“Mỗi chuyến đi là được sống với văn hóa vùng đất mới, như trở về hay đến với một kiếp sống xa xôi nào đó của chính mình…”
Cặp môi của những nữ tiếp viên hàng không thu hút cái nhìn của tôi không chỉ bởi màu đỏ sậm đột ngột trên khuôn mặt của họ, mà nhìn chúng giống nhau như do cùng một người vẽ, như mỗi cô đang ngậm một bông hồng nhựa màu đỏ, hoặc các đôi môi người đã được cùng một con triện hành chính áp lên. Màu sắc, đường viền của các cặp môi… cho cảm tưởng họ đang trong không gian sân khấu hơn là một môi trường làm việc.
Son môi và má Thanakha
Ấn tượng ấy lặp lại thường xuyên trong các chuyến bay đến nỗi trở nên một cảm nhận đầu tiên cho tôi biết mình sắp rời khỏi mặt đất.
Lần này cũng vậy, khi tôi bay từ Tân Sơn Nhất sang Myanmar.
Là nước lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á (hơn gấp đôi Việt Nam), trải nhiều cuộc chiến, di dân, giao thương… xứ này đa tộc người, tôi nghĩ vậy lúc đứng trên một con phố sầm uất ở Yangon, nhưng cũng chỉ có thể mơ hồ đoán biết qua hình thể cao lớn màu da sậm của người Ấn, vóc đẫy đà nước da trắng sáng hơn của người Hoa hay người Thái, hoặc những người lai pha giữa họ…
Đâu là người thuần Myanmar hay ít ra gần như thế, khi quanh tôi hầu hết đàn ông quấn longchy (váy) và phụ nữ mặc thummy (váy). Có lẽ đàn ông Myanmar đích thực ăn trầu, những người lái taxi tôi gặp đầu tiên ở cửa sân bay Yangon, vừa nhai trầu vừa mời khách đi xe. Ai đó nhắc nên giữ khoảng cách nếu không muốn dính tý nước trầu bất thần họ nhổ ra, nhưng đừng ngại, dưới chân chúng tôi rất sạch, không một bãi nước, bã trầu.
Còn nếu phải sợ là lúc đã chui vào ô tô. Ở Anh hay New Zealand tôi đã ngồi xe tay lái phải, nhưng xe chạy bên trái con đường, nên các bác tài vẫn nhìn nhau trực diện dễ dàng điều khiển xe tránh nhau. Ở đây kinh quá, lái xe ngồi bên phải lại chạy xe bên phải đường luôn, nghĩa là họ phải liên tục đánh mắt sang trái đường quan sát dòng xe vun vút lao ngược chiều. Bạn cứ tưởng tượng chạy tốc độ 70-80km/giờ mà lái xe không nhìn thẳng, mắt lúc nào cũng liếc trái (không “lác” mới lạ), lại còn nhai trầu và chuyện với khách nữa chứ!
Tốt nhất nên ngắm các thiếu nữ Myanmar trong những chiếc thummy để thoát khỏi nỗi sợ. Cao và thanh mảnh, mầu da thoáng thẫm hơn các cô Việt mình, thummy bao quanh thân dưới thắt nhẹ ở phần gối giới hạn mỗi sải bước, các nữ Myanmar di chuyển khoan thai dọc các con phố.
Tôi đoán một bộ thummy thuần khiết (cả áo ngắn) phải gam nâu tím, về sau này tôi thật sự tin như thế, chi chít hoa văn như ren và phối khá nhiều màu, tạo cho ta cảm thấy là nâu tím, khiến nhớ đến lối vẽ của Camille Pissarro với vô vàn điểm chấm tạo hòa sắc.
Gam màu ấy đẹp sâu xa trong không gian Myanmar, nó gần như lẫn vào màu con đường đất đỏ tỏa bụi mịn dưới chân thiếu nữ, màu thummy thấp thoáng uyển chuyển sau những rặng cây thưa, hoặc điệp với màu tường tháp phong hóa, trở nên sâu lắng khi hiện bên các tháp dát vàng rực nắng chói chang… Gam màu ấy đưa ta về cổ xưa.
