Lên Tây Bắc vào tháng đầu mùa Đông, chúng tôi chưa phải nếm trải cái giá rét của vùng núi rừng; tuy vậy, chút se lạnh cuối thu ở cao nguyên Mộc Châu hay chút ren rét buổi sớm ở đồn biên phòng A Pa Chải, dễ làm cho khách du lịch phương Nam xuýt xoa thú vị.
Dọc theo đường lên cao nguyên, hoa dã quỳ mọc rất nhiều trông giống phong cảnh Đà Lạt. Thỉnh thoảng, một vài nơi đã thấy lác đác có hoa đào, hoa ban nở sớm…
Bát ngát đồi chè Mộc Châu
Chúng tôi bắt đầu rời sân bay Nội Bài để lên cao nguyên Mộc Châu. Xe dừng lại nghỉ chân ở Ất Thảo, một xưởng bò sữa Ba Vì; trong đoàn có người nhắc đến Nông trường Ba Vì nổi tiếng một thời và tên tuổi anh Hồ Giáo, người 2 lần được vinh danh Anh hùng Lao động (1966, 1986). Có lẽ, ít người biết sau này, Anh hùng Lao động Hồ Giáo trở về quê hương Quảng Ngãi, sống cùng gia đình và mất năm 2015. Ai đã từng lên Mộc Châu những năm trước đây, giờ sẽ thấy biết bao nhiêu điều đổi thay, khi đất nước bước vào giai đoạn xây dựng mới, đầu thế kỷ 21. Nông trường Ba Vì ngày xưa tiêu biểu cho mô hình chăn nuôi bò sữa của miền Bắc, ngày nay được đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, thuộc Viện Nghiên cứu chăn nuôi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiếp tục nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ các lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, bò thịt và đồng cỏ.
Mộc Châu (hay Mường Sang theo tiếng Thái nghĩa là vùng đất sương mù quanh năm lạnh giá), có nhiều dân tộc sinh sống, được mô tả là vùng đất cao nguyên xanh, rộng khoảng 50.000ha, với “những đồng cỏ xanh mướt, đồi chè bạt ngàn, rừng mơ, rừng mận, hoa đào, hoa ban… thay nhau nở suốt bốn mùa, tạo nên phong cảnh hữu tình, nên thơ”. Mộc Châu ngày nay được phát triển nhiều mặt, trong đó du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng rất được nhiều người quan tâm.
Ngày đầu tiên, xe chúng tôi lên đồi chè (trà) Tân Lập gặp cơn mưa lất phất. May mắn, xe đến nơi, mưa tạnh. Trước mắt chúng tôi hiện ra cả dãy đồi chè xanh mênh mông bát ngát; dường như nó càng đẹp lung linh hơn sau cơn mưa bụi. Mọi người rủ nhau tham quan đồi chè. Tất nhiên là phải chụp ảnh lưu niệm. Có người thuê cả trang phục dân tộc, “hóa thân” thành những cô gái H’mông hái chè, diễn xuất rất duyên dáng, tưởng tượng như mình đang vào… vai chính của một bộ phim truyện thứ thiệt!
Nằm trong Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu và theo hướng phát triển du lịch sinh thái, Mộc Châu còn có ba đồi chè Trái Tim được giới thiệu khá nên thơ, đang thu hút khách tham quan. Mọi người đang hào hứng thưởng ngoạn cảnh đẹp và được hít thở không khí trong lành thì trời lại đổ mưa. Mặc dù muốn tiếp tục tham quan đồi chè Trái Tim gần bên nhưng chúng tôi đành phải gác lại câu chuyện thăm “Trái tim không ngủ yên” (tên ca khúc Lam Tường và Thu Phương song ca một dạo). Rất hợp lý, nhờ vậy, cả đoàn có dịp vào quán ngắm mưa và thưởng thức các loại chè ngon. Bác chủ quán chiêu đãi chè cho khách khá hào phóng (bởi vậy, lúc ra về, nhiều người không quên chọn mua cho mình một loại chè đặc sắc của Mộc Châu).
Đến địa phương nào, gần như đặc sản của vùng đất ấy sẽ xuất hiện với tần số cao, dễ dàng làm “bắt mắt” và “rung cảm bụng dạ” khách đường xa. Thế nên, xe ta đang bon bon trên đường, bỗng một giọng nữ reo lên “Ôi! Cam Cao Phong, kìa!”. Xe lại dừng. Cả đoàn đang lục tục xuống xe, chợt có một giọng nam dõng dạc la to: “Xin bà con chú ý nghe “mật lệnh”! Khi đến chỗ bán cam, ta sẽ hỏi mua mía và khi đến chỗ bán mía, ta sẽ hỏi mua cam! Hết!”. Ồ! hào phóng thật! Mọi người trên xe chẳng ai tiếc công, tiếc sức, góp cho “mật lệnh” một… tiếng cười rõ to!
