Trong lĩnh vực Luật Di trú Úc, cái tên Tạ Quang Huy luôn gắn với những trường hợp phức tạp bậc nhất. Có thể nói vị cố vấn của Viện Di Trú Úc có ngoại hình như nghệ sĩ này đã góp phần thay đổi nhiều cuộc đời, nhiều số phận bằng kiến thức uyên thâm bằng nghề của mình.
Nhưng chưa hài lòng với điều đó, ở tuổi ngoài 40 anh vẫn còn đi học và trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Tạ Quang Huy đã chia sẻ nhiều ý nghĩa của việc liên tục học hỏi.
____
Là doanh nhân với những giải thưởng, những đóng góp tích cực cho ngành di trú Úc và khối lượng công việc quá nhiều cho việc qua lại giữa các thành phố lớn, nhưng anh vẫn tiếp tục đi học để nâng cao kiến thức. Anh sắp xếp thời gian như thế nào? Thời gian dành cho gia đình của anh ở đâu trong quỹ thời gian ít ỏi đó?
Thời gian là thứ mà bất cứ ai cũng không thể nào thay đổi được. Chúng ta nên tận dụng và làm sao một ngày 24 tiếng đó có thể làm việc một cách hiệu quả. Trên thế gian, chỉ có thời gian mới là tuyệt đối và chẳng có ai mỗi ngày có 25 tiếng cả.
Mỗi ngày tôi làm việc ít nhất là 16 tiếng và hầu hết là làm với công suất 100% sức của mình. Mỗi tuần tôi làm đủ bảy ngày. Cuối tuần thì vợ con nghỉ cho nên tôi tranh thủ lắm.
Có người thích lựa chọn cuộc sống an nhàn, nhưng có lẽ Tạ Quang Huy sinh ra là để làm việc, cho nên mọi người xung quanh tôi luôn thông cảm và luôn đứng đằng sau tôi ủng hộ. Có những lần, kể cả gia đình ruột thịt muốn liên hệ cho tôi cách nhanh nhất vẫn là thông qua trợ lý và hỏi “Anh Huy có bận không?”.
“Có thời gian cho gia đình không?”
Có chứ (cười). Mỗi sáng tôi và vợ có thói quen uống cà phê nơi quen thuộc gần nhà. Đây cũng là lúc vừa uống cà phê và vừa trả lời email và tin nhắn rồi đi làm.
Sáng thứ Bảy đi chơi với con gái và Chủ nhật đi đánh golf với con trai. Chiều tối thì tôi vẫn đi làm.
Bước lên xe khi tài xế chở đi làm thì cũng là lúc tôi ngồi trên máy tính. Quay đi quay lại thì tới trụ sở lúc nào không hay. Rồi một ngày cứ quay cuồng với điều khiển các chi nhánh cũng như tư vấn cho khách hàng khắp nơi thông qua hệ thống mạng xã hội.
Trung bình mỗi ngày tôi giải đáp cho 150 trường hợp. Mọi thắc mắc từ mọi nơi. Khách hàng đến với tôi là hầu hết họ đã tuyệt vọng.
Bởi điều này, mỗi tối về tranh thủ ăn với gia đình, tôi thường chia sẻ những vụ án đáng nhớ của ngày cho những đứa con của mình. Chúng nó thương cho khách và thấy chúng nó hứng thú với công việc cha nó làm… tôi thấy vui lắm chứ.
____
Việc đi học ở độ tuổi này có khó khăn gì với anh hay không?
Mới có 42 tuổi thôi mà (cười to). Đã già lắm đâu mà ngưng học làm chi? Trong cuộc sống, thời gian là vàng và chúng ta không nên lãng phí. Học được thì cứ học và tôi không thấy có khó khăn gì. Tạ Quang Huy chưa từng nghỉ học kể từ khi vào ngành tư vấn Luật Di trú cả.
Khi tốt nghiệp đại học lần đầu của hơn 20 năm trước, lúc đó tôi mừng lắm và nghĩ mình sẽ không cần phải tối ngày sách với cả vở và chỉ đi làm thôi.
Lúc đi làm, thấy mình cũng đầy đủ kiến thức nhưng nhìn lại thì chỉ thấy mình nghĩ vậy chứ có ai công nhận đâu. Khi hiểu được suy nghĩ này, tôi luôn muốn tìm tòi. Học từ người lớn, đứa trẻ hoặc thậm chí cứ suốt ngày đọc sách và trau dồi kiến thức.
Một trong những sai lầm của cuộc sống là nghĩ mình cái gì cũng biết, cho nên tôi cái gì cũng muốn biết và cho nên mới phải đi học.
____
Anh nghĩ rằng việc học ở Harvard/ Oxford sẽ mang lại gì cho anh?
Không chỉ có hai trường luật danh tiếng này đâu vì Tạ Quang Huy ham học lắm và biết đâu còn các trường khác ấy.