Còn các thummy sặc sỡ không phải truyền thống Myanmar, có thể tôi cực đoan, vì chúng giống đồ Tàu may sẵn bán nhan nhản khắp các chợ biên giới nước mình, thường đỏ loét, xanh lét hoặc vàng kệch và láng bóng. Là hàng công nghiệp rõ ràng, không phải đồ làm từ vật liệu tự nhiên để hòa thuận với cảnh quan sinh ra nó.
Bộ thummy nâu tím bó sát thân chưa đủ, phải đôi má Thanakha nữa. Dĩ nhiên đàn ông, đàn bà, con trẻ Myanmar đều bôi thứ mỹ phẩm ấy lên mặt, nhưng cũng đương nhiên tôi chỉ để ý những đôi má thiếu nữ thoa Thanakha, nó giống màu chiếc lá bồ đề đã khô kiệt chuyển sang màu ngà của mạng gân lá li ti. Có mùi thơm như gỗ đàn hương, người ta bảo thế, có lẽ phải kề sát má nhau để nhận biết nhưng lại là việc ta không thể.
Rồi một buổi sáng tôi cũng hân hạnh được cô chủ khách sạn mài khúc gỗ Thanakha lên miếng đá tròn ướt nước lấy bột thoa lên mặt mình trước khi tôi ra đường. Tôi để nó cả ngày, lưu giữ cảm giác mát lành từ những ngón tay ân cần của thiếu phụ.
Những đôi môi đẫm son và những đôi má Thanakha, như sự khác biệt cuộc sống công nghiệp với nông nghiệp, nhân tạo với tự nhiên.
Hoa vừa trôi vừa nở
Hồ Inle (116km²) thuộc bang Shan nằm trên độ cao 800m. Thoạt đầu tôi mường tượng nó giống phá Tam Giang miền Trung vì từ hồ cũng nhìn thấy những rặng núi xanh lô xô tựa dãy Trường Sơn hiện cùng những cụm mây trắng bay thong thả. Nhưng khi tiến vào lòng hồ dưới màn mưa mỏng, lại cho tôi cảm tưởng như đang trên sông Tiền, sông Hậu ở Nam bộ do có rất nhiều mảng lục bình trôi chậm quanh thuyền.
“Có một loài hoa vừa trôi vừa nở”, câu này của ai du dương như thơ. Nhìn những bông bèo tím gặp ánh ban mai xuyên qua trong suốt như các mảnh ngọc tía, bất giác nghĩ vậy, cũng là lúc chúng tôi bắt gặp các đoàn thuyền nườm nượp chở cà chua, rau củ các loại ra thị trấn. Có thể ngắm những đoàn thuyền ấy từ rất xa bởi mỗi con thuyền đang lao vun vút xé nước thành đám bạc vụn phun lên hình đuôi cá.
Đây là vùng nông nghiệp hoàn toàn không sử dụng hóa chất (phân bón, thuốc diệt côn trùng…), thông báo được đưa ra trước khi chúng tôi xuống thuyền. Nhưng chỉ đến khi đã dạo qua các làng mạc trên mặt nước và nhất là xem những “thửa ruộng trên nước” mới hiểu đó là điều kiện tiên quyết cho lối định cư này, nếu không muốn bị hủy diệt.
Trong môi trường nước dễ và phát tán nhanh nguồn ô nhiễm hơn môi trường đất, hiển nhiên thế. Nhưng có lần chạy dọc sông Tiền bên thành phố Mỹ Tho xinh đẹp, tôi thấy bám bờ con sông có hàng cây số nhà máy bố trí sát nhau, rất thuận tiện cho chuyên chở nguyên vật liệu đến và hàng hóa đi theo đường sông.
Khu công nghiệp được chính quyền quy hoạch kiểu đó tất nhiên lợi cho các chủ đầu tư, nhưng những cư dân phải chịu ô nhiễm do các nhà máy xả thải xuống con sông giàu phù sa nuôi nấng họ.
