Nhiều ngân hàng lớn bị tình nghi có liên quan tới các khoản tiền phi pháp trong vụ bê bối tham nhũng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đang bị Mỹ điều tra, trong đó có Credit Suisse, Deutsche Bank, HSBC, Barclays, Standard Chartered, Bank Hapoalim của Israel và Delta National Bank chi nhánh New York.
Các điều tra viên của Bộ Tư pháp và Vụ Dịch vụ Tài chính của New York hiện đang tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ để xác định các ngân hàng trên có tuân thủ đầy đủ các quy tắc và luật về chống rửa tiền đối với các khoản tiền bị cáo buộc hay không.
Ngày 23-7, Rob Sherman, người phát ngôn của HSBC tại New York, xác nhận thông tin về cuộc điều tra đồng thời cho biết HSBC cũng đang xem xét các cáo buộc để đảm bảo các dịch vụ của ngân hàng không bị lạm dụng để phục vụ cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, Visa, tập đoàn tài chính cung cấp thẻ tín dụng của Mỹ đồng thời là nhà tài trợ chính của FIFA, trong cùng ngày đã bày tỏ sự mất lòng tin đối với giới lãnh đạo FIFA và kêu gọi cải tổ thể chế này. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Visa Charlie Scharf nhận định phản ứng của FIFA đối với các cáo buộc tham nhũng gần đây là “hoàn toàn không đầy đủ và cho thấy sự thiếu nhận thức về mức độ cần thiết của một sự thay đổi”. Theo ông, cần có một ủy ban thuộc bên thứ ba độc lập xây dựng chương trình cải tổ cũng như tiến hành thay giới lãnh đạo hiện tại của FIFA.
Ngày 27-5, cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt giữ bảy quan chức FIFA theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc nhận hối lộ lên tới 150 triệu USD liên quan các hợp đồng quảng bá những giải đấu bóng đá ở Bắc và Nam Mỹ. Hiện các cơ quan chức năng Thụy Sĩ cũng đang tiến hành điều tra song song liên quan đến cáo buộc FIFA tham gia hoạt động rửa tiền xung quanh các hồ sơ xin đăng cai World Cup của Nga và Qatar dự kiến diễn ra 2018 và 2022.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà hoạt động phi chính phủ đã kêu gọi thắt chặt kiểm tra đối với các ngân hàng lớn, cho rằng các thể chế này đã cố tình làm ngơ trước các khoản chi trả trái phép.
T.H (DNSGCT)