Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 17g30 ngày 8-9, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh đã làm 12 người chết (Ninh Bình 1 người, Thanh Hóa 4, Nghệ An 5, Hà Tĩnh 2), ba người mất tích, 13 người bị thương. Ngoài ra, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cũng có hai người chết do sạt lở đất và lũ cuốn trôi. Tỉnh Phú Thọ có 1 người chết do bị sét đánh.
Đặc biệt là xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và bảy bản thuộc xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An bị cô lập hoàn toàn. Các địa phương đã huy động gần 12.000 người tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.
Mưa lũ cũng làm hơn 3.000 nhà bị ngập và sập đổ hoàn toàn, chủ yếu là ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, hơn 20.000 hécta hoa màu và cây ăn quả bị ngập, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập…
Chỉ tính riêng thiệt hại ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do mưa lũ gây nên đã là trên 400 tỉ đồng. Hiện hàng ngàn người dân đang chịu cảnh mất nhà do bị sập, ngập, lũ cuốn trôi. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ thời điểm này đến hết mùa mưa bão, sẽ còn khoảng từ ba đến bốn đợt mưa lớn xảy ra tại miền Trung và khoảng chừng đó cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Còn tại Yên Bái, vào khoảng 9 giờ sáng 7-9, do mưa lớn kéo dài đã gây ra vụ sạt lở núi thuộc khu mỏ chì kẽm Tráng Pá Sang, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, vùi lấp khoảng 20 người dân địa phương đang trên đường vào mót quặng chì kẽm, có ba người bị thương nặng, còn lại đều bị vùi lấp và chết ngạt.
Huyện Mù Cang Chải đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân và người dân các xã đến tìm kiếm cứu nạn. Đến ngày 8-9 đã tìm thấy tổng cộng 15 xác người chết và hai người còn mất tích.
Theo Thông Tấn Xã VN, điều đáng nói là các nạn nhân của vụ sạt lở đất này đa số là họ hàng với nhau, như trường hợp một gia đình hai vợ chồng và một người con trai bị thiệt mạng, hay ba gia đình có hai anh em ruột gặp nạn. Đặc biệt, có một gia đình tới sáu người thân bị thiệt mạng từ vụ việc thương tâm này.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng những vị trí còn tồn tại và di dời các công trình công cộng nhằm thúc đẩy tiến độ ba dự án đường cao tốc trọng điểm Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được khởi công vào tháng 7-2009, có chiều dài 245km. Với vận tốc thiết kế 80 – 100km/giờ, tuyến đường khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình Hà Nội – Lào Cai từ trung bình tám giờ xuống còn ba giờ.
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được quy hoạch nằm ở phía Nam quốc lộ 5, bắt đầu từ đường vành đai 3 (Hà Nội) đến đập Đình Vũ (Hải Phòng). Tuyến đường này vận tốc thiết kế đạt 120km/giờ, tổng chiều dài là 105,5km, tổng chiều rộng nền đường là 35km với sáu làn xe.