Mặc dù chi phí để đông lạnh trứng lên đến 8.000 bảng Anh, tức là vào khoảng 244 triệu VNĐ, và tỉ lệ rã đông thụ tinh nhân tạo thành công tối đa chỉ mới là 18%, 46% phụ nữ độc thân của Anh vẫn lựa chọn bỏ tiền ra tiến hành phương án đề phòng này. Trong khi nhiều chị em thấy rằng đây là cách thức đảm bảo nhất, các chuyên gia lại tỏ ra nghi ngại liệu làm thế có phải là lãng phí tiền bạc quá không?
Đến 46% phụ nữ độc thân
Đông lạnh trứng (hoặc tinh trùng) là một biện pháp nhằm bảo quản khả năng sinh sản của phụ nữ (hoặc đàn ông). Để một ngày nào đó, khi thời điểm thích hợp đến, người ta sẽ yêu cầu rã đông, đem thụ tinh nhân tạo. Nếu thuận lợi thì cũng đúng 9 tháng 10 ngày sau, một em bé sẽ chào đời. Vấn đề là tỉ lệ thụ tinh nhân tạo giữa trứng và tinh trùng đông lạnh khá thấp, cao nhất cũng chỉ đạt 18%.
Ngày nay, trên khắp thế giới, phụ nữ đang mỗi lúc một tự lập, quyết đoán hơn trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống cá nhân. Nếu xưa kia phận gái bị ràng buộc bởi chuyện lấy chồng thì bây giờ, chị em tự quyết định sẽ kết hôn hay sống độc thân mãi mãi. Có điều là dù thích độc thân, phụ nữ vẫn khát khao được làm mẹ. Để có thể làm mẹ mà không vướng phải những vấn đề đạo đức, nhiều chị em đã hướng tới giải pháp thụ tinh nhân tạo giữa trứng của họ và tinh trùng hiến tặng.
- Xem thêm: Sự lựa chọn đông lạnh trứng của phụ nữ
Khảo sát thực tế y khoa năm 2016 của Cơ quan Thụ tinh và Thụ tinh Nhân tạo (Human Fertilisation & Embryology Authority – HFEA) tại Vương quốc Anh cho thấy có đến 46% phụ nữ đơn thân đông lạnh trứng. Riêng số liệu thống kê trong khoảng từ những năm 2012-2016 tại Phòng khám Phụ khoa London (The London Women’s Clinic) còn chỉ ra số lượng phụ nữ độc thân yêu cầu đóng băng trứng lên đến 77%, chiếm ¾ số lượng chị em đến phòng khám vì cùng một mục đích.
Càng ở đô thị lớn càng nhiều
“Yêu cầu đông lạnh trứng của phụ nữ cho thấy cái mà chúng ta hay gọi là tự do lựa chọn”, Nick Macklon, giám đốc y khoa của Phòng khám Phụ khoa London, cho biết. “Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu đóng băng trứng của cánh chị em độc thân tập trung cao nhất ở các thành phố lớn. Có vẻ như sự quyết định này liên quan chặt chẽ với lối sống cạnh tranh khốc liệt của môi trường đô thị”.
“Có một sự thay đổi rõ nét không chỉ ở thái độ và quan niệm không nhất thiết phải có chồng thì mới có con”, Macklon nói thêm. Rõ ràng là với công nghệ y học hiện đại, phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai mà không nhất thiết phải trực tiếp quan hệ với nam giới.
Ngày nay, vì lo ngại chuyện lấy chồng cản trở sự nghiệp cá nhân, nhiều phụ nữ đã lựa chọn sống độc thân. Tuy nhiên, họ vẫn muốn có con. Được làm mẹ với phụ nữ vốn là khát khao thiên bẩm. Kể từ khi bước vào tuổi 30, Caroline Watson, một nữ luật sư Anh độc thân, đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc đóng băng trứng của mình.
“Thời gian có bao giờ dừng lại đâu, còn tôi thì mong giữ được hy vọng”, cô nói. “Bởi tôi e rằng sẽ không thể sớm gặp người đàn ông mà mình muốn cùng anh ta có một đứa con”. Đến năm 39 tuổi, cô quyết định hiện thực hóa ý tưởng. Đầu tiên, Watson được tiêm thuốc kích thích buồng trứng sản xuất trứng. Sau khi lấy ra, tất cả được đưa vào kho lạnh để bảo quản. Ở thời điểm Watson đông lạnh trứng, cô phải trả mức chi phí 5000 bảng Anh (tương đương 152 triệu VNĐ).
Tuy nhiên, đây thực chất mới chỉ là chi phí cho việc giữ trứng. Để tiến hành thụ tinh nhân tạo, Watson lại phải trả một khoản tiền khác. Trong thực tế thì 5 năm sau ngày đông lạnh trứng, cô vẫn còn độc thân. Không thể chờ đợi thêm nên Watson quyết định thụ tinh nhân tạo. Cô tốn 25.000 bảng (tương đương 762 triệu VNĐ) để thanh toán tinh trùng và cấy phôi. Buồn cho Watson là ở lần thụ tinh nhân tạo này, cô đã thất bại. Toàn bộ số tiền đầu tư vì mong mỏi có một đứa con thế là đi tong!