Năm 2018 cũng là năm tôi khá bận rộn với việc học tại Oxford cho nên đi lại bên Anh suốt. Năm 2019 cũng sẽ là một năm đầy hứa hẹn với việc học tại Mỹ. Chưa biết học xong có đóng góp được gì cho cộng đồng không nhưng trước mắt là tôi “sướng” vì biết sắp tới sẽ có cả một núi kiến thức được nhét vào đầu của mình.
Có người đã từng nói với tôi rằng, tôi học làm gì nữa vì tôi đã là master của khóa học đó rồi. Tôi có chia sẻ rằng, biết đâu còn có thứ mình chưa biết thì sao?
____
Theo kinh nghiệm từ bản thân anh, người học luật khi làm sếp có khó khăn hay thuận lợi gì?
Khi tốt nghiệp xong và bước vào công việc, tôi thấy chưa tới 10% kiến thức học được áp dụng trong công việc. Tôi thật sự hoang mang lắm chứ và lúc đó tôi mới hiểu rằng trường học chỉ cho mình cái chén thôi chứ món ăn là mình tự phải tìm. Thích ăn kiểu an nhàn thì tà tà và nếu thích ăn ngon thì sẽ có cái giá phải trả. Cái giá của tôi là không còn thời gian cho bản thân.
Tôi chưa từng bao giờ nghĩ rằng ai làm nghề tư vấn luật cũng là cao quý. Xã hội chúng ta tự cho những người làm luật là cái nghề gì ghê gớm ấy chứ tôi thì nghĩ rằng đó chỉ là công việc và cái cao quý nhất của con người chính là cái tư duy hướng thiện trong nghề. Cái giỏi và cái thiện đi chung với nhau thì mới tồn tại được và đó cũng là phương châm sống của một Tạ Quang Huy.
Học luật đâu phải chỉ để đi cãi đâu. Cãi để thắng thua không đem lại gì tốt cho xã hội cả. Kẻ thắng người thua có hay ho gì? Sao chúng ta không bớt lại cái “tôi” để được cái “chúng tôi”. Tôi học luật để giúp người chứ có phải để hại người đâu, cho nên chuyên ngành di trú tôi chọn là đúng theo cách sống của mình.
____
Anh có thể chia sẻ điều gì với giới trẻ về kinh nghiệm học hỏi khi ở trong những hoàn cảnh khác nhau mà anh từng trải qua? Điều gì giúp anh đứng lên khi có những biến cố, sóng gió xảy ra?
Năm 2001, ở tuổi 24 và mới ra trường được mấy năm thì có tính ngông cuồng lắm. Nghĩ mình cái gì cũng biết cho nên mọi thứ đang xảy ra ngoài xã hội kia cũng chỉ là hạt cát. Một sinh viên đại học với bảng điểm xuất sắc như tôi lúc đó tự tin vô cùng, nhưng đó cũng là bài học lớn nhất của sự nghiệp.
Chỉ một năm sau thôi, những thứ trong tay mất hết và tôi rơi vào thế khủng hoảng. Đã có những lúc bế tắc và muốn bỏ nghề đi làm gì cũng được. Những ngày tháng đó tôi đi làm phụ lót sàn nhà, lót gạch, cắt cỏ và thậm chí dọn nhà vệ sinh.
Có những hôm làm về mệt và mỏi quá ngủ gục lúc nào không hay. Có những hôm bưng bê nặng quá khiến xương khớp đau ê ẩm và khóc không dám lên tiếng sợ gia đình biết. Cái thái độ tự kiêu đã giết chết tôi.
Bao nhiêu năm gia đình cho ăn học, chẳng lẽ hèn đến mức phải bỏ cuộc? Suy nghĩ không lâu, tôi đã quyết tâm vực dậy và đi sâu vào nghiên cứu Luật Di trú Úc.
____
Nhìn anh có tác phong và ngoại hình trẻ trung không khác gì một sinh viên, bí quyết giữ gìn nguồn năng lượng trẻ trung tích cực là gì?
Tôi là con người sống luôn hướng tới những thứ vui vẻ trong cuộc sống. Những gì bỏ qua được thì bỏ qua. Cãi nhau trong bối cảnh gia đình hay với bạn bè thì tôi luôn sẵn sàng chịu thua.
Trong công việc thì hoàn toàn ngược lại. Là một người làm việc có tính cầu toàn cho nên tôi không bao giờ nhận 99% mà là phải làm đúng theo 100% ý tôi muốn. Cũng có lẽ bận rộn quá cho nên không có còn thời gian để già.
____
Ngoài những kiến thức học để phục vụ công việc, anh có học hỏi những điều gì khác?
Mỗi ngày tôi đều học đấy và mỗi khi thích một thứ gì thì tôi cũng sẽ phải học cho đến khi nào biết hết thì mới ngưng.
Học hỏi chỉ có ngưng khi chúng ta nằm xuống.