…Đau uống thuốc”. Tục ngữ nói vậy. Đói thì còn có thể chờ vài ba bữa không sao chớ đau mà không uống thuốc thì nguy! Thuốc là một nhu yếu của cuộc sống. Những ngày gần đây báo chí liên tục kêu trời về chuyện thuốc men. Giá cả trên trời nên phải kêu trời thôi, không có cách nào khác. Mà Trời thì từ xưa Khổng Tử đã nói rồi: Thiên hà ngôn tai! (Trời có nói gì đâu!).
Có một câu hỏi đặt ra là vì sao thị trường có đến 30.000 mặt hàng thuốc trong khi Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) chỉ khuyến cáo nên sử dụng chừng 20-30 thứ trong danh mục gọi là “Thuốc thiết yếu” thôi? Đúng vậy đó, chỉ cần vài ba chục món thuốc là đủ để chăm sóc sức khỏe cho cả cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Vậy thì tại sao phải xài sang đến 30.000 thứ với giá “cắt cổ”?
Hồi chưa học Y, tôi rất phục các bác sĩ, làm sao mà họ biết nhiều thuốc đến vậy, làm sao mà họ nhớ cho nổi chừng ấy tên thuốc! Học rồi mới biết không phải vậy. Thầy thuốc chỉ cần biết chừng vài trăm món thuốc là đủ, tên khoa học của hoạt chất (principe actif) của thuốc mà chẳng cần biết tên thương mại của nó làm chi. Vì tên thương mại thì có vô số. Thầy thuốc chỉ cần coi công thức, biết tác dụng cũng như phản tác dụng rồi tùy đó mà gia giảm, phối hợp sao cho có hiệu quả trên từng trường hợp bệnh lý, tùy từng cá nhân.
Thuốc có khi dùng cho người này thì tốt mà người kia thì không hạp, dù hai người mắc cùng một thứ bệnh. Vì vậy mà cần phải có “thầy” – nếu không, việc gì phải mất công học đến sáu bảy năm trời ở trường Y? Nói chung, các thầy thuốc biết nhiều về thuốc thì thường… ít dám dùng thuốc, hoặc dùng một cách rất dè dặt. Nhiều thứ bệnh có thể tự khỏi (như cảm cúm, tiêu chảy…), nhiều bệnh ngoài thuốc men cần phải điều chỉnh ăn uống, lối sống mới có thể phục hồi và duy trì chất lượng cuộc sống (như tim mạch, tiểu đường…).
Có những thứ bệnh “trời ơi” như ăn toàn fast food cho mập ú lên, cho mỡ tăng cao trong máu, cholesterol bít nghẹt các mạch máu lại… rồi tìm thuốc uống cho tan mỡ, cho hạ cholesterol… thì giá thuốc “trời ơi” cũng phải!
Các ngành kinh doanh nhắm vào “nhu yếu” của con người như ăn uống, tình dục, chữa bệnh… tuy không bắt tay nhau nhưng lại rất khắng khít với nhau. Kích thích cho người ta ăn cho nhiều, tạo mọi điều kiện cho người ta dư đường dư mỡ, giúp cho người ta dễ dàng mắc các bệnh… lây truyền qua đường tình dục rồi bán thuốc cho người ta chữa, chẳng phải là một vòng tròn khép kín “thú vị” sao? Rồi mở thật nhiều bệnh viện, trang bị đầy đủ tiện nghi… như khách sạn để người ta vào nằm… thường xuyên và… lâu dài, cũng chẳng “thú vị” sao?
Để tránh những chuyện “thú vị” đáng tiếc đó ta phải trang bị cho mình những kiến thức để phòng tránh một số bệnh tật, nhất là những bệnh tật do lối sống, do hành vi gây ra, ngày càng nhiều trong xã hội phát triển hiện nay!
Trở lại chuyện vì sao thuốc chỉ có vài trăm món gốc mà trở thành mấy chục ngàn tên thuốc trên thị trường, đó là do người ta đóng gói với bao bì khác nhau, đặt nhãn hiệu khác nhau và quảng cáo khác nhau… Dĩ nhiên giá cả trên trời dưới đất cũng khác nhau, miễn là “đáp ứng thị hiếu” của người tiêu dùng, bấy giờ được gọi một cách sung sướng là Thượng đế! Tại các nước, bệnh viện có một hệ thống cung cấp thuốc riêng với tên khoa học, đơn giản, hiệu quả mà giá rẻ chừng phân nửa giá thị trường.
Thuốc ở bệnh viện có màu sắc riêng để không được bán trên thị trường. Nhờ vậy người bệnh nghèo có cơ hội dùng thuốc rẻ mà hiệu quả cao, không lãng phí, không “xài sang” một cách vô ích. Trong “cơ chế thị trường” hiện nay thì môn Nghĩa vụ luận (déontologie) dạy về quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân, về cách viết toa, cách tiếp xúc tâm lý người bệnh rất cần được đưa vào giảng dạy lại ở các trường Y, Tây Y cũng như Đông Y!
Lời nói của bác sĩ cũng là thuốc. Một người đàn ông hỏi bác sĩ: “Bác sĩ cho thuốc gì mà hay quá vây? Vợ tôi đã khỏi hẳn bệnh chán ăn rồi!”. “Có gì đâu, tôi chỉ nói với bà nhà rằng chán ăn là dấu hiệu của tuổi già, thế thôi!”. Còn bạn, bạn đã bắt đầu chán ăn chưa?
Hẹn thư sau. Thân mến.