi. Nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ thấy có rất nhiều quỹ học bổng, chương trình học bổng ít được nhắc đến. Chẳng hạn, có đến hơn 8.000 tổ chức tại châu Âu trao tặng học bổng cho sinh viên, thậm chí còn có nhiều chương trình học bổng gặp khó khăn trong việc tìm được ứng viên phù hợp. Bí quyết là đừng ngại tìm hiểu và “sục sạo” khắp nơi để tìm những chương trình học bổng phù hợp nhất với mình.
3. “Cần phải có bề dày hoạt động cộng đồng thì mới có cơ hội nhận được học bổng”
Bên cạnh quan niệm chỉ có những học sinh có điểm số cao nhất mới có cơ hội nhận được học bổng, thì đây cũng là một trong những quan niệm khiến nhiều bạn ngần ngại nộp đơn xin học bổng. Bạn nên có một bề dày hoạt động ngoại khóa, nhưng không phải chỉ các hoạt động cộng đồng, tình nguyện thì mới được tính. Bí quyết là hãy cố gắng xây dựng một cuộc sống năng động, tìm kiếm các hoạt động, các tổ chức phù hợp với khả năng và sở thích của mình để tham gia. Một câu lạc bộ âm nhạc, thể thao hay kinh doanh đều có thể mang lại những lợi thế cho bộ hồ sơ của bạn.
4. “Khoản hỗ trợ mà bạn nhận được sẽ không bao giờ đủ trang trải chi phí”
Nhiều bạn biết rõ khả năng và thành tích của mình khó có thể giành được một suất học bổng toàn phần. Những suất học bổng mà bạn có thể nhận được lại không thể đủ để trang trải chi phí học tập. Tuy nhiên, có một điều mà bạn chưa nghĩ đến đó là tại sao không cộng dồn nhiều khoản nhỏ lại để ra thành một khoản lớn? Nhiều khoản hỗ trợ cộng dồn lại nếu vẫn chưa đủ, bạn vẫn có thể cân nhắc các khoản vay từ nhà trường, chính phủ và tìm việc làm thêm. Hãy cố gắng “góp gió thành bão” nếu có thể.
5. “Tìm kiếm học bổng tốn quá nhiều thời gian mà lại không có kết quả chắc chắn”
Trước đây, đúng là sẽ tốn rất nhiều thời gian nếu bạn muốn tìm kiếm các thông tin về học bổng. Nhưng hiện nay có rất nhiều trang web giúp bạn tổng hợp nhiều nguồn học bổng khác nhau với đầy đủ các thông tin về giá trị, đối tượng, yêu cầu, thời hạn…
6. “Quy trình xin học bổng quá phức tạp”
Quy trình xin học bổng tuy phức tạp nhưng một khi đã tạo được một bộ hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ, bạn có thể dùng để nộp cho nhiều chương trình khác nhau. Đa phần các học bổng chỉ yêu cầu nộp đơn online bằng email hay nộp thẳng vào một hệ thống xét duyệt riêng. Với học bổng của các trường đại học, nhiều trường yêu cầu bạn phải được chấp thuận thì mới có thể nộp đơn xin học bổng. Nhưng nếu bạn đã có ý định theo học và được trường chấp thuận, việc đầu tư thêm chút công sức để xin học bổng cũng là điều tốt.
7. “Có quá nhiều người cùng xin học bổng, cơ hội của mình chắc rất thấp”
Những chương trình học bổng nổi tiếng và được đề cập nhiều trên truyền thông dĩ nhiên nhận được rất nhiều hồ sơ, nhưng ngoài ra vẫn có rất nhiều chương trình học bổng nhỏ hơn, ít được biết đến hơn và vì vậy, mức độ cạnh tranh cũng thấp hơn. Trên thực tế, các tổ chức này vẫn thường gặp phải vấn đề không nhận đủ các bộ hồ sơ chất lượng để sàng lọc được ứng viên xứng đáng. Trong khi tìm hiểu, không khó để xác định chương trình học bổng nào ít cạnh tranh hơn. Thường là những chương trình càng khó tìm thông tin, càng có ít sự cạnh tranh. Vì vậy, đừng ngại ngần dành thêm thời gian “sục sạo” khắp các ngóc ngách để tìm hiểu nhiều chương trình học bổng khác nhau.
8. “Nếu không có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì khó mà nhận được học bổng”
Trên thực tế dù có rất nhiều học bổng dựa trên hoàn cảnh và thu nhập của gia đình làm tiêu chí chính, vẫn có các học bổng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Hãy dùng các từ khóa để chọn lọc ra các học bổng phù hợp với mình. Những học bổng có kèm theo chữ “Merit” thường chỉ xét về khả năng và thành tích của ứng viên, trong khi các gói “Financial Aid – Hỗ trợ tài chính” còn cần phải cân nhắc cả điều kiện kinh tế của ứng viên.
9. “Học bổng chỉ được trao một lần khi chương trình học vừa bắt đầu”
Trong trường hợp bạn không giành được một suất học bổng đầu vào mà quyết định tự túc trang trải tiền học, không có nghĩa là cơ hội nhận được học bổng đã hết. Trên thực tế có rất nhiều trường và tổ chức trao tặng học bổng cho sinh viên đạt thành tích cao sau mỗi năm học. Vì vậy nếu cố gắng, khả năng nhận được học bổng vẫn rộng mở ngay cả sau khi bạn bắt đầu chương trình học của mình.
Nhật Hà (DNSGCT)