Từ thông tin địa phương cho thấy những năm gần đây, huyện Cao Phong chủ trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển cây quả có múi, thông qua mô hình trình diễn, hỗ trợ cây giống, tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, quýt, cho nông dân. Cuối năm 2019, địa phương đã tổ chức lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 5. Đây là hoạt động kết hợp Hội chợ thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong, ngoài tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu cam và các thương hiệu nông sản khác. Một mặt, chính quyền địa phương tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp doanh nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị, tầm quan trọng và mở rộng thị trường tiêu thụ cam Cao Phong. Bây giờ, cam Cao Phong ngon, ngọt đã là thương hiệu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Gặp lại… Đường về quê mẹ
Trên xe, toàn bộ khách tham quan đều là hội viên Hội Điện ảnh TPHCM. Trong số này có NSND – diễn viên Minh Đức. Chị là vị khách cao tuổi nhất nhưng sự trẻ trung, dẻo dai, năng động chẳng kém những người trẻ tuổi. Minh Đức được biết đến qua nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình: Lời thề, Hạ sĩ quan, Em là bà nội của anh, Cô gái xấu xí, Gạo nếp, gạo tẻ, Nước mắt loài cỏ dại… Nhưng, trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ở miền Bắc, chị là gương mặt điện ảnh xinh đẹp, được khán giả màn ảnh lớn yêu mến qua phim Khói trắng, Người chiến sĩ trẻ, Tiền tuyến gọi, Đường về quê mẹ…
Xe đi ngang Tân Lạc, đột nhiên NSND Minh Đức reo lên, chị đã nhận ra vùng đất từng là “đại bản doanh” của đoàn phim Đường về quê mẹ, cách nay 50 năm. Minh Đức kể chuyện chị đã từng “lưu trú” rất lâu trong nhà của một người dân, khoảng năm 1970, để đóng phim. Ở đây, mùa đông rét cắt da, lạnh thấu xương! Cái lạnh ở nhà sàn cứ như từ dưới nhà len lỏi lên, rúc vào xương thịt người ta! Nơi Minh Đức ở có cửa sổ nhìn ra cánh đồng rộng. Chị nhớ có một đêm mùa đông, trăng sáng lạ lùng. Ánh sáng vàng như chảy nhễ nhại xuống cánh đồng! Minh Đức mở máy nghe nho nhỏ nhạc của Beethoven. Đêm khuya thanh vắng, tiếng nhạc càng nhỏ nhưng vẫn nghe thật rõ. Chị bảo giữa không gian đêm trăng đẹp như huyền thoại và âm nhạc cổ điển hòa quyện, tạo nên một sự rung cảm đến lạ kỳ!
Mấy năm sau này, cảm xúc nghe nhạc trong đêm vắng, bỗng xuất hiện lần thứ hai, khoảng năm 1972 hay 1973? Tuy có khác lần trước, lần này, Minh Đức và Tuệ Minh cùng vài chị bạn nữa, được xếp ở cùng căn phòng rộng, đang chờ đóng một bộ phim truyện nhựa. Một người bạn đi công tác ở Paris về đã tặng cho Minh Đức mấy băng cải lương miền Nam: Thuyền ra cửa biển, Chiêu Quân cống Hồ, Người đẹp Bạch hoa thôn. Phải bật cho nhau nghe, thôi! Trong đêm vắng, mọi người lặng yên, đê mê nghe Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Thành Được ca… Thật tuyệt vời! Các nghệ sĩ ca vọng cổ hay quá! Minh Đức bảo thật xúc động, không thể diễn tả hết tâm trạng người nghe lúc ấy! Có phải chăng đó là vì sự khao khát ngưỡng mộ tài năng nghệ thuật miền Nam và có cả tình cảm của nghệ sĩ nghĩ về nghệ sĩ, khi hai miền đất nước còn chia cắt?
