Hay cũng từ những thông tin mà cuộc họp đưa ra, người dân mới có dịp kiểm chứng xem doanh nghiệp nhà nước có đúng là công cụ chủ yếu để điều tiết kinh tế vĩ mô như sự khẳng định của Chính phủ hay không. Nói tóm lại, người dân muốn biết khu vực này đang sử dụng nguồn lực của Nhà nước, mà thực chất là tiền thuế của dân, ra sao, hiệu quả thế nào. Thế nhưng, nhu cầu chính đáng này xem ra vẫn còn lâu mới thực hiện được.
Tại cuộc họp hôm 16-1 vừa qua, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tổng doanh thu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty năm 2012 đạt trên 1,621 triệu tỉ đồng, tuy chỉ bằng 92% so với kế hoạch năm, nhưng tăng 2% so với mức thực hiện năm 2011.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp đại diện các doanh nghiệp trong Hội nghị chính phủ với các tập đoàn kinh tế
Chưa hết, năm 2012, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt 127.510 tỉ đồng, tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, giảm 12% so với năm 2011.
Đây là những con số nói lên thành tích của 19 tập đoàn và tổng công ty 91 trong năm 2012, tuy nhiên nó lại không đủ minh bạch, rõ ràng để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp này. Vì sao? Đơn cử một con số thôi, đó là chỉ tiêu nộp ngân sách 294.000 tỉ đồng. Thực ra mấy ai biết được trong chỉ tiêu này gồm có những gì.
Theo diễn giải của một vị lãnh đạo ngành thuế, các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp nhà nước gồm có thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… Trong số này, chỉ có thuế TNDN phản ánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, còn lại là những loại thuế gián thu (như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt), tức là người tiêu dùng phải trả, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ. Tuy nhiên, nếu gộp chung vào một chỉ tiêu là nộp ngân sách thì nó lại trở thành thành tích của doanh nghiệp.
Quả thực nếu đối chiếu với những số liệu của ngành thuế công bố hôm tổng kết năm 2012, diễn ra sau cuộc họp nói trên, người dân có thể thấy rõ hơn đằng sau con số nộp ngân sách này là gì.
Theo Tổng cục Thuế, nguồn tăng thu ngân sách năm 2012 (vượt 4% so với dự toán) chủ yếu đến từ thuế tài nguyên, như dầu khí tăng 53.100 tỉ đồng, thu từ sử dụng đất tăng 8.000 tỉ đồng. Trong khi đó thu từ sản xuất kinh doanh giảm 34.000 tỉ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu giảm 26.000 tỉ đồng. Riêng với khu vực DNNN năm 2012, ngành thuế chỉ thu được hơn 144.000 tỉ đồng, hụt hơn 11.000 tỉ đồng so với kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng: “Thu tài nguyên khoáng sản, đất đai là thu vào đời sau, vào tương lai chứ không phải tích lũy từ bản thân nền kinh tế. Nó thể hiện sự khó khăn, thách thức và có nhiều yếu tố thiếu bền vững về nguồn thu”.
Đúng vậy, nếu tách bạch hơn nữa các con số thì sẽ thấy tính bền vững của nguồn thu ngân sách, hay ở một góc nhìn khác là hiệu quả của các tập đoàn, không như những thành tích được báo cáo.
Chẳng hạn, trong số 294.000 tỉ đồng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty, Tập đoàn Dầu khí đã đóng góp đến 58% và một phần cũng nhờ giá dầu thô tăng. Vậy các tập đoàn, tổng công ty còn lại đã “ăn theo” khá lớn vào thành tích nộp ngân sách chung.
Bên cạnh những kết quả làm được nói trên, cũng xin điểm qua một vài con số chưa làm được của các tập đoàn, tổng công ty.
Cũng theo số liệu từ cuộc họp trên, số lỗ phát sinh của các tập đoàn năm 2012 là 2.253 tỉ đồng, trong đó một số đơn vị đã lỗ hai năm liên tiếp. Và tổng lỗ lũy kế của các đơn vị này là 17.730 tỉ đồng.
Điều đáng quan tâm ở đây là chuyện báo lỗ của các tập đoàn không phải lần đầu tiên, mà đã thành thông lệ, năm nào cũng có. Năm 2011, số lỗ phát sinh được công bố là hơn 3.100 tỉ đồng, còn lỗ lũy kế đến 31-12-2011 là 12.900 tỉ đồng. Bởi vậy, mới hết Vinashin, đến Vinalines và sắp tới sẽ là một Vina nào nữa đây. Người dân có quyền đặt câu hỏi Chính phủ đã làm gì để giải quyết những “Vina” này và ngăn chặn những “Vina khác” tiếp tục thua lỗ. Và ai là người phải chịu trách nhiệm chính cho việc kinh doanh thua lỗ nói trên? Chẳng thấy ai lên tiếng chỉ thấy các vị lãnh đạo tập đoàn vẫn cứ ung dung tự tại đến dự họp với Thủ tướng dù là doanh nghiệp mình làm ăn thua lỗ ra sao.
Khi đọc những con số báo lỗ của các tập đoàn năm 2012 người viết chợt liên tưởng đến trường hợp của Ngân hàng TMCP Á Châu năm vừa rồi. Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, ngân hàng này có khả năng bị mất hơn 700 tỉ đồng do hội đồng quản trị chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác. Kết quả là hàng loạt lãnh đạo cao nhất của ngân hàng đã bị khởi tố. Dù rằng kết quả kinh doanh cả năm 2012 của ACB vẫn có lãi (dự kiến khoảng 1.200 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra là 5.500 tỉ), nhưng lãnh đạo ACB đã phải trả giá cho những sai lầm trong việc điều hành của họ.
Vậy lãnh đạo các tập đoàn thì sao?Vẫn biết sự so sánh này là khập khiễng, song thiết nghĩ cả hai bên đều sử dụng những đồng tiền của người dân, một bên là tiền đóng thuế, một bên là tiền dành dụm. Nếu nhìn ở góc độ này thì thấy rằng những người được giao sử dụng đồng tiền của dân mà không mang lại hiệu quả, nhất là gây thất thoát, thì phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng có lẽ pháp luật trong trường hợp này tỏ ra nương tay với các lãnh đạo của DNNN. Nhận xét này không phải không có cơ sở bởi hiện nay không thiếu những quy định pháp luật để giám sát và thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN.
Đơn cử như Nghị định 09/2009 về quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước được ban hành cách nay đã bốn năm. Theo đó, có quy định rất rõ là chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị sẽ bị miễn nhiệm nếu để công ty thua lỗ hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư hai năm liên tiếp, hoặc ở trong tình trạng giữa hai năm lỗ có một năm lãi hoặc hòa vốn, trừ các trường hợp lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận nói trên được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận…
Bốn năm qua, chưa thấy một chủ tịch hay thành viên hội đồng quản trị nào của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bị miễn nhiệm vì đã để công ty thua lỗ hai năm liên tiếp. Có lẽ họ không bị miễn nhiệm vì chính Nghị định 09 này đã mở đường thoát cho họ, đó là lỗ nhưng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (!).
Quỳnh Như