Thị trường chứng khoán đi lên đem đến niềm vui cho số đông nhà đầu tư, bởi với sự tăng tốc mạnh mẽ của các chỉ số chính, đa số tài khoản đều đã có được lợi nhuận. Những ngày trung tuần tháng 11, VN-Index không gặp phải nhiều cản ngại trong việc lần lượt vượt qua các mốc 870, 880, 890 rồi 900 điểm. Trong nhịp tăng trưởng ấy, dòng tiền sau khi dồn dập đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã lan tỏa sang các cổ phiếu trung bình và nhỏ. Khởi đầu từ kỳ vọng về kết quả kinh doanh năm nay – điển hình là nhóm ngân hàng, bất động sản, xây dựng,… đến các câu chuyện riêng lẻ, “tin tức bên lề”, và khi dòng tiền sôi sục thì nhóm cổ phiếu chứng khoán bắt đầu “chạy”, bởi các công ty chứng khoán là nhóm được hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng của VN-Index. Sóng sẽ… tạo sóng là vì thế. Thanh khoản tăng mạnh song hành với đà tăng của chỉ số cho thấy thị trường đã vào giai đoạn “bùng nổ”, thực sự tích cực. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HSX và HNX đang duy trì ở mức cao, cùng với đó là những phiên có giá trị giao dịch thỏa thuận tăng mạnh do có sự vào cuộc của nhà đầu tư tổ chức. Niềm tin vào thị trường càng được củng cố khi khối ngoại quay trở lại xu hướng mua ròng, thậm chí mua ròng mạnh.
Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tiền vào bluechip đã giúp cho cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn đang bị định giá thấp bật tăng trở lại. Nếu như trước đây, nhà đầu tư đặt niềm tin vào VNM, là cổ phiếu có thể đem lại lợi nhuận cho người sở hữu cổ phiếu bất kể mua vào ở thời điểm nào, thì nay đã có thể thêm vào danh sách đó những cái tên như MWG, VJC… Đặc biệt, việc cổ phiếu VNM tăng giá mạnh sau cuộc đấu giá cổ phần sở hữu nhà nước lần thứ hai đã đem đến một hiệu ứng tích cực, đó là nhà đầu tư buộc phải “để ý” các bluechip khác, dù trước đó chúng đang tăng giá hay giảm mạnh. Chẳng hạn, hai cổ phiếu ngành thép là HPG và HSG đã tăng giá trở lại sau chuỗi ngày giảm sâu, còn VJC, MWG, CTD, FPT,… thì kéo dài chuỗi ngày tăng trưởng.
Tuy nhiên, xét chung toàn thị trường thì mới chỉ có một nhóm bluechip (như GAS, ROS, SAB, MWG, VCB, VNM, FPT, CTD, VIC…) có mức tăng vượt trội – và kéo theo VN-Index, trong khi phần còn lại của thị trường tăng không đáng kể hoặc đi ngang. Vì lý do này, đà tăng – giảm của VN-Index không còn là mốc tham chiếu quan trọng, bởi các cổ phiếu có thể đang “lệch pha” mạnh với chỉ số. Vẫn còn rất nhiều cổ phiếu đang có mức định giá khá rẻ so với mặt bằng chung. Những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, có câu chuyện (để có thể tăng giá trong thời gian tới) như vậy là cơ hội cho các nhà đầu tư mua tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn. Thị trường luôn… có lý, khi mỗi nhịp tăng giá của các bluechip thời gian qua đều có câu chuyện liên quan đến các hoạt động mua bán – sáp nhập, thoái vốn. Cụ thể, dòng tiền vẫn đang chảy vào những cổ phiếu mà Nhà nước chuẩn bị thoái vốn, dù nhóm này đã tăng giá đáng kể, gồm FPT, BMP, NTP, DMC và VCG. Tùy vào khẩu vị rủi ro, nhà đầu tư sẽ có những quyết định riêng để thu được lợi nhuận như kỳ vọng. Dù vậy, người tỉnh táo đều biết rằng sau những “cơn sóng”, thị trường sẽ bình tâm trở lại và khi ấy, vấn đề cơ bản cho sự tăng giá bền vững vẫn là hoạt động của doanh nghiệp có sinh lợi trong hiện tại và tương lai hay không.
Xét mặt bằng chung thì mức giá cổ phiếu hiện nay chưa phải là quá cao, vì vậy, hiện tượng tăng điểm luân phiên của cổ phiếu của các nhóm ngành sẽ tiếp tục diễn ra. Nếu bỏ qua những rung lắc nhẹ, có thể nói ngưỡng điều chỉnh mạnh chưa đến với VN-Index dù đã vượt qua ngưỡng 900 điểm.
- Thanh Long