Mà không chỉ sông Tiền, ở hầu hết các thành phố trên vùng đồng bằng Nam bộ màu mỡ nằm bên đôi bờ các con sông cũng vậy, đều có các khu công nghiệp bám sát mép nước…
Lúc này nhìn bao quát cảnh quan hồ Inle, bạn có thể hình dung rằng nước gần như chiếm toàn bộ không gian, là môi trường sống của họ. Sơ đồ quy hoạch cư trú đại khái là: “con đường nước” đóng vai trò giao thông chạy ở giữa, hai bên nó có những dãy nhà cao cẳng dựng trên nước trông ra “thủy lộ” tạo thành “con phố”. Thỉnh thoảng để nối hai dãy nhà bên con đường nước với nhau, người ta dựng các cầu vượt cao lênh khênh để đảm bảo cho thuyền qua lại ngay cả trong mùa mưa lũ nước dâng cao.
Tôi không biết việc xử lý chất thải cho từng ngôi nhà, từng “con phố nước” và toàn vùng mênh mông nước này ra sao, chỉ biết ở tầng dưới mỗi ngôi nhà cao cẳng đều dựng sạp nhỏ và thảng khi còn bắt gặp mấy người đàn bà múc nước tắm với chiếc thummy được kéo cao che ngực… Nghĩa là có quyền tin nước ấy sạch, không thể lẫn với nước thải. Các khu resort, tu viện, cửa hàng… cũng vậy, đều cao cẳng và nằm trên nước.
Cảnh quan như tất cả thuộc về tự nhiên được làm đậm thêm bởi màu vật liệu của các loại công trình, trừ chất lợp (mái tôn) còn toàn bộ cột đỡ sàn, hệ khung cột đỡ mái… đều bằng thân cây để mộc hoặc sơn đen, nâu chống thấm.
Có lẽ đặc sắc nhất là tường vách. Tôi ngạc nhiên vì hầu hết chúng được đan bằng nan tre như những tấm phên, liếp quê mình. Có thể vùng hồ Inle không bị gió bão, nhưng mưa, nhất là nắng nóng sẽ nhanh chóng hủy hoại nó, phên liếp nào thì cũng trải vài mùa nắng cũng khô quắt teo tóp, hở hoác, xô lệch… Nhưng tất cả tường vách ở đây, kể cả của các nhà tại khu resort trên nước đều khít, phẳng, hiện rõ những lượt thanh tre đan rất đều như hoa văn trang trí, khác chút màu cật tre tự nhiên là chúng nâu sẫm.
Chỉ khi chạm tay vào những tấm liếp mỏng mảnh ấy, tôi mới nhận ra chúng đã được quét lên (không biết từ bao giờ mà không chịu khô) một lớp dung dịch sền sệt mầu nâu, còn dính trên ngón tay mình.
Chính vật liệu bảo vệ bền bỉ này đã tránh cho nan tre bị co ngót, nó giống như thứ nhựa cây ở xứ mình xưa các cụ dùng để “sảm” chống thấm cho các con thuyền nan vậy. Tất nhiên với sàn gỗ và phên liếp bao tường vách sẽ giảm tải trọng cho ngôi nhà rất nhiều, như thế các khung cột cũng không cần lớn, chúng mảnh mai vươn trên mặt nước như những cọng sen xúm xít đỡ phiến lá.
Có vẻ như những khu vực trồng trọt trên nước được bố trí tách khỏi chốn ở tương tự như làng và ruộng. Và tại đó ta mới thấy vai trò của “loài hoa vừa trôi vừa nở”.
Trước tiên, tôi nghĩ vậy, người ta phải lập được những “con đê mềm”. Những “con đê nổi” ấy được tạo bởi bùn và lục bình, hai vật liệu chính đó được chồng chất lên và được gông bởi các cây tre nối dài có nhiệm vụ bao lấy, bảo vệ các khoảnh ruộng canh tác khỏi bị nước cuốn, bị sóng đánh khi thuyền bè chạy gần.
Bên trong “con đê mềm” những luống, giàn rau san sát nhau cũng được tạo bởi chủ yếu từ bùn, xác lục bình, lau lách và chính các thân cây đã qua mùa thu hoạch. Chúng cũng được gông lại và neo giữ bằng các cây tre.
