Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được khởi công từ tháng 3-2010, có tổng chiều dài 55km. Trong giai đoạn 1, tuyến đường được thiết kế bốn làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ với điểm đầu tuyến là nút giao An Phú – quận 2 (TP.HCM) và điểm cuối là nút giao quốc lộ 1A tại Dầu Giây (Đồng Nai).
Việc triển khai xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2005, hiện nay đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 150km, theo kế hoạch đến năm 2015 xây dựng khoảng 600km đường cao tốc.
Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến tiến độ và suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc.
Theo Bộ Xây dựng, so sánh suất vốn đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam với một số nước trên thế giới thì có sự khác biệt lớn. Cụ thể, so với Trung Quốc, suất vốn đầu tư đường cao tốc sáu làn xe của Việt Nam cao hơn đến 1,74 lần. Còn so với các nước châu Âu (Đức, Bồ Đào Nha, Hungari, Áo) thì suất vốn đầu tư đường cao tốc sáu làn xe của Việt Nam cao hơn 1,63 lần.
Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư, đã phải dừng lại theo yêu cầu của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, sau gần ba năm khởi công xây dựng.
Được sự đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, dự án này được triển khai hồi tháng
10-2009 nhưng sau đó chỉ thi công ì ạch rồi im ắng cho đến nay.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng phương án huy động các nguồn vốn đầu tư, chủ động kêu gọi nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong dưới các hình thức hợp lý, để triển khai dự án theo quyết định đã phê duyệt của Chính phủ.
Đây là dự án gây tranh cãi một thời vì có khả năng làm ô nhiễm môi trường, lợi bất cập hại về lâu dài.
Tổng vốn đầu tư được phê duyệt ban đầu (năm 2007) chỉ 1.073 tỉ đồng nhưng sau đó chủ đầu tư liên tục điều chỉnh và được phê duyệt tăng lên qua các năm. Đến ngày khởi công (31-10-2009), tổng vốn đầu tư cho dự án được Vinalines công bố đã gấp sáu lần, lên tới gần 6.178 tỉ đồng.
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động được dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2011. Thế nhưng, theo báo cáo của đơn vị giám sát dự án, sau khi Vinalines đã tạm ứng 146 tỉ đồng cho Công ty SK Engineering & Construction (Hàn Quốc), trong liên danh với Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco, Việt Nam) thầu thi công xây dựng hai cầu cảng đầu tiên, nhập về 544 cọc thép không đảm bảo chất lượng cũng như quy chuẩn kỹ thuật và chỉ đóng được 114/1.729 cọc thì dừng luôn từ tháng 6-2010 cho đến nay.
Gia Minh tổng hợp