Chưa hết khó
Báo cáo chiến lược tháng 4 của Công ty chứng khoán BVSC đã đưa ra một bức tranh đáng lo ngại về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, đang có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, tạm dừng triển khai các dự án mới nhằm đảm bảo cho sự tồn tại. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục giảm. Theo một thống kê với mẫu 500 doanh nghiệp sản xuất trên cả hai sàn, ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn) của các doanh nghiệp này tiếp tục giảm sút so với các quý trước. Ngoài ngành công nghệ, dịch vụ công cộng duy trì được kết quả kinh doanh thuận lợi, các ngành còn lại đều có mức sụt giảm mạnh. Trong đó giảm mạnh nhất là các doanh nghiệp nhóm ngành công nghiệp, chỉ số ROE của các doanh nghiệp nhóm này giảm từ mức 2,2% của quý I-2011 xuống còn -0,3% trong quý I-2012. Doanh thu sụt giảm mạnh, biểu hiện của khó khăn về cầu đầu ra, và đây tiếp tục là thách thức lớn với doanh nghiệp trong thời gian tới. Doanh thu của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu giảm 32% so với quý IV-2011 và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2011.
Bên cạnh bức tranh không sáng sủa về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trung tuần tháng 5, thị trường sẽ phải đối diện với một thông tin không tích cực là khả năng tăng giá điện lần đầu trong năm 2012 khi EVN đã đề xuất ba phương án cụ thể. Việc tăng giá điện sẽ có tác động không nhỏ bởi thực tế tăng giá điện là doanh nghiệp sản xuất thêm phần khó mà cuộc sống của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tiền tệ “cởi trói”, tài khóa hỗ trợ
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt chính sách tiền tệ mang tính bước ngoặt, trong đó tiêu biểu là việc cởi trói cho lĩnh vực bất động sản và áp trần cho vay đối với một số lĩnh vực. Những chính sách này sẽ dần đi vào cuộc sống và tạo nên những thay đổi quan trọng cho một số lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản. Điều này được phản ánh lên thị trường chứng khoán bằng nhịp tăng, dù chưa dài, của nhóm cổ phiếu bất động sản.
Cùng với các chính sách tiền tệ, các nhóm giải pháp thuộc chính sách tài khóa đã được vận dụng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đây là những giải pháp tài khóa cụ thể và có địa chỉ rõ ràng nhờ đó các đối tượng thụ hưởng sẽ nhanh chóng hưởng lợi từ các chính sách này như: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh với một số doanh nghiệp, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế… Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với một số khu vực, loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Giai đoạn “rung lắc”
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường nhiều khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh, tích lũy để chờ những chuyển biến tích cực từ phía doanh nghiệp niêm yết. Dòng tiền vào thị trường vẫn tốt dù diễn biến chính của thị trường và giá cổ phiếu là giảm. Thanh khoản trung bình cả tuần cũng cao hơn so với các tuần trước, riêng giao dịch khớp lệnh đạt con số khoảng 14 nghìn tỉ trong tuần từ 7-5 đến 11-5. Mặc dù áp lực bán gia tăng nhưng bên mua vẫn vững vàng ngay cả trong các phiên “rung lắc”, điều chỉnh. Điều này phản ánh niềm tin của giới đầu tư vào các động thái chính sách đang cho thấy những bước chuyển giao từ giai đoạn “siết” sang “nới dần” nhằm kích thích đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tuần 14-5, diễn biến giao dịch đầy bất ngờ khi cổ phiếu nằm sàn la liệt. Thị trường như bị “đánh úp” khi lượng cổ phiếu giá rẻ ào ào đổ vào thị trường bất chấp những thông tin vĩ mô đang ở chiều hướng ủng hộ. Nhiều mã chủ chốt giảm sàn như BVH, LCG, SSI, SJS… khiến cho VN-Index không chống đỡ được ở ngưỡng 470 điểm khi giảm xuống còn 469,69 điểm. Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh vẫn giữ ở mức cao 110,3 triệu với giá trị 1.995 tỉ đồng.
Song Hà