Có thể gọi đó là thủy canh hoàn toàn, nhưng chẳng phải mất công tưới, vì có lúc nào các “thửa ruộng ấy” bị thiếu nước, có chăng kiểu canh tác này chỉ cần nhổ bớt cỏ, nhàn hơn trồng hoa màu trên đất nhiều. Giữa trưa những người đàn ông quấn longchy thong thả chống sào đẩy thuyền vớt lục bình đắp thêm cho những luống rau của họ và cả những tốp người thu hái trong mùa cà chua, đậu đũa…
Nhìn những đám lục bình được gông bằng tre chất cao như gò đồi đang phơi đợi khô và những đám lục bình trôi lang thang… loại vật liệu tạo nên sự sống của cư dân hồ Inle, thoáng nghĩ đến xứ mình, đến “loài hoa vừa trôi vừa nở” trên các dòng Cửu Long, nghĩ đến hàng trăm nghìn tỷ đồng thuế dân đã đổ ra làm tới 37.000 cây số đê bao trên khắp vùng sông nước Nam Bộ, và tự hỏi cuộc “chống lại trời” tốn kém khủng khiếp và tuyệt vọng ấy sẽ còn kéo đến bao giờ?
Quay về thị trấn Nayung Shwe đã xế chiều, nó là một trong số các cảng rau của hồ Inle, thiếu các bãi đỗ bốc xếp nên các con đường vốn đã nhỏ càng trở nên chật chội vì nườm nượp xe tải dừng chờ ăn hàng. Các loại rau, củ, quả, nhiều nhất là cà chua đỏ, vàng, tươi rói được những người Shan xếp vào các thùng gỗ để đi rất xa, chúng sẽ rời Inle với vị thế của loại thức ăn sinh từ bùn bèo, một loại thực phẩm hảo hạng.
Chùa tháp ở thành phố
Đi thăm chùa Vàng Shwedagon trên đồi Singuttara ở trung tâm thành phố Yangon trong mưa lất phất. 90 tấn vàng, hàng ngàn viên kim cương, hàng ngàn viên hồng ngọc… đã được dát và gắn lên ngôi chùa tháp nổi tiếng nhất Myanmar là những gì mà người ta nhất thiết phải nói đến. Sự nổi tiếng thường có phần được xác định bằng tài sản, cố nhiên là thế.
Chúng tôi hỏi người hướng dẫn viên (được thuê với giá 30.000 kyats, chừng hơn 500 nghìn đồng trong khoảng 3 giờ) rằng bằng cách nào người ta đã “phát triển” được Shwedagon chỉ từ 8m cao ban đầu (được cho là cách đây 2.500 năm, có tài liệu nói xây trong khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ X) lên tới 99m hiện nay và trải trên diện tích 50.000 m2?
Câu trả lời của anh ta (khác với những tài liệu tôi biết) là bằng 14 lần xây trùm lên nhau như cách làm những con búp bê Matryoshka của Nga, nhưng không có khoảng hở (biến các tháp xây trước thành cốt/lõi cho các tháp xây sau), nghe cũng có lý.
Tổng khu Shwedagon còn chừng hơn 1.000 tháp nhỏ và công trình các loại xây vây quanh tháp Shwedagon khổng lồ, nhưng tôi đồ rằng chúng đã được xây qua nhiều thời kỳ khác nhau, bằng chứng là có những công trình được đỡ bởi các cột Corinthian rất hoa mỹ, trần trang trí bằng gốm màu, thủy tinh màu… Rõ ràng kiến trúc châu Âu đã có mặt với vai trò tiên phong của người Anh trong công trình Phật giáo đồ sộ nhất Myanmar.
Một số tượng trong các tháp nhỏ cũng vậy, Phật đứng hai tay buông dọc thân, nếp áo tỏa mềm mại từ trên ngực xuống chân… phảng phất lối bố cục và tỷ lệ thanh thoát ở những bức tượng thánh bên Kitô giáo, khác chăng là tất cả tượng Phật ở đây đều được thếp vàng lộng lẫy.
