Sáng 18-4, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức khai thác dịch vụ 4G trên toàn quốc. Đây là nhà mạng đầu tiên trong số ba nhà mạng đã được cấp giấy phép 4G hồi tháng 10-2016 (Viettel, MobiFone và Vinaphone) thực hiện đúng cam kết. Trong khi đó, hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone vẫn còn “trong vòng bí mật”, dù chính hai nhà mạng này từng “tác oai tác quái” với dịch vụ 3G khoảng tám năm về trước.
Hăng hái chạy đầu
Ngày 15-3, Viettel công bố đã “trồng” 18.000 trạm 4G tại 704 quận huyện, trong đó có hơn 100 huyện biên giới thuộc 25 tỉnh như Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Đắk Nông, Tây Ninh, An Giang… Vậy mà chỉ tròn một tháng sau, Viettel đã trồng thêm 18.000 trạm nữa, nâng tổng số trạm 4G của họ lên con số 36.000. Theo ông Nguyễn Đình Trọng – Giám đốc Viettel TP. Hồ Chí Minh, tại thành phố này, Viettel đã “trồng” hơn 3.000 trạm 4G, phủ 24/24 quận huyện. Những xã ở vùng sâu, vùng xa như Thạnh An, Thiềng Liềng (Cần Giờ) đã có sóng 4G. Để có được số trạm trên, một chuyên gia Viettel cho biết: “Đội ngũ nhân viên của chúng tôi phải làm việc suốt ngày suốt đêm mới có được kết quả như vậy”. Không chỉ đạt về độ phủ, theo lời ông Trọng, Viettel đầu tư một mạng 4G siêu tốc độ với tỷ lệ 100% trạm thu phát 4G sử dụng công nghệ 4T4R (bốn phát – bốn thu) cho phép mở rộng vùng phủ sóng lên 1,4 lần và tăng tốc độ download lên gần gấp đôi so với công nghệ 2T2R.
Trong khi Viettel chọn mô hình phát triển dịch vụ 4G đến tận xã thì VinaPhone và MobiFone lại tập trung phát triển 4G ở các đô thị lớn, sau đó mới mở rộng các tỉnh theo tiến độ đã cam kết trong giấy phép. Với cách làm này, chưa hẳn VinaPhone và MobiFone đã thua về doanh thu 4G nhưng trên phương diện tiếp thị, họ đã yếu thế so với Viettel.
Ông Nguyễn Trọng Sơn – Phó ban Truyền thông MobiFone cho biết rằng MobiFone xây dựng mạng 4G theo hai giai đoạn. Trong nửa đầu năm 2017, MobiFone đặt mục tiêu sẽ lắp đặt khoảng 8.000 trạm 4G tại 37 tỉnh thành, các tỉnh còn lại sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm.
Cuối năm 2016, VinaPhone đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống mạng 4G tại Phú Quốc (Kiên Giang). Đây là địa phương cấp huyện đầu tiên của Việt Nam có mạng 4G. Theo một nguồn tin của VinaPhone, hết quý II năm nay, VinaPhone sẽ có mạng 4G tại 13 tỉnh thành lớn.
Dù là hai nhà mạng lớn nhưng trước cách làm của Viettel, nhiều chuyên gia của MobiFone và VinaPhone phải thừa nhận “Viettel làm quá dữ và quá giỏi”. Có vẻ như Viettel quyết tâm qua mặt hai nhà mạng đối thủ về 4G sau khi đã chịu thua ở năng lực dịch vụ 3G. Tuy nhiên, chính sự chậm chạp của VinaPhone và MobiFone cũng làm cho nhà mạng quân đội e ngại vì không hiểu hai đối thủ ấy sẽ “tung chiêu” gì cho 4G. Ở các đô thị lớn, Viettel lo ngại hơn vì khách hàng của họ toàn là khách hàng có chỉ số ARPU (chi tiêu hằng tháng cho thuê bao) cao.
Bao giờ 4G sẽ chạy?
Trên thực tế, ba nhà mạng được cấp phép 4G đã “chạy” dịch vụ này từ cuối năm ngoái, MobiFone và VinaPhone đều chỉ chạy thử nghiệm. Viettel vừa công bố dịch vụ 4G trên toàn quốc cách đây vài ngày, chính thức chạy đấy, nhưng chạy chưa mạnh và nhanh như đúng với “thể trạng” của họ. Viettel có quyền công bố dịch vụ 4G với người tiêu dùng nhưng để chính thức kinh doanh dịch vụ 4G, ngoài việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, còn phải có các gói cước được hai bộ Thông tin và Truyền thông lẫn Công thương phê duyệt.
Theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông phải duyệt các gói cước 4G theo đề xuất của các nhà mạng. Từ đầu tháng 3, Viettel đã gửi đến bộ này bảng giá cước 4G nhưng đến ngày khai trương dịch vụ thì vẫn chưa có kết quả phê duyệt. Ngay đêm trước ngày công bố dịch vụ, Bộ Công thương đã yêu cầu Viettel không công bố các gói cước vì phải chờ… điều gì đó!?!
Khi chưa được công bố các gói cước thì có nghĩa là dịch vụ 4G chưa thể hoạt động. Nhưng hiện nay, các nhà mạng, từ nhà mạng chính thức công bố cho đến nhà mạng còn “trùm mền”, đã tìm cách cho khách hàng thụ hưởng những ưu thế của dịch vụ 4G. Với Viettel, khách hàng chỉ cần bấm *098# là sẽ biết giá dịch vụ 4G (dù chỉ là các mức cước tạm thời) theo ba mức: 3GB – 90.000 đồng/tháng, 5GB – 125.000 đồng/tháng và 10GB – 200.000 đồng/tháng. Theo ông Trọng, xuất phát từ quan điểm triển khai mạng 4G “cho mọi người”, Viettel sẽ cung cấp các gói cước 4G đa dạng theo từng đối tượng khách hàng với mức giá dự kiến rẻ hơn 40 – 60% so với các gói cước 3G, đồng thời đúng với tiêu chí “dùng càng nhiều, giá càng rẻ”.
Tại Phú Quốc, VinaPhone áp dụng cước 4G trên nền cước 3G. Điều đó có nghĩa là khách hàng chuyển sang mạng 4G, sau đó đăng ký gói cước dành cho dịch vụ này nhưng thực chất là gói cước 3G hiện nay đang được áp dụng cho những khách hàng xài mạng 3G. Trước câu hỏi khi nào chính thức áp dụng cho dịch vụ 4G, đại diện nhà mạng này nói chung chung “trong năm nay”!
MobiFone cũng áp dụng hình thức tương tự. Theo lời ông Sơn, từ cuối năm ngoái, MobiFone đã cho khách hàng chuyển sang SIM 4G được chạy trên hạ tầng mạng 4G dù họ đang sử dụng các gói cước 3G. Cũng như VinaPhone, MobiFone chưa xác định thời điểm công bố mạng 4G.
Mạnh bò hơn yếu trâu
Theo thông tin chính thức của Viettel, tốc độ download trung bình của 4G Viettel dao động ở mức 30 – 50Mbps, nhanh hơn mạng 3G từ bảy đến mười lần. Với tốc độ trên, khách hàng thụ hưởng hình ảnh từ mạng internet rõ nét, tải dữ liệu nhanh hơn…
Nhưng trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Ngay từ khi thử nghiệm, dù lượng khách sử dụng còn ít nhưng sóng 4G của VinaPhone chỉ mạnh ở khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), còn nếu chệch về phía quận 3 hoặc quận 10 thì tốc độ 4G của nhà mạng này chẳng hơn gì 3G. Ngay cả 4G của Viettel, dù mới khai trương nhưng theo nhiều khách hàng, tốc độ 4G không được như những gì mà nhà mạng này công bố. “Có nhanh hơn 3G, nhưng đó có phải là 4G không? Tôi dùng một số phần mềm của bên thứ 3 để đo kiểm thì tốc độ chỉ xấp xỉ 10Mbps. Mới mà vậy, liệu đến khi thuê bao dùng nhiều hơn thì lúc đó chẳng biết tốc độ đến đâu” – ông Vũ Đạt ở quận Bình Thạnh cho hay.
Nhiều khách hàng cho rằng sự khác biệt giữa các thế hệ mạng là băng thông và tốc độ. “Phát triển công nghệ là hợp với xu hướng thời đại nhưng không có nghĩa là cứ chạy theo, bất chấp năng lực về tài chính, quản trị đến đâu. Theo tôi, đầu tư hệ thống 4G là điều nên làm nhưng quan trọng hơn là có cái gì chạy trên đó. Nếu đầu tư 4G mà nội dung vẫn lèo tèo như trên mạng 3G thì không nên đầu tư làm gì cho tốn tiền” – ông Tấn Sang, một chuyên gia về internet bình luận.
Tu chỉnh 3G cho tốt hơn hay đầu tư 4G là chuyện của các nhà mạng. Nhưng mong muốn của ông Sang và nhiều khách hàng khác là sự khác biệt giữa 4G và 3G không đơn thuần là nhanh hay chậm, mà là nội dung, hệ sinh thái ứng dụng phục vụ cá nhân, cộng đồng, xã hội… Với các nhà mạng Việt Nam, e rằng đây là bài toán nan giải, nếu không nói là quá khó.
- Minh Tú