Tại nhiều nước trên thế giới, trừ khi có triệu chứng nặng phải nhập viện để điều trị, người nhiễm COVID-19 sẽ được hướng dẫn xử lý tại nhà như với bệnh cảm hay cúm.
Tự điều trị COVID-19 tại nhà là một thực tiễn diễn ra ở nhiều nước, với hướng dẫn đầy đủ, áp dụng cho những người có triệu chứng nhẹ. Nó bảo vệ được hệ thống y tế khỏi bị sụp đổ.
Góp phần giảm tải cho bệnh viện
Anh Trịnh Ngọc Thành, ở Thụy Sĩ, nhiễm COVID-19 vào giữa tháng 3-2020 khi dịch mới xuất hiện ở châu Âu và tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ gia đình.
“Ngày 16-3, tôi sốt nhẹ và hơi mệt khi thức dậy. Sau khi gọi công ty để báo động cho những người đã tiếp xúc với tôi, tôi gọi cho bác sĩ gia đình và đi khám. Do không thấy bất kỳ một triệu chứng nào của nhiễm COVID-19 (không ho, nhiệt độ bình thường, không đỏ cổ họng…), bác sĩ khuyên tôi làm việc ở nhà, không cần cách ly ở nhà và sinh hoạt bình thường” – anh kể.
Tối cùng ngày, Thành bị sốt hơn 39°C và tự uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Trong hai ngày đầu, anh sinh hoạt bình thường, sốt theo cơn mỗi khi thuốc hết tác dụng nhưng vẫn làm việc, chơi cùng con. “Nhưng tôi đã chủ quan, không cách ly riêng từ đầu nên đã lây cho cả nhà của tôi”, anh nhớ lại.
Khi có kết quả dương tính với virus, Thành ở trong một phòng riêng trong nhà, dùng một nhà vệ sinh riêng. Anh liên lạc với bác sĩ qua điện thoại để được hướng dẫn về việc uống thuốc giảm sốt. Thành sốt cao liên tục trong 10 ngày, có lúc sốt hơn 39°C, đổ mồ hôi ướt đẫm, có lúc ho nhiều, tức ngực và bị hụt hơi. Mặc dù có lúc anh đã phải tự đấu tranh có nên gọi cấp cứu để đi bệnh viện hay không, nhưng rồi anh động viên mình cố gắng tiếp tục điều trị tại nhà.
Trong thời gian này, anh dùng điện thoại để liên lạc, kể cả với vợ con. Hai con của anh, bé gái 6 tuổi, bé trai 2 tuổi sau đó cũng bị dương tính với virus do lây từ bố. Bé 6 tuổi tự cách ly trong phòng riêng nhưng bé 2 tuổi không tự chăm sóc được nên vợ anh chăm sóc. Cả nhà tự lo và không ai phải nằm viện.
Bác sĩ gia đình theo gia đình Thành trong suốt quá trình tự điều trị đến sau khi hết bệnh. Tuy nhiên, gia đình là chỗ dựa lớn với anh. Ngoài những bức thư, bức tranh các con viết nhét qua khe cửa, anh được bồi bổ bằng những món ăn hợp khẩu vị, dù ăn uống không còn thấy ngon miệng. Anh cũng vận động nhẹ nhàng những lúc cảm thấy khỏe, cuối cùng cả nhà đã chiến thắng COVID-19, chủng gốc.
Hướng dẫn của Bộ Y tế New Zealand nhận định: Đa số người nhiễm COVID-19 sẽ khỏe lại thông qua cách ly, điều trị triệu chứng tại nhà, tránh lây virus cho người khác. Trường hợp bệnh nặng mới cần chăm sóc tại bệnh viện.
Hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cập nhật ngày 17-3-2021 cho người nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ và vừa cũng là để họ ở nhà khi có triệu chứng không đáng ngại, trừ khi phải đến bệnh viện thăm khám.
Người nhiễm, nghi nhiễm nghỉ ngơi, tự chăm sóc bản thân bằng cách uống nhiều nước, điều trị triệu chứng bằng các loại thuốc phổ biến như Acetaminophen (tương tự Paracetamol) để hạ sốt và giảm đau.
Khi điều trị tại nhà, họ cần cách ly với những người chung nhà càng nhiều càng tốt, kể cả vật nuôi. Ở trong một phòng cố định, dùng phòng vệ sinh riêng, khi cần di chuyển trong nhà, phải đeo khẩu trang. Nếu phải dùng nhà vệ sinh chung, cần vệ sinh nhà vệ sinh để đảm bảo virus bị quét sạch bằng xà phòng, nước và chất khử trùng.
Quan trọng nhất khi điều trị tại nhà là theo dõi các triệu chứng và làm theo các hướng dẫn của bác sĩ. Khi có các triệu chứng như khó thở, đau dai dẳng, tức ngực, lơ mơ, không dậy nổi, môi, da nhợt nhạt, xanh, xám… họ cần thông báo cho bác sĩ. Trước khi đi bệnh viện, liên hệ trước để được hướng dẫn và sắp xếp.
Do chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị COVID-19 hiện nay là điều trị triệu chứng và cách xử lý giống như điều trị cúm. Nếu sốt thì dùng thuốc hạ sốt. Uống nhiều nước, ăn trái cây. Nếu ho, uống từng ngụm nước nhỏ để làm ẩm cổ họng, uống nước ấm, súc miệng với nước muối, hoặc uống thêm thuốc ho. Khi khó thở, thở gấp, cố gắng điều hòa bằng cách thở chậm, hít sâu. Có người khỏe trong vài ngày, một tuần hoặc có thể đến 10 – 15 ngày trong quá trình điều trị tại nhà.