Trong toàn khu này có hai pho tượng Phật sẽ không bao giờ được kết thúc, để người dân được tiếp tục thếp vàng lên các ngài. Tôi nhìn cả hai vẫn đang được thếp những lá vàng, chân dung và toàn thân hai vị đã phủ kín nhiều lớp vàng xốp nên gần như không còn rõ hình hài. Ngoài kia, tiếng hai phụ nữ ngân nga mời khách thập phương mua những tập vàng lá trên tay họ…
Trong chùa Phaung Daw Oo trên hồ Inle tôi còn thấy 5 pho tượng Phật (nếu có thể gọi vậy) vì bây giờ cả 5 pho đã tròn như hình hồ lô, nghĩa là các lá vàng dù nhẹ mỏng đến hơi thở của bạn cũng làm chúng bay tứ tung, đã dần qua bao tháng năm phủ rất dày lên các bức tượng đó.
Mưa vẫn rả rích. Có thể phân biệt du khách thăm chùa Shwedagon với người đi lễ qua cách đi: du khách đi lăng xăng từ điểm này qua điểm khác và say mê chụp ảnh, còn người đi lễ theo hành trình của họ. Hành trình mà anh hướng dẫn viên nói với chúng tôi là họ tới những chỗ đặt hoa, cầu nguyện để xin Đức Phật rủ lòng nghe điều họ mong muốn. Sở dĩ có cả nghìn tháp và công trình các loại là để “đáp ứng chừng 200 nội dung mà con người cầu xin”, anh ta bảo vậy.
Vâng, Đức Phật đã thế tục hóa nên nhiệm vụ của các ngài thật nặng nề. Chẳng hạn, có nơi tắm Phật để cầu may mắn cho mình theo đúng ngày sinh, nơi cầu sinh con trai con gái, nơi cầu bình an…
Trước một gian thờ đặt những hòn đá mồ côi lớn đen nhánh rất nhẵn, anh ta giải thích là chỗ những người kinh doanh buôn bán hay lui tới xin may mắn cho chuyện làm ăn của họ. Nhưng kế đó, chỗ có vật thờ là hình chạm con thỏ (bên phải), giữa có tượng một vị Phật, hình con công ở bên trái lại vắng người dâng lễ (tôi đoán đây là nơi cầu nguyện Thời gian, thỏ: Mặt trăng, công: Mặt trời), thì như mọi nội dung trừu tượng khác, thường chẳng được quan tâm do chúng không mấy thiết thân tới cuộc vật lộn mưu sinh của con người.
Đi trong không gian tôn giáo Myanmar có cảm tưởng đi trong không gian điêu khắc hơn là không gian kiến trúc vì số lượng tượng và diện tích chạm khắc nhiều vô kể, gần như không có khoảng trống nào cho ta nghỉ mắt. Những chạm khắc chi chít ở cửa võng tôi thấy trong chùa Vàng Shwedagon (Yangon) có thể sánh với bất kỳ cái cửa võng nào chạm trổ kỳ khu nhất trong các đình, chùa Bắc bộ.
Riêng tu viện Shwenandaw (Mandalay) thì thôi rồi, hoàn toàn gỗ và hầu như không có centimet diện tích nào không được đục chạm. Nể hơn nữa là tất cả chúng đều bằng gỗ teak rất cứng và chịu phơi ngoài mưa nắng.
Sự khéo léo, tinh tế của người Miến thể hiện ở những món đồ trang sức, lưu niệm bằng bạc, đồng, sơn mài, mây tre… có thể so với người Nhật. Tôi mua được đôi cốc (ly), một đan bằng những nan cật tre chuốt nhỏ li ti, cái kia đan bằng những sợi lông đuôi ngựa còn mảnh hơn nữa. Phía trong và miệng cốc phủ sơn then (màu đen).
Thoạt trông hai cái cốc của tôi có thể lẫn trong những cái cốc bán tại rất nhiều cửa hàng lưu niệm nếu bạn không cầm lên để hưởng sự ngạc nhiên, vì chúng nhẹ đến mức hầu như không trọng lượng, như giấy.