Buổi chiều, xe chạy trên đường đèo có ánh nắng vàng đang chiếu bên sườn đồi. Phong cảnh đẹp, hùng vĩ quá phải không? NSND Minh Đức lại nhắc đến bức tranh Nhớ một chiều Tây Bắc của họa sĩ Phan Kế An. Chị từng nghe kể về họa sĩ Phan Kế An và câu chuyện liên quan đến sáng tác bức tranh của ông. Đó là vào năm 1950, Phan Kế An tham gia chiến dịch Đông Bắc, nhưng được phân đi cùng Trung đoàn 165 nhận nhiệm vụ, đánh nghi binh đồn Bắc Hà (Lào Cai). Bộ đội bị máy bay địch phát hiện nên căn cứ bị ném bom dữ dội. Rất may, họa sĩ đã kịp xuống hầm của một vị sĩ quan trú ẩn. Đến khi dứt tiếng bom, ông từ hầm chui lên. Nhìn bên kia sườn đồi, họa sĩ bắt gặp ánh nắng chiều đang chiếu vào một đoàn quân du kích đang đi thật đẹp, thật oai hùng. Bức ký họa đã ra đời trong khoảnh khắc nhưng mãi đến năm 1955, trở về Hà Nội, ông mới có điều kiện hoàn thành tác phẩm Nhớ một chiều Tây Bắc. Thật bất ngờ, tác phẩm ấy đã tạo được cảm xúc cho nhiều người về vùng đất Tây Bắc.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hôm nay đã bước vào ngày thứ hai của cuộc hành trình Tây Bắc. Chúng tôi ghé thăm Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, Sơn La. Theo lời cô thuyết minh Khu Di tích cho biết toàn bộ Khu Di tích được thiết kế dựa theo ý tưởng bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, như lời một người nhận xét: Qua nỗi nhớ thương đồng đội, nhà thơ Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài sừng sững mà bi tráng, rất đẹp và sinh động để ca ngợi người lính Tây Tiến oai hùng.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
(…)
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Phù Lưu Chanh, năm 1948
(Theo tập “Mây đầu ô”, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội – 1986)
Tây Tiến là đơn vị bộ đội được thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc và phối hợp cùng bộ đội Pathet Lào đánh Pháp ở Thượng Lào. Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), tên thật Bùi Đình Diệm, quê Hà Nội. Năm 1947, ông là đại đội trưởng Tây Tiến. Đến cuối năm 1948, ông được điều động sang đơn vị khác. Nhớ đồng đội, nhớ những ngày đánh giặc anh dũng của đội quân Tây Tiến, ông đã viết bài thơ đầy cảm xúc hào hùng, bi tráng này.
Cô thuyết minh Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến cho biết công trình được xây dựng từ năm 2006 và được trùng tu, tôn tạo năm 2015. Công trình có tổng diện tích 5.000m2 bao gồm 4 hạng mục chính: Nhà truyền thống, khu tưởng niệm chính (văn bia), khu vực nhà bia ghi danh, khu hoài niệm (đài quan sát). Đặc biệt, khu tưởng niệm chính được xây dựng với hình tượng bốn lưỡi lê chắc chắn chụm vào nhau, hướng lên bầu trời, tượng trưng cho hình ảnh những người lính Tây Tiến sau những giờ phút chiến đấu anh dũng, họ kề sát bên nhau cùng chụm mũi súng, nghỉ ngơi.
Công trình còn có những bức phù điêu lớn khắc họa chân thực về cuộc hành trình của Trung đoàn 52 Tây Tiến. Phía bên tay phải là Thạt Luổng và cây hoa Chămpa; Thạt Luổng là biểu tượng văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân Lào, Quốc hoa Chămpa của Lào, biểu tượng có ý nghĩa thể hiện tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào. Phía bên tay trái là những cây hoa bông lau, biểu trưng của miền núi rừng Tây Bắc (Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ). Ngoài khu tưởng niệm chính, còn có nhà bia ghi danh. Mái của nhà bia ghi danh được thiết kế bằng kính để đón ánh sáng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mặt sau bia ghi danh đã ghi lại những chiến công theo dòng lịch sử của những chiến sĩ Tây Tiến. Mặt trước trích bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ Tây Tiến từ những ngày đầu thành lập. Đoàn quân luôn là sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng, không chỉ trong những ngày kháng chiến mà cả mãi sau này. Cuối cùng, là khu hoài niệm, đài quan sát…
Ghé thăm Khu Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, Khu thủy điện Sơn La, chúng tôi đã hoàn thành một phần ba cung đường Tây Bắc. Phần cung đường còn lại sẽ là một số địa điểm du lịch khám phá trong những ngày tới, đoàn sẽ tiếp tục chinh phục cột mốc số 0 trên vùng cực Tây Tổ quốc, A Pa Chải (ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc) và đỉnh Fansipan, cao 3.143m.