Levi Strauss (1829-1902), một người gốc Bavaria (Đức), đã sử dụng vải bạt toa xe chở than may cho mình cái quần bền chắc để mặc khi lao động trong hầm mỏ; đó là chiếc quần jean đầu tiên của loài người, được xác định “năm sinh” là năm 1847. Mặc dù Levi đã mất từ lâu (1902) song tuổi thọ của jean vẫn dài mãi…
Ý tưởng của thiên tài
Ra đời cách đây hơn 150 năm tại bang California của Mỹ, chiếc quần jean ban đầu chỉ dành cho những người thợ mỏ làm việc nặng nhọc dưới hầm lò. Thế rồi được mọi người ưa chuộng, dần dần nó trở thành một hiện tượng thời trang đình đám qua 3 thế kỷ (thế kỷ 19, 20 và 21).
Vì sao gọi là “jean”? Cái tên jean xuất xứ từ chữ “Genes”, tên gọi các chiếc quần vừa dày, vừa nặng mà những thủy thủ xứ Genoa thường mặc khi đi biển. Tại Viện Bảo tàng Levi Strauss ở Butteinhem (Đức), nơi sinh của Levi Strauss, hiện đang trưng bày chiếc quần jean nguyên mẫu trải qua hàng trăm năm gin giữ cẩn thận.
Được sự cưu mang của cộng đồng người Do Thái ở Butteinhem, cậu bé Levi Strauss chào đời ở thành phố Bavaria ngày 26.2.1829. Sau khi cha mẹ qua đời 2 năm, Levi được các anh, chị đón đến New York lúc 24 tuổi. Giấc mơ Mỹ luôn dành phần thưởng cho ai chịu khó, cần cù, sáng tạo; anh thợ may Levi đã được nhận phần thưởng đó. Thật bất ngờ khi những người đàn ông phiêu lưu đi tìm vàng thích mặc quần jean. Vì Levi dùng loại vải thô, dệt bằng chất liệu cotton của vùng Nimes của Pháp nên về sau, loại vải dùng may jean đều được gọi là “Serge de Nimes”.
Còn sáng kiến tán rivet những hạt nút quần áo jean thì không phải của Levi; nó ra đời từ ý tưởng mới lạ của một khách hàng tên là Jacop Davis Reno, vốn là thợ may ở bang Nevada. Jacop muốn cộng tác với Levi để ăn chia lợi tức. Rất nhạy bén, Levi chớp thời cơ, đồng ý ngay. Họ đi đăng ký bảo hộ sáng kiến này vào ngày 20.5.1873 thuộc sở hữu của thương hiệu Levi Strauss & Company.
Chiếc quần jean màu xanh có đinh tán rivet đã được hoan nghênh, Levi Strauss cho tán rivet ở những đường viền quanh túi quần và miệng túi để cho các thợ mỏ bỏ đá quý khai thác được vào trong túi không bị rơi mất khi lao động. Từ đó về sau, các đinh tán rivet là chi tiết quan trọng không thể thiếu ở cái quần jean.
- Xem thêm: Hơi thở của hoa và jeans
Mới ngoài 20 tuổi, đi lên với mấy trăm đô la dằn túi, chàng thợ may Levi không chịu bỏ lỡ thời cơ nào. Sau khi nước Mỹ chấm dứt cuộc nội chiến (1861-1865), phong trào đi tìm vàng bùng phát, việc tìm mỏ dầu lửa cũng đạt đến cao trào, Levi liền nhảy vào ký hợp đồng cung cấp quần jean cho các “ông trùm” mỏ vàng, mỏ dầu lửa, rồi thành lập nhiều cửa hàng bán lẻ cho những chàng cao bồi Texas. Rất nhanh chóng thương hiệu Jean’s Levi nổi tiếng khắp nơi, tiền bạc thu vào như nước.
Tuyệt phẩm vượt thời gian
Trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ hai (1939-1945), chiếc quần jean của Levi chỉ đơn thuần dành cho những người lao động trong lĩnh vực quốc phòng may mặc. Phải mất hơn 5 năm hậu chiến, đến năm 1950, những người trẻ tuổi mới đưa chiếc quần jean chuyển từ lĩnh vực lao động sang lĩnh vực thời trang (mặc đi dự tiệc tùng, dạo phố).