Khác với những cái cốc cùng chất liệu, bạn có thể bóp bẹp rồi thả tay để chúng lại tự trở về hình dáng cũ mà lớp sơn then bên trong lòng cốc không hề rạn, nứt. Tôi đưa chúng cho vài người bạn hiểu chút về kỹ thuật đan lát, sơn mài, họ thốt lên: Cái này mình cóc làm được!
- Xem thêm: Bí mật của những pho tượng nổi tiếng
Quạ và chó là đội quân dọn vệ sinh ở hai thành phố Yongun, Mandalay. Cả hai loài đều có mặt từ tảng sáng cùng những nhà sư chân trần đi khất thực trong mưa lắc rắc. Bầy chó lầm lũi dưới đất, lũ quạ vừa kêu vừa bay rợp trời, rác các loại là thức ăn của chúng, thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài người đàn bà đổ tô cơm to xuống trước cửa nhà cho bầy quạ xơi như người bên mình vãi ngô cho gà.
Chó cũng thế, chúng tranh ăn với quạ, có thể chúng là những kẻ tự do nhất vì chẳng ai đụng tới. Chúng sống lẫn với người và hình như chẳng thuộc về ai trong xã hội này. Hoang dã và vô chủ, nhưng chúng đều được định cư chắc chắn ở cả hai thành phố.
Phật ở đâu?
Đó không phải câu hỏi có tính triết học, mà trong đời sống thế tục này thôi. Hành trình bằng xe chạy đường dài của chúng tôi thường bắt đầu lúc chiều hôm trước để kết thúc vào ban mai hôm sau, nên luôn đến các địa danh trên đất nước bao la này khi chưa rạng sáng.
Lúc ấy nhà xe vẫn còn tối, nhưng bạn có thể bắt gặp ông chủ nhà xe đang đọc to kinh Paly (cách người Myanmar bắt đầu ngày mới của họ với một trạng thái thanh sạch), hoặc đã nhìn thấy những nhà sư chân trần lặng lẽ đi khất thực từ lúc 5 giờ sáng trong tiếng quạ kêu vang thinh không.<
Quan sát cuộc sống và không gian Phật giáo ở Myanmar, nhận thấy có ít nhất mấy sự khác biệt so với Phật giáo quê mình:
1. Từ mặt bằng cho đến toàn kiến trúc các chùa tháp đều hình tròn, nên nhìn từ mọi hướng, điểm nhìn đều cho hình ảnh giống nhau.
Tôi đã thấy nhiều cặp vợ chồng ngồi rải rác trong khuôn viên mênh mông của chùa Vàng Shwedagon, từ vị trí ngồi của mỗi cặp tới tâm đỉnh tháp có cự ly khác nhau, ai gần Đức Phật hơn ư, điều đó có vẻ không quan trọng, miễn là họ đều cùng hướng về phía tâm của đỉnh tháp.
Hình tháp trụ vì thế cung cấp được nhiều vị trí đồng đẳng hướng tâm hơn bất kỳ loại hình khối nào, không có hướng gọi là chính hay phụ. Cặp vợ chồng gần tôi nhất mang theo mấy hộp cơm, bày thức ăn trước mặt và cùng cầu nguyện. Bữa ăn đạm bạc chỉ bắt đầu sau khi họ đã đọc hết bài kinh.
2. Chùa tháp không có sư cư trú (bên mình phần nội viện người tu hành ở, ngoại viện cho khách hành lễ) các sư Myanmar ở tu viện, tách hoàn toàn với chùa tháp.
Người lái taxi đưa tôi đến một tu viện ở Mandalay, chiều u tịch thưa bóng nắng, trên cái sân đất rộng quạnh quẽ chỉ có một nhà sư thư thái ngồi trên chiếc ghế gỗ đẽo sơ sài.
