Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chưa được quan tâm

Ngay trong các hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2011 và năm 2012, ĐBSCL cũng không có trong danh sách các điểm đến của được Tổng cục Du lịch chính thức giới thiệu với bạn bè quốc tế.

 

Chợ nổi ở ĐBSCL được du khách đánh giá là sinh động, thú vị

Những ai đã đi hội chợ du lịch quốc tế (ITE) năm 2011 tổ chức tại TP.HCM đều nhận xét: Việt Nam đứng ra tổ chức đã đến lần thứ bảy, mời gọi các nước tham gia để quảng bá du lịch, nhưng không gian quảng bá của du lịch Việt Nam vẫn rời rạc. Còn tại các hội nghị xúc tiến du lịch diễn ra trong khuôn khổ hội chợ năm ngoái, chỉ có Hạ Long và các tỉnh du lịch biển được nhắc đến. Các đơn vị du lịch thuộc ĐBSCL ngóng cổ xem tên mình có được Tổng cục Du lịch xướng cho các đoàn khách nước ngoài biết đến không, nhưng không nghe.

Tại hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC 2012 (diễn ra từ 13-9 đến 15-9), Tổng cục Du lịch thiết kế gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam quy mô 120m2, tập trung quảng bá cho năm du lịch quốc gia 2012 của khu vực Bắc Trung bộ – Huế; giới thiệu du lịch Hạ Long; giới thiệu về Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình); hình ảnh du lịch biển sẽ được đề cập sâu hơn; và dành một góc cho TP.HCM. Không thấy nhắc gì tới ĐBSCL.

Trong chương trình liên kết khu vực “Bốn quốc gia, một điểm đến” của Việt Nam – Lào – Campuchia – Myanmar tiếp tục được triển khai thì nét đặc thù của Việt Nam được chọn để quảng bá cũng là du lịch biển (bên cạnh di sản văn hóa, du lịch sinh thái của Myanmar, Lào và Campuchia).

Phải chăng ĐBSCL không có gì đặc biệt để quảng bá?

Sau chuyến khảo sát du lịch ĐBSCL đầu tháng 8 vừa qua, các công ty lữ hành thuộc các hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, TP. Đà Nẵng đã thay đổi hẳn suy nghĩ về vùng đất này. Ông Nguyễn Quốc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế cho biết đã đến ĐBSCL cách nay khoảng bảy, tám năm, nay trở lại thấy sản phẩm du lịch ở ĐBSCL khá phong phú. Nhờ trở lại nơi đây mà ông cập nhật được nhiều điều thú vị và chắc chắn các công ty lữ hành sẽ triển khai sớm những tour du lịch về ĐBSCL dành cho du khách từ miền Trung có nhu cầu tìm hiểu về vùng Nam bộ trù phú này. Còn bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Quê Hương (Huế) thấy sau chuyến khảo sát này, bà có thể hình thành thêm các sản phẩm du lịch mới ở ĐBSCL để giới thiệu với du khách châu Âu – đối tượng khách chính của công ty – lưu trú cả tuần ở đây. Các doanh nghiệp du lịch của Quảng Trị và Đà Nẵng cho biết thêm, mỗi năm có cả triệu khách từ Thái Lan, Lào sang Việt Nam du lịch. Tất cả loại hình du lịch sông nước – vườn trái cây, tâm linh, sinh thái rừng tràm… của ĐBSCL đều có thể thu hút những du khách Thái Lan và Lào. Họ còn cho rằng chợ nổi ở ĐBSCL được du khách khẳng định mới là chợ nổi thật, sinh động, thú vị nhiều hơn hẳn chợ nổi chỉ để trình diễn như ở Thái Lan. Khách đi du lịch là để được nhìn ngắm những cảnh đẹp, lạ, song cũng phải được biết đời sống cư dân của nơi mình đến và ĐBSCL có đủ những yếu tố đó.

Du lịch ĐBSCL thời gian qua được sự hỗ trợ nhiều từ Hiệp hội Du lịch TP.HCM và các công ty lữ hành ở thành phố. Chính Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã cất công làm cầu nối cho các hiệp hội du lịch các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc tiếp thị của Công ty Du lịch Vietmark lần đầu tiên đọc tour do những nông dân của Trung tâm Du lịch Nông dân An Giang thiết kế đã thích thú ngay tour săn cá trên sông Vàm Nao và khám phá rừng tràm Trà Sư. Ông nói tour này phù hợp cho việc tổ chức team-building, một loại hình du lịch chuyên của Vietmark. Thế là, hai năm nay Trung tâm Du lịch Nông dân An Giang trở thành đối tác tổ chức tour với Vietmark. Công ty Du lịch G.T.S cũng đã làm cho các gia đình ở TP.HCM thích thú khi được thay đổi không khí cuối tuần ở cù lao Ông Hổ.

Không ngồi trách phận

Năm 2008 được chọn là năm du lịch quốc gia “Miệt vườn sông nước Cửu Long”, dù có nhiều sự kiện tốn kém nhưng không mang lại nhiều kết quả cho ĐBSCL, nhất là vào thời điểm ấy, sự cố sập cầu Cần Thơ càng làm cho hình ảnh ĐBSCL được nhớ đến là vùng giao thông khó khăn. Thêm vào đó, sự quan tâm ít ỏi của Tổng cục Du lịch khiến những người làm du lịch ở ĐBSCL càng cảm thấy mình như đứa con nuôi bị bỏ quên dần. Mặc cảm này khiến không ít cán bộ xúc tiến du lịch của các tỉnh mất tự tin vào khả năng tự vươn lên của du lịch địa phương mình.

Thế nhưng ĐBSCL không thể cứ ngồi than thân trách phận, mà phải hợp lực sáng tạo cách quảng bá cho mình. Sự chậm chạp phát triển của du lịch ĐBSCL cũng có phần lỗi của chính các địa phương và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, khi các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thật hợp lý và hấp dẫn. Đơn cử, thay vì tổ chức những chuyến khảo sát cho các công ty lữ hành trong nước và nước ngoài đến ĐBSCL tận mắt thấy tai nghe về những điều hấp dẫn, các tỉnh ĐBSCL thường chỉ mang theo tài liệu và người đi tiếp thị suông với kinh phí khá tốn kém. Khi Hiệp hội Du lịch TP.HCM chủ động làm cầu nối cho các hiệp hội du lịch miền Trung đến ĐBSCL thì một số tỉnh như Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ không có sự chuẩn bị tốt để đưa khách đi giới thiệu các điểm đến.

Hồ Đạt Sanh, một du khách nói anh hy vọng các tỉnh ĐBSCL sẽ không còn cách nói tự làm hại mình là “sản phẩm du lịch giống nhau, đi một tỉnh biết 13 tỉnh, khó quảng bá” trong khi chính anh là người đã đi nhiều nơi ở ĐBSCL, mỗi lần đi là mỗi lần thấy những điều mới lạ và giới thiệu cho bạn bè.

Nguyễn Ngọc

Exit mobile version