Sáng 16-5, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị – một đề án mới, rất quan trọng và cũng rất khó, Việt Nam chưa có tiền lệ – đã họp cho ý kiến vào dự thảo đề cương và kế hoạch của đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào tháng 12-2012.
Sau 25 năm đổi mới, cùng với đà tăng trưởng kinh tế – xã hội, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng, tạo sự khác biệt về kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống giữa đô thị và nông thôn. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đang đặt ra yêu cầu làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định tổ chức bộ máy, chức năng, thẩm quyền phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền. Trong bối cảnh Hiến pháp 1992 đang được nghiên cứu sửa đổi, việc xây dựng và thực hiện Đề án là cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Hiến pháp về chính quyền địa phương và các quy định của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân sửa đổi. Mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa để quản lý hiệu lực và hiệu quả công việc của chính quyền, hướng tới mục tiêu tổng thể cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Từ nay, các địa phương phải căn cứ vào quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết khi thu hồi đất
Ảnh T.T
Những vụ việc thu hồi đất đai thời gian qua đã gây ra khiếu kiện kéo dài, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, trong những vụ việc ấy, cách xử lý của mỗi địa phương mỗi khác càng gây nên sự bất bình. Ngày 17-5, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 179-TB/VPCP, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, đối với 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cùng các cấp chính quyền phải tập trung chỉ đạo sâu sát, giải quyết từng vụ việc cụ thể; phải lập hồ sơ đầy đủ thông tin, trên cơ sở đó lập hội đồng tư vấn để thẩm định. Nếu giải quyết sai, phải nhận thiếu sót, giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật; nếu không sai thì kết luận, thông báo công khai để mọi người dân biết. Những trường hợp đời sống khó khăn thì có chính sách hỗ trợ cụ thể; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cập nhật, nối mạng để các cơ quan chức năng Trung ương có thông tin đầy đủ, trả lời nhất quán.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ, phải căn cứ quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, công khai cho người dân biết khi thu hồi đất. Đặc biệt, việc thu hồi đất để xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị thương mại phải chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch từ bước quy hoạch đến phê duyệt, quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư; phải được thẩm định, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, sát thực tế và phải tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đa số người dân.
Khi lên phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư phải mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân tham gia ý kiến, kiên trì vận động người dân chấp hành. Trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế thu hồi cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật; tuyệt đối không sử dụng vũ khí, không sử dụng lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng phải khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi hoặc kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi những bất cập trong Luật và Nghị định về đất đai để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân có đất bị thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước, hoàn thiện quy định về cưỡng chế thu hồi đất.
Ly Lam tổng hợp