Chúng tôi bước lại gần, cách ông chừng 5 – 6m anh lái xe lập tức quỳ sụp xuống vái chào, chỉ đến lúc nhà sư khoát tay ra hiệu anh mới đứng dậy khoanh tay hầu chuyện. Tôi còn bắt gặp sự sùng kính với người tu hành qua nhiều cử chỉ của người dân Myanmar, nhưng có lẽ cử chỉ của anh lái xe khiến nhớ nhất. Lúc ra về cũng vậy, một lần nữa anh ấy lại sụp xuống nền đất chào từ biệt…
3. Người tu hành của Myanmar chỉ ăn một bữa trong ngày và không nhất thiết phải ăn chay.
Người ta đã viết rất nhiều về những người ăn chỉ 1 bữa/ngày với sự hiếu kỳ của những kẻ thường xuyên ăn 3 bữa/ngày. Tôi cũng đã đến tu viện Maha Gandhayon Kyaung bên hồ Tong (ngoại ô Mandalay). Hôm ấy bọn ăn 3 bữa đến xem người ăn 1 bữa có thể còn đông hơn cả nghìn người đang tu tập chờ ăn một bữa tại đây.
Khi đồng hồ báo giờ ăn, đám du khách chen nhau săn ảnh các chú tiểu ăn cơm, như săn chim. Tất nhiên nhiều nhất là Tây trắng, vàng ít, không một bóng dân lục địa đen, vì có lẽ ở xứ họ khối đồng bào no 1 bữa còn khó, có gì mà xem.
Nhìn vẻ mặt phấn kích của các chị “đầm già” lúc ngắm những chàng sư trẻ tráng kiện khăn nâu choàng nửa khuôn ngực nở nang đang đảo cơm trong các nồi khổng lồ bằng dụng cụ lớn như cái mái chèo, tôi thoáng nghĩ có thể mấy nữ nhân tóc vàng ấy đang tin rằng bằng cách đó, họ đã đến được gần Đức Phật?
Có thể những người tu hành ở tu viện Maha Gandhayon Kyaung coi bữa ăn duy nhất trong ngày như một nghi lễ nên cần trải qua các nghi thức, như tắm sạch, y phục sạch, những ai được ăn trước, ai ăn sau, bọn trẻ thiếu sinh đạo đọc kinh trước khi ăn… Nhìn chung khá giống một bữa ăn trong quân đội.
Giữa trưa trời nắng oi, quạ nhiều vô kể, chúng kêu suốt, không khí tu viện Maha Gandhayon Kyaung đậm mùi bếp than, mùi thức ăn…
Một tài liệu cho biết có chừng nửa triệu người tu hành (nhiều hơn biên chế quân đội) ở đất nước trên 55 triệu dân này. Vậy để nuôi (tạm dùng từ này) những người tu hành chuyên nghiệp, các gia đình Myanmar có lẽ trong “kế hoạch” nấu cơm hàng ngày phải tính thêm khẩu phần ăn cho những người khất thực.
Tôi muốn so sánh sự việc ấy với chuyện nghe được gần trại giam Hồng Cam (Yên Bái) nơi giữ khá đông tội phạm. Một nữ thiếu úy trưa hôm đó sau khi giải thích lịch thăm phạm nhân cho các thân nhân của họ, quay sang bảo tôi: “Tội nghiệp, họ đều từ các tỉnh xa đến (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên…) đã nghèo, lại còn tháng nào cũng phải đi thăm phạm. Có những người không đủ tiền đi đường xuống ở luôn vùng này xin làm thuê, làm mướn lấy tiền mua đồ ăn tiếp tế hàng tháng cho chồng con đang bị giam giữ”.
Tức là họ cần dành một phần đời tự do của mình để nuôi người tù tội, họ buộc phải “lập kế hoạch” sống cùng năm tháng với người thân bên trong trại giam.
Ý nghĩa của hai kiểu “kế hoạch” đó, tùy các bạn nghĩ.
Chúng tôi đến Bảo tàng Lịch sử Myanmar (ở Mandalay) cũng trong một ban mai mưa mà đã rất đông người xếp hàng chờ mở cửa. Những người dân Myanmar lam lũ chân trần nô nức đi xem bảo tàng, cảnh tượng này thật khác biệt với cảnh vắng vẻ ở các bảo tàng xứ mình khiến tôi ngạc nhiên.
