Tâm điểm chú ý của dư luận trong tuần qua là những phản ứng bất lợi về một dự án đầy tham vọng trên sông Hồng, nhiều khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, lý do chủ yếu để các chuyên gia bác bỏ.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh) với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỉ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỉ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỉ và dự phòng khoảng 6.549 tỉ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4 – 9%.
Dự án giao thông đường thủy xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng – Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội – Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng sáu đập thủy điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thủy điện cấp II kiểu tua-bin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.
Tuy vậy, dự án nêu trên ngay từ khi được công bố đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, về cả tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, an ninh quốc phòng…
Phản ứng có tính thuyết phục và quyết liệt hơn cả là của Giáo sư Đặng Hùng Võ, một chuyên gia nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông cho rằng trước hết cần xem lại ai sẽ hưởng lợi chính từ dự án này, mà theo ông đó chính là Vân Nam, một tỉnh lớn miền núi của nước láng giềng Trung Quốc vốn rất khó khăn tìm đường ra biển. Lợi dụng được sông Hồng với khả năng vận tải thủy cao là một giải pháp kết nối rất hữu hiệu cho Vân Nam ra Biển Đông.
Về lợi ích kinh tế đối với nước ta, thực sự chưa ở mức cấp bách về kết nối giao thông giữa Lào Cai và Hà Nội cũng như Hải Phòng, vì hệ thống đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vừa mới vận hành và bắt đầu thu phí. Vận hành đường thủy liệu có ảnh hưởng tới khả năng hoàn vốn cho đầu tư kết nối đường bộ hay không là việc cần xem xét kỹ. Nguồn thu từ thủy điện được đề xuất với sáu nhà máy thủy điện nhỏ, tương ứng với sáu đập có công suất khoảng 228MW, có thể cung cấp khoảng 1 tỉ kWh mỗi năm. Nghe như vậy, có vẻ như hấp dẫn nhưng làm thủy điện trên sông Hồng với chế độ nước như hiện nay cũng không hề đơn giản.
Thứ hai, cần trả lời cho câu hỏi ai bị thiệt trong dự án kiểu này. Trên sông Đà, chúng ta đã có ba bậc thủy điện nhưng cũng đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư. Vấn đề tái định cư cho nhiều cộng đồng dân cư, trong đó có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trong hoàn cảnh đất đai ngày càng khan hiếm là một vấn đề lớn, giải quyết nhiều năm vẫn chưa tạo được ổn định cho dân mất đất. Nay sông Hồng với sáu bậc thủy điện thì số lượng cộng đồng dân cư mất đất sẽ là con số khá lớn, cả miền ngược, miền xuôi, nông thôn, đô thị và cả thủ đô Hà Nội. Câu chuyện tái định cư cho các cộng đồng dân cư mất đất không hề đơn giản.
Điểm thứ ba cần nói tới là vấn đề môi trường gắn với quản lý tổng hợp lưu vực sông Hồng. Lưu vực sông Hồng gần như bao phủ toàn miền Bắc nước ta, trong đó vùng chịu tác động trực tiếp là Đồng bằng sông Hồng với mật độ dân cư khá cao. Thay đổi sông Hồng sẽ làm thay đổi toàn bộ lưu vực sông, trong đó tạo nên những thay đổi trực tiếp đối với Đồng bằng sông Hồng. Đây là điều cần quan tâm nhất về chiều sâu trong đánh giá tác động môi trường của một lưu vực sông Hồng khi tác động theo kiểu toàn diện vào con sông.
Nhiều chuyên gia cho rằng một dự án quy mô lớn như vậy không thể để cho một tập đoàn không đủ chuyên môn thực hiện.
Trước dư luận không thuận lợi, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 5-5 đã cho biết “dự án này chỉ mới là một ý tưởng”.
Lại có thêm những thông tin khác liên quan đến những dự án hàng tỉ đôla được đề cập đến trong buổi Bí thư Thành ủy TP.HCM tiếp lãnh đạo các tập đoàn Mỹ gồm Cantor Fitzgerald, Weider Resorts, Steelman Partners, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cuối tuần qua.
Trong cuộc tiếp xúc này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết công ty của ông hợp tác với ba nhà đầu tư của Mỹ dự kiến sẽ thực hiện các dự án có quy mô lớn tại TP.HCM với mức đầu tư 4 tỉ USD.
Trong tương lai Tập đoàn Cantor Fitzgerald sẽ kéo 6-8 tập đoàn Mỹ đến đầu tư ở TP.HCM và đặt “đại bản doanh” ở tòa nhà 70 tầng mà bốn tập đoàn đang dự kiến đầu tư xây dựng. Theo lời ông Johnathan Hạnh Nguyễn, các nhà đầu tư đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo đảm dự án được triển khai theo đúng tiến độ trước khi trình lên Thủ tướng. Báo Thanh Niên trích dẫn lời của ông Đinh La Thăng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất đối với các dự án của các nhà đầu tư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nói: “Tôi nghĩ các ngài chọn TP.HCM là sự chọn lựa khôn ngoan vì đây là trung tâm và đầu tàu kinh tế của cả nước, người dân thành phố luôn khao khát đổi mới, dám chấp nhận thử thách và có dũng khí”.
Gia Minh (DNSGCT)