Trong tình hình Biển Đông đang dậy sóng bởi các hành động xây lắp đảo của Trung Quốc, Đối thoại Shangri-La 2015 – diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực đã khai mạc tại Singapore hôm 29-6 với sự tham dự của khoảng 30 phái đoàn Bộ Quốc phòng các nước.
Đối thoại Shangri-La bao gồm nhiều phiên thảo luận đề cập đến những chủ đề chính như thách thức an ninh châu Á – Thái Bình Dương, những hình thức hợp tác an ninh mới ở châu Á, phòng ngừa xung đột leo thang, phòng tránh chạy đua vũ trang ở châu Á cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các khu vực.
Trong bài phát biểu khai mạc, với tư cách là khách mời đặc biệt, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã trình bày rõ quan điểm của Singapore về vấn đề Biển Đông. Theo ông, tất cả các nước châu Á đều thua thiệt nếu an ninh và ổn định khu vực bị đe dọa bởi các tuyến đường giao thông hàng hải và hàng không chính đều qua Biển Đông. Thủ tướng Singapore kêu gọi Trung Quốc và ASEAN cần sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Ông cũng cho rằng các bên liên quan cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp hiện nay.
Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã nhận nhiều chỉ trích và là tâm điểm quan ngại về an ninh trong khu vực khi rất nhiều đoàn đại biểu của các quốc gia tham dự diễn đàn bày tỏ lo lắng về các động thái của nước này trên Biển Đông. Hoa Kỳ là một trong số các đoàn đại biểu có những chỉ trích, phê phán và chất vấn mạnh mẽ và trực diện nhất đối với Trung Quốc.
Phát biểu hôm 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về quy mô bồi đắp đảo của Trung Quốc cũng như viễn cảnh quân sự hóa xa hơn trên các đảo. Ông cũng nói thêm rằng Washington phản đối việc quân sự hóa trong vùng tranh chấp vì điều này làm tăng các nguy cơ tính toán sai hoặc xung đột.
Ông Carter nhấn mạnh các tranh chấp về lãnh thổở Biển Đông không thể giải quyết bằng con đường quân sự và kêu gọi nối lại các giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền với sự dẫn đầu của ASEAN bởi tổ chức này đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực.
Phát biểu cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani cảnh báo rằng các dự án bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông đem lại rủi ro đưa khu vực vào tình hình hỗn loạn và kêu gọi ứng xử có trách nhiệm ở vùng biển này.
Ông Nakatani cảnh báo rằng nếu không chú ý đến tình hình, trật tự sẽ sớm chuyển thành hỗn loạn, hòa bình và an ninh sẽ sụp đổ.
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter, những người mong chờ màn khẩu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ đã thất vọng khi chỉ một đại diện từ đoàn Trung Quốc phản ứng lại với chỉ trích của ông Carter nhưng cũng không quá gay gắt.
Ngày thứ hai của diễn đàn, Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc phát biểu với chủ đề “Củng cố trật tự khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương” được cho là giải thích cho chính sách an ninh của Trung Quốc hiện tại. Sau khi ca ngợi nước ông đã hợp tác, xây dựng, đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới là lời biện minh cho các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc mà quốc tế đang đồng thanh chỉ trích.
Nhận xét về tình hình Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói khu vực này nói chung là hòa bình và tự do hàng hải không bịảnh hưởng gì.
Sau bài diễn văn của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, các đại biểu đặt rất nhiều câu hỏi cho đại diện Trung Quốc nhưng hầu hết đều không được trả lời.
Diễn đàn Đối thoại Shangri-La kết thúc vào ngày 31-5 với sự tham gia của hơn 450 đại biểu. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu.
Đ.N (DNSGCT)