Nhân tiện nói tương tự Việt Nam, Myanmar 3 lần trong 24 năm (1277- 1301) với tổ chức của một nhà nước Phật giáo, đã giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống quân Nguyên hùng mạnh. Sự kiện đó có vẻ ngược với số ý kiến cho rằng các thiết chế nhà nước Khổng giáo được tổ chức tốt hơn các nhà nước Phật giáo trong các cuộc chống ngoại xâm?
Còn ngạc nhiên hơn khi vào bên trong thấy nhiều người sụp xuống cầu nguyện rất lâu trước các bức tượng Phật. Lịch sử đất nước Myanmar gắn liền với lịch sử Phật giáo, nên hầu như các phòng trưng bày ở thời kỳ lịch sử nào cũng có tượng Phật. Và có lẽ họ không quan niệm Đức Phật trong không gian trưng bày này là hiện vật bảo tàng, bởi trong họ chỉ có một Đức Phật.
Khác với dân đi chùa ở các thành phố Yangon, Mandalay… đến chùa cầu xin một điều nào đó (tôi có cảm tưởng dân đô thị thường như vậy), những nông dân chúng tôi gặp ở Bagan bảo họ chẳng xin Đức Phật điều gì, đến chùa để chiêm bái ngài và đọc kinh Paly thôi.
Nông dân vùng này thường đến chùa lúc bình minh, người già lưu lại chừng 30 phút, trẻ khoảng 15 phút mỗi ngày. Trước các cửa chùa thay vì bán trái cây, thức ăn đồ uống, những đứa trẻ gày gò chỉ bán những dây hoa đại cho người đi lễ.
Nhìn chung nhà cửa dân vùng quê ở Myanmar sơ sài, vách thưng phên tre, nứa thì tên trộm nào cũng có thể (qua khe vách) ngoáy lỗ tai ông chủ đang ngủ trong nhà. Cột cũng thế, bé và cong queo chứ họ không lựa cây gỗ lớn, thẳng thớm, bào nhẵn… để cất nhà như dân Việt mình.
Tôi có cảm tưởng họ làm cả ngôi nhà chỉ bằng cái dao rựa. Và tất nhiên cũng chẳng có tường bao quanh nhà, khoảng cách giữa các nhà là những mảnh đất trống cho lũ trẻ chạy nhảy…
“Sự chểnh mảng về sở hữu” còn được phơi bày trên những cánh đồng hầu như không có những bờ ruộng chạy dọc ngang chi chít phân chia đất đai của các hộ nông gia ở quê mình. Rồi tôi cũng được biết chính những hàng cây thốt nốt xa xa giúp xác định một cách áng chừng ranh giới ruộng đất của các nông hộ.
Rằng cảnh quan làng xóm, đồng bãi… của lối định cư ấy, có lẽ phần nào cho người xứ khác biết đời sống thế tục không quá quan trọng với những người dân xứ này, bởi sự chăm chút, những nỗ lực xây cất, hết thảy, họ đã dành cho những ngôi chùa tháp. Rằng người Myanmar hôm nay tiếp tục như ông cha họ từ ngàn năm trước, vẫn chăm chỉ xây tháp như một cách cúng dường (chừng 3.000 USD/ ngôi tháp làm trên đất tư).
Cảm nhận đó mạnh nhất khi tôi cố gắng leo lên đỉnh một tòa tháp lớn để được nhìn toàn cảnh bình nguyên Bagan lúc hoàng hôn với hằng hà sa số tháp như chồi cây mọc mùa xuân. Là lúc mà những tia nắng đuối sức chỉ còn có thể bắt vào những đỉnh tháp dát vàng ánh rực lên trong thinh không mênh mông đã bắt đầu thẫm tối.
Từ tòa tháp cổ chúng tôi trở về bằng xe ngựa kéo. Bên đường, dưới tán cây noong rậm rạp thâm u đã chen chúc lũ quạ tìm chốn ngủ, một nhà sư già ngồi kiết già giữa cô quạnh. Khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra thế giới này chưa bao giờ tiến hóa, thấy mình có một kiếp thơ bé ở đây, đang chân trần bám thummy mẹ đi vào một bình nguyên Phật giáo.