Thông tin chính thức do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy bốn tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5,54 triệu lượt người, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu cụ thể cho thấy khách Trung Quốc chiếm phần lớn với 1.770.024 người, tiếp theo là Hàn Quốc (1.173.847 người), Nhật (279.802 người), Mỹ (263.465 người), Nga (261.936 người).
Theo số liệu nói trên, khách đến từ châu Á tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc tăng 67,3%, Trung Quốc tăng 39,7%, Malaysia tăng 16,3%, Đài Loan tăng 14,3%, Thái Lan tăng 9,2%, Singapore tăng 8% và Nhật Bản tăng 7%.
Khách đến từ châu Âu tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách Ý tăng 19,7%, Liên bang Nga tăng 13,4%, Vương quốc Anh tăng 11,1%, Pháp tăng 8,6%, Đức tăng 8%…
Khách đến từ châu Mỹ tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, từ châu Úc tăng 12,6% và khách đến từ châu Phi tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong bốn tháng ước tính đạt 172.000 tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành bốn tháng ước tính đạt 12.900 tỉ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Để có được kết quả ấn tượng nêu trên, ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã thực hiện quảng bá, xúc tiến, giới thiệu du lịch Việt Nam ở nhiều thị trường, hội chợ du lịch quốc tế. Trong tháng 4-2018, Tổng cục Du lịch giới thiệu du lịch Việt Nam tại bốn thành phố của Trung Quốc là Tế Nam, Hàng Châu, Vũ Hán và Bắc Kinh. Trong đó, chương trình tại Bắc Kinh đã thu hút sự tham gia của gần 800 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp du lịch và báo chí Trung Quốc.
Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch Trung Quốc. Nếu như năm 2015, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt khoảng 1,7 triệu lượt thì đến năm 2017, con số này đã lên đến hơn 4 triệu lượt. Tổng cục Du lịch hy vọng, trong năm 2018 lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa. Hiện, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác du lịch hai bên và còn ít so với một số điểm đến khác ở châu Á.
Năm du lịch quốc gia 2018 với chủ đề “Hạ Long – Di sản, Kỳ quan – Điểm đến thân thiện” đã chính thức khai mạc tối 28-4, thông qua các hoạt động đặc sắc sẽ góp phần thúc đẩy du lịch Quảng Ninh phát triển, tăng trưởng lượng khách, nguồn thu từ du lịch; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thế nhưng niềm vui của ngành du lịch không trọn vẹn khi một báo cáo gần đây của Tổng cục Du lịch cho biết 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam. Đây là con số hết sức đáng buồn nếu so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên hai lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số lượng khách du lịch quay lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ ba.
Tỷ lệ mà các chuyên gia du lịch đưa ra còn khiêm tốn hơn, chỉ 5 – 6% khách du lịch lựa chọn quay lại. Tiến sĩ Phạm Trung Lương – Hiệp hội Đào tạo du lịch VN, cho rằng nguyên nhân chính khiến du khách không mấy mặn mà với Việt Nam là sự nghèo nàn về sản phẩm cũng như giải trí. Ông Phạm Trung Lương phân tích, khách du lịch chỉ quay lại một điểm đến khi có những trải nghiệm khác so với những gì đã trải nghiệm lần trước hoặc có điểm đặc biệt mà những điểm đến khác không có. Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ khai thác tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng hấp dẫn khiến khách phải quay lại. Việc sản phẩm đơn điệu không chỉ không thu hút được khách đến, kéo khách quay lại mà còn làm giảm chi tiêu của khách khi đến Việt Nam, giảm doanh thu toàn ngành du lịch.
Sự việc xảy ra mới nhất là vào tối 13-5, Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) khi làm thủ tục nhập cảnh đã phát hiện 14 người trong đoàn du khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ nước này kèm ranh giới “đường lưỡi bò” chín đoạn. Lực lượng chức năng đã liên hệ công ty tổ chức tour du lịch, yêu cầu những người khách không được mặc áo này khi nhập cảnh. Phụ trách lữ hành công ty đã yêu cầu nhóm khách cởi áo có bản đồ ra, đồng thời mang số áo này đến công an giao nộp.
Trả lời báo chí bên lề cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng 18-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, sự việc nói trên là không thể chấp nhận.
Ông nói: “Đây là hành động có tổ chức, được chuẩn bị, sắp xếp với ý đồ không tốt chứ không phải ngẫu nhiên, bộc phát từ mỗi người. Nếu vô tình là mỗi người mặc một kiểu, còn ở đây đồng loạt như thế”.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, sự việc trên có biểu hiện lợi dụng du lịch để tuyên truyền không đúng pháp luật Việt Nam.
Tương tự, một số diễn biến trước đây như tour du lịch quốc tế thuê hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc, phía sau “ngụy trang” một hướng dẫn viên người Việt Nam, khi hướng dẫn về lịch sử, truyền thống của Việt Nam thì đưa ra nội dung xuyên tạc; hay là việc tồn tại các cửa hàng chỉ giao dịch bằng tiền Trung Quốc,… cũng không đúng pháp luật Việt Nam.
“Cơ quan chức năng phải lường trước những hiện tượng như trên, quản lý chặt chẽ, trường hợp không đúng thì xử lý chứ không mập mờ”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Ông cho biết, sau cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tập hợp nội dung cần thiết, trong đó có vấn đề trên để báo cáo với lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, tránh việc lợi dụng du lịch để tuyên truyền sai sự thật.
Tại cuộc làm việc, trả lời Tổ công tác của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian qua có những vấn đề được dư luận quan tâm như tour du lịch giá rẻ, hướng dẫn viên, 14 khách du lịch Trung Quốc mặc áo phông in “đường lưỡi bò” ở Cam Ranh…
Ông Tuấn nói: “Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ xử lý, tinh thần là kịp thời nhưng phải mềm dẻo, không để những sự cố nhỏ như thế ảnh hưởng đến đại cục, ảnh hưởng đến hợp tác du lịch giữa chúng ta với Trung Quốc cũng như những thị trường trên thế giới”.
Phát biểu của ông Tuấn trong chừng mực trái với nhận định của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Cộng đồng mạng và không ít chuyên gia cho là sự yếu kém về chính trị, bởi đây không phải là sự cố nhỏ.
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.