Nhiều nước như Campuchia, Malaysia, Ấn Độ… đã cho người dương tính điều trị tại nhà trong bối cảnh số ca bệnh quá đông, gây quá tải bệnh viện, chứ không phải là chiến lược từ đầu.
Theo báo The Star (Malaysia), Bộ Y tế nước này cho phép người dương tính nhưng không có triệu chứng (nhóm 1) hoặc triệu chứng nhẹ (nhóm 2) điều trị và cách ly tại nhà và được nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ từ ngày 11-1-2021. Thời gian tự cách ly và điều trị tại nhà với các trường hợp 1 và 2 là 10 ngày. Vào ngày thứ 10, nhân viên y tế sẽ xét nghiệm tại nhà cho bệnh nhân, nếu kết quả âm tính, họ được xem là đã khỏi bệnh.
Không như các nước châu Âu, Malaysia xét thêm các tiêu chí về diện tích nhà và số người sống cùng nhà trước khi quyết định trường hợp nào được cách ly tại gia. Nhà quá nhỏ, quá đông sẽ cách ly tại bệnh viện. Chính quyền yêu cầu những người còn lại trong nhà phải hợp tác, tự cách ly với bệnh nhân theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tự điều trị COVID-19 tại nhà.
Thay đổi trong chiến lược đối phó này được các nhân viên y tế ủng hộ. Vì nó giúp bớt gánh nặng cho cơ sở vật chất và đội ngũ y tế. Orked, một nữ y tá 30 tuổi người Malaysia, cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này. Đã lâu rồi tôi chưa có một ngày nghỉ và đôi khi tôi thấy mệt mỏi và bị tổn thương vì tất cả mọi thứ. Vài lần, tôi đã phải hét lên với những người lạ, yêu cầu họ làm ơn đeo khẩu trang nghiêm túc. Một số phụ huynh đưa con ra ngoài mà không đeo khẩu trang và điều đó khiến tôi khó chịu, ấm ức vì tôi và các đồng nghiệp đã làm việc không ngừng nghỉ ngơi”.
Khi bệnh nhân nhẹ tự điều trị, hệ thống bệnh viện có thể được rảnh tay để ưu tiên chăm sóc các trường hợp bệnh nặng hơn, là những người bị viêm phổi, cần thở oxy hoặc cần hỗ trợ máy thở.
Tự điều trị tại nhà với các ca dương tính với virus tại các nước châu Á chặt chẽ hơn so với các nước phương Tây. Với Singapore, cơ quan y tế sẽ xác định các trường hợp có thể được cách ly tại nhà, tại cơ sở cách ly hoặc bệnh viện, dựa trên đánh giá về lịch sử tiếp xúc, tình trạng sức khỏe và sự phù hợp của ngôi nhà.
Tại Úc, những người dương tính với virus hoặc có triệu chứng được yêu cầu ở nhà cho đến khi có xét nghiệm âm tính hoặc khi hết hẳn các triệu chứng. Cơ quan y tế sẽ tư vấn cho người nhiễm COVID-19 về việc họ nên cách ly tại nhà hay bệnh viện. Nếu cách ly tại nhà, khi các triệu chứng xấu đi, họ cần bình tĩnh và nhanh chóng tìm sự giúp đỡ khẩn cấp.
Ấn Độ cũng phân loại người nhiễm COVID-19 thành các nhóm nhẹ, trung bình và nặng. Người có triệu chứng nhẹ được khuyên nên điều trị tại nhà, mỗi ngày đều ghi nhật ký các thông số về nhiệt độ, huyết áp, lượng đường trong máu (nếu có thể đo). Đo chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) 3 lần một ngày, nếu mức SpO2 dưới 94m cần thở sâu, đều trong ít nhất 30 phút.
Mặc dù hướng dẫn cho cách ly và điều trị tại nhà khác nhau đôi chút giữa các nước, nguyên tắc chung là ở phòng riêng, không tiếp xúc trực tiếp các thành viên khác trong nhà. Không dùng chung chén, đĩa, khăn tắm, drap giường… Lau các bề mặt tiếp xúc mỗi ngày hoặc nhiều lần trong ngày. Ho vào khăn giấy và vứt ngay vào thùng rác có nắp đậy.
Tổ chức Y tế thế giới hướng dẫn: Khi nghi nhiễm, hãy liên lạc đường dây nóng cơ quan y tế để hỏi thời gian, địa điểm thuận tiện làm xét nghiệm. Thời gian ở nhà trong 14 ngày. Luôn đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ở phòng riêng.
Trường hợp không có phòng riêng, nên nằm cách nhau ít nhất 1m, để phòng thông gió, thoáng khí. Tự theo dõi các triệu chứng và thông báo đến bác sĩ khi có các triệu chứng trở nặng. Giữ tinh thần lạc quan, duy trì liên lạc với bạn bè, người thân và tập thể dục nhẹ nhàng.
Điều quan trọng của việc tự điều trị tại nhà là bệnh nhân phải được đảm bảo rằng khi có dấu hiệu bệnh trở nặng, họ phải được hướng dẫn cách xử lý và nhanh chóng nhập viện. Liên lạc được với bác sĩ khi cần cho bệnh nhân sự an tâm và điều này là rất quan trọng.
Tại Indonesia, do bệnh viện bị quá tải, nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền vẫn không có giường ở bệnh viện. Nhiều người không có cách nào khác phải tự cách ly, chờ đợi giường bệnh tại nhà và một số trường hợp đã chết tại nhà hoặc trên xe cấp cứu.