Ảnh hưởng của thể loại phim cao bồi miền Viễn Tây (phim đen trắng) cũng thổi hồn cho chiếc quần jean. Đối với thế hệ trẻ sau năm 1950, “phong cách jean” rất hấp dẫn, cuốn hút qua điệu bộ ngang tàng, lãng mạn của những chàng cao bồi lãng tử, oai hùng trong phim Hollywood. Các diễn viên tiêu biểu nhất của thế hệ đó là James Dean, Marlon Brando, John Wayne, Henry Fonda, Gary Cooper, Charles Bronson, Clint Easwood.
Đối với lĩnh vực ca nhạc, Levi Strauss phải tri ân Ông Hoàng nhạc Rock‘n Roll Elvis Presley (1935-1977). Mỗi lần trình diễn, Elvis Presley thích diện cả bộ đồ jean trên sân khấu, mãi tới khi mắc bệnh béo phì, anh mới chịu thôi. Elvis Presley không rõ vô tình hay cố ý đã lôi cuốn hàng triệu tín đồ nhạc Rock’n Roll trên khắp thế giới mua và mặc đồ jean.
Trong thập niên 1960, những anh chàng, cô nàng Hippi ở Mỹ và châu Âu thích để tóc thật dài rối bù không chải, mặc đồ jean bụi bặm. Với họ, phong cách ăn mặc như thế tiêu biểu cho sự độc lập, lòng yêu hòa bình, phản đối Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam. Khẩu hiệu của họ là “Make love not war”. Vì sao jean trở thành một hiện tượng thời trang bùng nổ của thế kỷ 20? Câu trả lời, theo các nhà xã hội học, đối với thế hệ trẻ ngày đó là jean không chỉ là gu thời trang, mà qua đó họ bày tỏ thái độ phản kháng, chống lại sự áp bức, gò bó.
- Xem thêm: Denim và những đường cắt ngắn
Đến năm 1970, giới trẻ Âu Mỹ không còn thích phong cách jean bụi bặm nữa. Jean Levi buộc phải thay đổi, thích ứng với nhu cầu. Jean bấy giờ được ủi phẳng phiu, rồi hết ống loe chân voi (gọi là quần patte) chuyển sang ống quần bó sát. Dòng đời của jean cũng như dòng sông không phẳng lặng. Những năm 1980, các mẫu quần thời trang bằng vải lụa láng, bóng, mềm mịn, gia cố sự khêu gợi của đôi chân dài đã vượt qua doanh số của quần jean. Mãi đến năm 1990, chiếc quần jean mới giành lại vị trí dẫn đầu của nó trên thị trường may mặc.
Nếu tóm tắt, dòng đời của Jean Levi có thể chia làm 4 thời kỳ cụ thể. Thời kỳ “nguyên thủy” từ năm 1750-1915, thời kỳ “lao động” từ 1915-1940, thời kỳ “thời trang” từ 1940-1975, và thời kỳ “thời trang” cao cấp (super style) từ 1975-1994. Cụ thể như xu hướng thời trang thế giới năm 2018 thiên về Fashion “Denim”, Denim đã trở thành biểu tượng thời trang suốt nhiều thập niên qua.
Denim là loại vải thô, bền, được dệt đan chéo một cách chắc chắn bằng 100% vải cotton. Để tạo ra vải denim, người ta sử dụng hình thức dệt thoi kết hợp nhiều sợi trắng và các sợi chàm. Vải denim được pha thêm với sợi polyester hoặc lycra để chống co rút và chống nhăn cực kỳ hiệu quả. Vải Denim truyền thống sẽ có màu xanh lam nhờ việc sử dụng chất nhuộm màu chàm để tạo ra các sản phẩm quần áo thời trang đẹp. Hiện nay, chất liệu jean cải tiến không ngừng, với hàng loạt sáng tạo và thay đổi.
Tiêu biểu cho những chính trị gia hàng đầu thế giới ưa chuộng jean là các tổng thống Ronald Reagan, George Bush, Bill Clinton, Barack Obama của Mỹ, Tổng thống Putin của Nga, Thủ tướng Trudeau của Canada. Ở Hollywood thì vô số ngôi sao yêu thích jean, không thể kể hết. Gần đây nhất, người đẹp được bình chọn vào Top Ten của năm 2017 là Taylor Swift (nữ hoàng nhạc country), Miranda Kerr (siêu mẫu), Im Jin-ah (thành viên nhóm After School – Kpop) là “tín đồ trung thành” của jean.
Mặc dù “Bố già” Levi Strauss đã qua đời năm 1902, song jean vẫn có mặt khắp hang cùng ngõ hẽm trên thế giới; từ Wall Street cho đến khu Harlem nghèo nàn. Ở nước ta cũng vậy, từ các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Kiên Giang, Cà Mau… giờ không còn xa lạ với jean.