Gian nan thành công
Hiện nay, chi phí trung bình của một chu kỳ đông lạnh và bảo quản trứng (10 năm) là từ 7000-8000 bảng (tương đương 213-244 triệu VNĐ). Theo số liệu thống kê của HFEA thì tỉ lệ thụ tinh nhân tạo thành công với trứng đông lạnh chỉ đạt 18% là cùng. Trong đó, tỷ lệ thành công với trứng của phụ nữ từ 32-36 tuổi giảm xuống còn 8,2%. Với phụ nữ từ 36-39 tuổi, tỷ lệ thành công lại càng thấp hơn nữa, chỉ 3,3%. Cũng theo HFEA, độ tuổi lý tưởng của phụ nữ để đông lạnh trứng là từ 28-31 tuổi. Thời gian bảo quản trứng cũng không thể kéo dài quá 10 năm (nhưng lại có thể không tới 10 năm nếu gặp trục trặc y tế).
Bất chấp chi phí cao ngất ngưởng và cơ hội thụ thai thành công cực thấp, nhiều phụ nữ độc thân vẫn nhất quyết bỏ tiền ra đông lạnh trứng của mình. Biết càng lớn tuổi thì khả năng có con càng thấp, Sarah Thompson, một phụ nữ hiện 44 tuổi, sống ở Devon, từng gom hết tiền tiết kiệm để bắt đầu quá trình. Thật ra, Thompson cũng muốn có con với một người đàn ông mình yêu thương, nhưng tiếc là cô đã không có duyên gặp được đối tượng như thế. “Với tôi, đây là một quyết định cực kỳ quan trọng”, Thompson chia sẻ. “Không phải là vì vấn đề tình cảm đâu, mà là vì tài chính kia. Tôi có công việc ổn định, nhưng lại không dư dật gì mấy. Vả lại với chuyện này, tôi cũng chẳng thể nhờ cậy cha mẹ hay ai đó cho vay”.
Sau khi tốn 7.000 bảng, 7 trứng của Thompson đã được đưa vào phòng bảo quản. “Cơ hội của tôi rất thấp”, cô kể. “Bác sĩ bảo rằng tôi chỉ có 1/10 khả năng mang thai với những trứng ấy”. Dẫu vậy, Thompson khẳng định không hề hối hận. Tương tự với Alice Mann, một phụ nữ Anh 41 tuổi, cũng có cùng suy nghĩ. Khác với Thompson, Mann không gặp rắc rối gì về vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên, sau cả thảy 3 lần đông lạnh trứng và thụ tinh nhân tạo trong vòng 5 năm, tốn đến 50.000 bảng (tương đương 1,52 tỷ vnđ), cô vẫn chưa mang thai.
Mừng cho Mann vì cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra. Vào năm 2018, cô vô tình gặp được “định mệnh” của đời mình. Hiện nay họ đang có một mối quan hệ thắm thiết. Biết đâu chẳng bao lâu nữa, Mann chẳng được tạo hóa dành tặng món quà tuyệt vời nhất theo cách tự nhiên nhất của con người.
Vẫn nên suy xét kỹ
“Không có gì để đảm bảo mang thai thành công từ trứng đông lạnh cả”, Jane Stewart, chủ tịch Hiệp hội Sinh sản Vương quốc Anh (British Fertility Society), cho hay. “Vả lại, thụ tinh tự nhiên vẫn đảm bảo khả năng mang thai cao nhất”. Trong thực tế, không có vấn đề gì với phụ nữ 30-40 muốn có con. Thế nên các chuyên gia đặc biệt khuyên các chị em đừng nóng vội mà hãy suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định vừa phiêu lưu vừa tốn kém này. “Mặc dù lưu trữ trứng đúng là lựa chọn phù hợp với phụ nữ độc thân, nhưng nó không đảm bảo, và có thể còn không thật sự cần thiết nữa”, Stewart phân tích. “Trên tất cả, nó đòi hỏi một khoản đầu tư cực lớn”.
Thêm vào đó, nhiều phòng khám còn không rõ ràng trong vấn đề niêm yết giá dịch vụ. Khi Gemma Ellis, một phụ nữ Anh sống ở London, tiết kiệm đủ 10.000 bảng (tương đương 305 triệu VNĐ) để đi đông lạnh trứng, cô đã tới một phòng khám và ra về với nỗi thất vọng ngập tràn. Nhân viên phòng khám không chỉ mập mờ về giá cả mà còn đòi cô phải trả 250 bảng (7,6 triệu VNĐ) cho mỗi lần tư vấn.
Tùy vào thể trạng và sự kỳ vọng của mỗi phụ nữ, một số phòng khám còn cố ý “làm tiền”. Aileen Feeney, giám đốc điều hành của Mạng lưới Sinh sản (Fertility Network) ở Anh, hy vọng chuyện minh bạch về chi phí đông lạnh trứng phải được thực hiện. Vì chỉ như thế, các chị em mới có thể cân nhắc kỹ càng và dứt khoát đưa ra lựa chọn thích hợp nhất cho bản thân.