VN-Index vừa trải qua tháng giảm điểm mạnh nhất trong bảy năm qua. Nhà đầu tư cá nhân ngắn hạn đang là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy vậy, đối với nhà đầu tư tổ chức, những đợt điều chỉnh mạnh như thế này luôn được xem là cơ hội hiếm có để họ chọn lựa, tích lũy cổ phiếu cơ bản tốt cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Tháng 4 “đỏ lửa”
Diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tháng 4 là hai trạng thái hoàn toàn đối lập. Nếu như những ngày đầu tháng 4, không khí hứng khởi bao trùm toàn thị trường khi VN-Index lần lượt vượt qua đỉnh lịch sử 1.170 điểm rồi tiếp tục vượt qua mốc tâm lý 1.200 điểm, thì nửa cuối tháng 4 thị trường lại chìm trong “biển lửa” với chuỗi ngày giảm sâu liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4, chỉ số VN-Index dừng tại 1.050,26 điểm, tương ứng mức giảm 10,58% so với đầu tháng, chấm dứt chuỗi bảy tháng tăng điểm liên tiếp trước đó. Một lượng vốn hóa tương đương 15 tỉ đôla Mỹ đã bị “cuốn phăng” khỏi thị trường trong đợt điều chỉnh mạnh hiện tại.
Thống kê cho biết: tháng 4 vừa qua đánh dấu tháng giảm điểm mạnh nhất của TTCK Việt Nam trong vòng bảy năm (sau tháng 5-2011 với mức giảm 12,23%). Không những vậy, mức điều chỉnh vừa qua cũng khiến VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 4. Trước đó, VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới trong quý I-2018 và nằm trong tốp 3 chỉ số tăng mạnh nhất năm 2017.
Việc TTCK Việt Nam giảm điểm mạnh có nguyên nhân do áp lực chốt lời gia tăng sau khi đã tăng khá “nóng” trong năm 2017 và quý I-2018. Có thời điểm, chỉ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận của một cổ phiếu) của VN-Index tăng lên mức gần 22 lần – mức P/E cao nhất trong số các thị trường tại Đông Nam Á trong thời điểm hiện tại. So với mức đáy thiết lập cách đây vài năm, nhiều cổ phiếu bluechip vốn hóa lớn đã có mức tăng khiến mức định giá không còn quá hấp dẫn.
Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp lớn đồng loạt tiến hành IPO/niêm yết cũng gây ra sức ép không nhỏ về nguồn cung. Về phía khách quan, sự biến động mạnh của TTCK thế giới, đặc biệt là TTCK Mỹ với những lo ngại về chiến tranh thương mại lan rộng, lãi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, căng thẳng chính trị tại Syria… cũng là nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước bất ổn và ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn đầu tư của khối ngoại, nhất là các dòng vốn mang tính ngắn hạn như các quỹ ETF, p-notes. Trong tháng 4, mặc dù khối ngoại đã mua ròng khoảng 1.600 tỉ đồng trên sàn HoSE nhưng nếu trừ đi giao dịch mua thỏa thuận 3.600 tỉ đồng tại Novaland thì khối ngoại đã bán ròng khoảng 2.000 tỉ đồng.
Việc khối ngoại bán mạnh trong tháng 4 vừa khiến thị trường thiếu đi lực đỡ, vừa tác động xấu tới tâm lý giới đầu tư trong nước.
Điểm tựa nào cho thị trường?
Sau một giai đoạn tăng trưởng nóng, việc thị trường phải trải qua một nhịp điều chỉnh là hết sức bình thường và “lành mạnh” vì nó sẽ giúp mặt bằng giá các cổ phiếu về mức định giá thấp hơn, từ đó hấp dẫn dòng tiền lớn trở lại. Tuy vậy, không thể phủ nhận “cây nến đỏ” dài trong tháng 4 cho thấy mức độ tổn thương của VN-Index hiện lớn hơn khá nhiều so với đợt giảm mạnh trước Tết Nguyên đán. Thông thường, sau khi thị trường lao dốc mạnh như vậy sẽ cần một thời gian tương đối dài (có thể phải tính bằng tháng) để chỉ số VN-Index tìm được điểm cân bằng thực sự. Mặc dù vậy, ở góc nhìn rộng hơn, nếu tạm thời bỏ qua được một bên tâm lý tiêu cực có phần quá đà trong ngắn hạn thì TTCK Việt Nam vẫn còn những điểm tựa để có thể dựa vào.
Ở góc độ cơ bản, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng nên sẽ vẫn là điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc. Những thông tin thế giới gần đây liên quan đến xu hướng bảo hộ thương mại của các nước lớn có thể mang đến những lo ngại nhất định đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam nhưng đây chỉ là xu hướng cục bộ và nhiều vấn đề vẫn còn để ngỏ, chưa chắc chắn xảy ra (như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung), do vậy nhà đầu tư chưa nên quá bi quan.
Trong mùa đại hội cổ đông đã và đang diễn ra, các doanh nghiệp bluechip, vốn hóa lớn trụ cột của thị trường như ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng, hàng không… đa phần vẫn đặt kế hoạch khá lạc quan, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế. Mức định giá của các doanh nghiệp này giai đoạn trước có thể cao nhưng sau đợt điều chỉnh hiện tại thì đã và đang về vùng giá tương đối hấp dẫn nên nhiều khả năng sẽ sớm thu hút được dòng tiền đầu tư trung và dài hạn trở lại.
Ở góc độ thị trường, câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi của MSCI vẫn là yếu tố tạo kỳ vọng cho thị trường trong dài hạn. Mặc dù còn rất nhiều yếu tố cần phải cải thiện nhưng trong kịch bản tích cực, TTCK Việt Nam có thể sẽ được MSCI nhắc đến trong việc đã đạt được một số cải thiện từ lần xem xét gần nhất (tháng 6-2017), đặc biệt trong các vấn đề như “quyền công bằng với nhà đầu tư nước ngoài”, “đăng ký đầu tư mở tài khoản” và “luồng thông tin”. Những thông tin này có thể sẽ giúp nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng.
Bên cạnh đó, lộ trình cổ phần hóa, niêm yết và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn đang được Chính phủ thúc đẩy. Một vài doanh nghiệp tư nhân lớn dự kiến niêm yết trong quý II năm nay cũng có thể là luồng gió mới đi kèm hiệu ứng tích cực cho VN-Index như FPT Retail, Vinhomes, Techcombank, Hải Phát Invest… Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn, nền tảng cơ bản vững chắc, thu hút được nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài và sẽ tạo được các hiệu ứng tích cực lên thị trường trong thời gian đầu mới lên sàn.
Việc khối ngoại bán mạnh trong tháng 4 vừa khiến thị trường thiếu đi lực đỡ, vừa tác động xấu tới tâm lý giới đầu tư trong nước.