1. Xem xong vở Bí mật vườn Lệ Chi về đến nhà, lục rục một hồi cũng đã hơn 12 giờ nhưng tôi không sao chợp mắt được. Xúc cảm về vở diễn, về nỗi đau Nguyễn Trãi, về niềm kiêu hãnh Ức Trai, về những thông điệp sáng rõ từ một âm mưu sát hại bậc hiền tài cách đây hơn 600 năm lại như những con sóng cứ xô dập, khiến tôi ngồi dậy, bật đèn, tìm và đọc lại quyển sách Bí mật vườn Lệ Chi của cố tác giả Hoàng Hữu Đản, lúc sinh thời đã tặng tôi một bản.
Bi kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1981 và vở diễn ra mắt công chúng lần đầu vào năm 2000 tại sân khấu IDECAF, sau 20 năm kịch bản ra đời.
Bằng cái nhìn am tường của một người nắm rõ cả một hệ thống bi kịch nhân loại từ lịch sử, từ các thần thoại, huyền thoại, truyền thuyết cổ xưa và đặc biệt là qua nhiều vở bi kịch cổ điển của thế giới mà gần suốt cả cuộc đời dịch giả Hoàng Hữu Đản âm thầm dịch sang tiếng Việt, đã giúp ông nắm được chìa khóa khi mở những cánh cửa bị vùi lấp của lịch sử và làm sáng rõ sự thật của thảm án Lệ Chi viên, để rồi trao cho người đọc, người xem chiếc chìa khóa khác mở ra thông điệp đời đời: “Bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người!”.
2. Trong lần tái diễn lần thứ ba tại Nhà hát Bến Thành, thảm án Lệ Chi viên, nỗi đau nhức nhối day dứt biết bao thế hệ Việt Nam – từ âm mưu của Thần phi Nguyễn Thị Anh và bọn nghịch quan chốn triều đình đã giết hại Nguyễn Trãi, vị anh hùng khai quốc công thần cùng người vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và đẩy cả ba họ Nguyễn Trãi vào thảm cảnh “tru di” – đã được đạo diễn, diễn viên và toàn bộ ê-kíp tái hiện hết sức sinh động và chân thật. Cảm xúc nhiều lúc như vỡ tràn trên sân khấu.
Lâu lắm rồi, kể từ đêm xem vở Tôi và chúng ta của cố tác giả Lưu Quang Vũ trên sân khấu Nhà hát Hà Nội, tôi mới được thưởng thức một vở kịch mà nhân vật trên sàn diễn, khán giả, nghệ sĩ và người xem như hòa quyện vào nhau bởi cảm xúc và bằng cảm xúc.
Cảm xúc đã khiến hơn 500 người ngồi kín khán phòng, im phăng phắc và dường như chỉ còn nghe nhịp đập của trái tim. Nhịp tim nhanh hơn, trái tim trong lồng ngực cồn lên mỗi khi Nguyễn Trãi xuất hiện. Bằng tài năng nhập vai nhập hồn của nghệ sĩ Hữu Châu, Nguyễn Trãi hiện ra trước mắt người xem không chỉ là phong thái quắc thước, uy nghi, cương trực mà còn thể hiện được nỗi ưu tư của trái tim đa cảm và sự túc trí đa mưu của một bậc thao lược anh minh và trên tất cả, là nhân phẩm một bậc hiền tài, một trái tim đập cùng nhịp đập với trái tim tổ tiên, trái tim dân tộc. Chính bằng trái tim yêu nước thương dân, Nguyễn Trãi cùng với bà học sĩ Nguyễn Thị Lộ (nghệ sĩ Hoàng Trinh đóng) kiên quyết đấu tranh đến cùng chống lại âm mưu và hành vi vô đạo của Thái hậu Nguyễn Thị Anh và bè lũ quan lại hại vua hại nước, kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự thật, cho lẽ phải.
“Con thú có thể cắn chết con người, nhưng con thú vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải; nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người!”.
Người xem nhiều lần chực trào nước mắt khi nghe dàn đồng ca hát vang câu nói gói gọn cái triết lý sống mà bà học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã nói trước Thái hậu Nguyễn Thị Anh và bà cùng ông Thừa chỉ Nguyễn Trãi đã sống và chiến đấu đến cùng và đã chọn cái chết vì lẽ phải. Một cái chết bất tử. Một cái chết để muôn dân và gấm vóc trường tồn.
“Bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người!”, thông điệp sáng rõ của vở diễn mở rộng không gian cảm xúc, dù màn nhung trên sân khấu đã khép lại, vẫn như còn vang vọng và ngân dài trong tâm trí người xem.
3. Kịch bản Bí mật vườn Lệ Chi đã được chính tác giả dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp: “Kịch lịch sử, song ngữ Việt Pháp”. Không chỉ riêng tác giả Hoàng Hữu Đản mà có lẽ những ai từng đọc, từng xem vở Bí mật vườn Lệ Chi đều có ước muốn tác phẩm nghệ thuật này được giới thiệu cho bạn bè quốc tế cùng đọc, cùng xem để bạn bè trên khắp hành tinh này, có thể hiểu hơn chiều sâu văn hóa Việt thông qua nhân vật Nguyễn Trãi, một bậc hiền tài, một danh nhân lỗi lạc đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại.
Bí mật vườn Lệ Chi là kịch bản sân khấu mà tác giả Hoàng Hữu Đản đã thai nghén gần suốt cả cuộc đời, bởi đây là tác phẩm được viết từ cuộc đời quá lớn, quá đẹp và quá nghiệt ngã của bậc hiền minh Nguyễn Trãi; một tác phẩm nghệ thuật có thể giúp người đọc, người xem chiêm nghiệm sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc (và đương nhiên, cũng còn là một phần lịch sử nhân loại). Một khi nhìn sâu hơn về quá khứ, ắt hẳn con người sẽ thấy rõ hơn hiện tại và cả những bước đi của tương lai.
Bí mật vườn Lệ Chi còn giúp người đọc, người xem được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhân phẩm của những con người luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân. Những con người sống chết vì nghĩa nhân.
“Hãy đốt lên hương trầm nhân phẩm Việt Nam
Hãy thắp sáng ngọn đuốc của trí tuệ Việt Nam”
Sài Gòn, đêm mưa tháng Bảy.
- Bích Ngân