Ngày 26-6 vừa qua, 193 thành viên Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về việc soạn thảo một thỏa ước quốc tế về bảo tồn tính đa dạng sinh học ở biển và quản lý phần lớn vùng biển khơi nằm ngoài phần được luật pháp công nhận của mỗi nước. Nghị quyết là kết quả của hơn chín năm thảo luận của Nhóm làm việc không chính thức khởi đầu từ năm 2006. Một khi được chấp nhận, đây sẽ là thỏa ước toàn cầu đầu tiên bao gồm những biện pháp bảo tồn biển và tài nguyên biển, đánh giá tác động của môi trường, phân chia nguồn lợi từ biển và chuyển giao các công nghệ từ biển.
Tổ chức Liên minh Biển khơi (HSA), một liên minh của 27 tổ chức phi chính phủ (NGOs), giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thảo luận về thỏa ước nói trên và đã tiến hành việc quảng bá cho văn kiện này từ năm 2011. Dự kiến đến tháng 9-2018, Đại hội đồng LHQ sẽ triệu tập một hội nghị liên chính phủ để đưa ra quyết định cuối cùng về nội dung thỏa ước. Hội nghị này sẽ phải họp nhiều lần trong gần hai năm để hoàn tất mục tiêu trên. Được giới truyền thông đặt câu hỏi liệu thỏa ước có làm thay đổi hiện trạng “vô luật pháp” ở biển khơi hay không, bà Elizabeth Wilson, giám đốc về chính sách trên vùng biển quốc tế thuộc tổ chức The Pew Charitable Trusts, một thành viên của HSA, cho rằng quyết định tối hậu của LHQ sẽ dẫn đến con đường có một khuôn khổ pháp lý cho phép quản lý một cách có hiệu quả các vùng biển bên ngoài thẩm quyền của các quốc gia. Một thỏa ước mới sẽ giúp tổ chức và phối hợp việc quản lý và bảo tồn biển khơi, trong đó có việc bảo tồn tài nguyên biển trước những hành vi làm phương hại đến đời sống biển cả. Với câu hỏi về sự khác biệt cơ bản giữa Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và thỏa ước về biển khơi sắp đưa ra thảo luận, Wilson cho rằng UNCLOS như một bản “hiến pháp”, tất cả những văn kiện có sau với cùng một chủ đề là những bước thực hiện bản hiến pháp này. Từ năm 1982 đến nay, đã có hai thỏa hiệp thi hành, một liên quan đến việc khai khoáng dưới đáy biển, một liên quan đến trữ lượng cá ở đại dương. Văn kiện sẽ thảo luận và thông qua trong thời gian sắp tới là thỏa hiệp thứ ba theo tinh thần của công ước UNCLOS, mọi người hy vọng rằng sẽ góp phần quan trọng trong việc cứu vãn đời sống biển khơi vốn dĩ đã bị bỏ ngỏ quá lâu.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph (DNSGCT)