Chuyện một người mẹ vì quá giận con chơi game online đã tưới xăng đốt con trai 13 tuổi ngay tại quán net quả là đau lòng. Rõ ràng, lỗi tại người mẹ đã “giận quá mất khôn”, gây tai họa cho con, một vết thương không bao giờ lành miệng. Có nhiều ý kiến xung quanh việc này. Người cho là bà mẹ cả ngày làm lụng vất vả chỉ để kiếm tiền cho con ăn học, nghe cô giáo nói con trốn học đi chơi, sự mệt mỏi trong người kèm theo cơn nóng giận lên đến cực điểm đã gây ra hành động dại dột. Người cho là không phải ai cũng có thời gian dạy dỗ và kiểm soát con… Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay game là một nguồn thu đem lại cho đất nước hàng ngàn tỉ đồng, game không có tội, chỉ có cha mẹ không quan tâm đến con cái mới đổ thừa cho game. Tuy nhiên, có ý kiến khẳng định, nghiện game như nghiện ma túy, nhà có con nghiện game mới biết khổ vì con thế nào. Và đừng tưởng chỉ có tuổi học trò mới nghiện game mà cả sinh viên, lứa tuổi đã nhận biết đúng sai, phải trái rồi vẫn nghiện!
Vợ chồng chị là công chức. Chị còn hai năm nữa mới nghỉ hưu. Dành dụm, tằn tiện anh chị mua được căn nhà nhỏ trong thành phố cho hai con ở đi học. Con gái đang làm đồ án tốt nghiệp, con trai học năm thứ hai Đại học Bách khoa. Anh chị hài lòng về con mình. Con gái học khá, con trai học giỏi, cả hai đều ngoan. Dịp tết hai con về thăm nhà, chị thấy con trai có vẻ sút ký nhưng vẫn khỏe, chị nghĩ có lẽ do con gái bận không nấu cơm, em ăn cơm hộp nên ốm. Sáu tháng sau, một ngày, tự dưng chị có linh cảm mơ hồ gì đó chẳng lành, liền mua vé máy bay vào thăm con. Đến nơi, chị sững sờ khi thấy con trai mình như một thằng nghiện. Tóc dài, bù xù, thân hình như que củi. Chị hoảng hồn không hiểu lý do tại sao. Hỏi, cháu trả lời vẫn đi học đầy đủ, không nợ môn thi nào… Tuy nhiên, lời lẽ có vẻ ấp úng, không thật. Tối đó, chờ các con ngủ say, chị mở máy vi tính của con trai và vào mạng của trường mà chị biết chắc con mình không “sign out”. Màn hình hiện ra, chị không tin vào mắt mình khi kết quả điểm học kỳ II của con mình. “Nợ” tổng cộng sáu tín chỉ của nguyên học kỳ! Chị chết lặng, đau khổ tột cùng, không hiểu sao con mình – một đứa học giỏi, trước tết còn tham gia trình diễn văn nghệ ở trường… lại ra nông nỗi vậy!
Nhẹ nhàng kêu con dậy, gặng hỏi chị mới biết con trai sa vào game online. Con gái ở chung nhà với em mà cũng ngỡ ngàng không biết điều này. Vẫn tưởng em đi học, đi thi bình thường. Chị thì đi từ sáng đến tối mịt mới về, không biết sinh hoạt của em ở nhà ra sao!
Chuyện đã lỡ, chị biết con đã đủ lớn, không thể nói nặng, nên cắn răng nói lời nhẹ nhàng với con, đánh vào tâm lý “thương mẹ” của con mình. Quyết tâm giúp con làm lại cuộc đời, chị xin nghỉ hưu trước thời hạn, lên trường của con hỏi tình hình học tập như vậy có bị đuổi học hay không. Trong thâm tâm chị vẫn đinh ninh là sẽ dắt con về nhà thi lại đại học. May mắn là trường chỉ ra quyết định cảnh cáo. Và, tuy con trai đã hứa với chị là sẽ từ bỏ game và học tập trở lại nhưng chị vẫn… không thể tin nổi! Chị biết, cái gì đã gọi là nghiện thì chữa trị không phải ngày một ngày hai và những lời hứa của người nghiện dễ theo gió bay.
Chị lập một kế hoạch theo sát con như hồi con học phổ thông. Sáng chị theo con đến trường, lấy xe đi loanh quanh đâu đó đến giờ con học ra thì quay lại đón. Nhìn bạn bè sinh viên đồng trang lứa với con, khỏe mạnh, sống tích cực, vui tươi với bạn bè… chị thèm lắm (từ khi con trai chị sa vào game online, cậu ta gần như không còn bạn bè, xa rời tập thể, sống trầm cảm, rối loạn cảm xúc…). Mưa dầm thấm lâu, từ từ từng chút một, cháu trả nợ dần các môn học. Giờ đây con sắp tốt nghiệp nhưng chị vẫn chưa an lòng. Chị biết tâm lý con mình mong manh, nên nhiệm vụ của chị vẫn còn nặng nề lắm. Chị biết, để đối phó với game online, gia đình luôn phải gần gũi, theo sát con, khuyên bảo… Gia đình nào có con nghiện game thì biết, cai nghiện cho con là một quá trình gian nan, có khi thất bại!
- Kim Duy