Người đứng đầu chiến dịch chống COVID-19 của Tây Ban Nha trở thành bệnh nhân, trong lúc số ca bệnh ở nước này vượt Trung Quốc. Thủ tướng Israel bị cách ly vì phụ tá dương tính.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng vừa đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh New York, New Orleans và các thành phố lớn khác kêu gọi thêm các thiết bị y tế.
Ông Fauci nói trên kênh CNN rằng dịch COVID-19 có thể khiến từ 100.000 tới 200.000 người tử vong ở Mỹ và hàng triệu ca nhiễm.
Về con số mà ông Fauci nêu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nếu đoàn kết, và làm tốt, Mỹ có thể giữ số tử vong trong khoảng này thay vì con số 2,2 triệu ca có thể tử vong.
Trong cuộc họp báo về bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 29-3 (giờ Mỹ), ông Trump cho biết sẽ gia hạn hướng dẫn nhằm lại chậm lại sự lây lan của virus đến 30-4, thay vì mục tiêu ban đầu là sau lễ phục sinh, tầm 12-4. Ông cũng cho biết đỉnh dịch ở Mỹ có thể trong vòng 2 tuần nữa.
Trong ngày 29-3, Mỹ đã tiến hành 894.000 xét nghiệm virus corona.
Theo số liệu trường đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận 518 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở Mỹ là 2.409 trường hợp.
Số ca nhiễm mới trong một ngày ở Mỹ là 21.333. Tổng số ca nhiễm của Mỹ hiện nay là 136.880 và là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, sau đó là Ý, Trung Quốc và Tây Ban Nha.
Trung Quốc báo cáo thêm 31 trường hợp dương tính với virus corona trong ngày 29-3, trong đó chỉ có 1 trường hợp lây nhiễm trong nước.
Theo Uỷ ban y tế quốc gia Trung Quốc, số ca mới của ngày 29-3 giảm so với 45 ca ngày hôm trước.
Cũng theo Uỷ ban này, có 4 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 29-3 (toàn bộ là ở tỉnh Hồ Bắc). Tổng số tử vong do bệnh COVID-19 ở đại lục là 3.304.
Chính quyền Ý ngày 30-3 cho biết nước này có thêm 812 người chết, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 11.591. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng ca nhiễm mới tiếp tục giảm khi có thêm 4.050 ca mắc COVID-19, thấp hơn 5.217 ca ngày 29-3 và 5.974 ca ngày 28-3.
Ý hiện có 101.739 ca bệnh, trong số đó 14.260 ca đã hồi phục và 3.981 ca nguy kịch.
Trong khi đó, Anh cho biết nước này đã có hơn 22.000 người dương tính với COVID-19 và hơn 1.400 ca tử vong.
Thái tử Anh Charles đã hết cách ly và sức khoẻ hồi phục tốt. Theo người phát ngôn Thái tử Anh, sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, ông đã không còn tự cách ly tại nhà riêng ở Scotland và sẽ tiếp tục công việc trở lại.
Thái tử Charles đã cách ly 7 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19. Riêng vợ của ông, cũng dương tính với COVID-19, sẽ tiếp tục cách ly.
Theo thống kê của CNN, Mỹ đã có 140.570 ca mắc COVID-19 trên toàn quốc và ít nhất 2.443 ca tử vong tính đến tối ngày 30-3, giờ Việt Nam.
Thủ tướng Israel bị cách ly
Ông Benjamin Netanyahu và một số cố vấn quan trọng của ông đã tự cách ly sau khi một phụ tá của thủ tướng dương tính với COVID-19. Theo báo Guardian, đây chỉ là biện pháp phòng ngừa và các quan chức Israel cho biết rất ít khả năng nhà lãnh đạo 70 tuổi của nước này bị mắc bệnh.
Ông Netanyahu đã được xét nghiệm. Trước đó, ông được xét nghiệm ngày 15-3 và cho kết quả âm tính.
Israel hiện có 4.300 ca bệnh và 15 ca tử vong.
New York xây bệnh viện dã chiến ngay Công viên Trung tâm
Thành phố New York của Mỹ đang gấp rút xây dựng một bệnh viện dã chiến ngay tại Công viên Trung tâm nhằm đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Theo thị trưởng New York Bill de Blasio, bệnh viện sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 31-3 cùng với lực lượng bác sĩ, nhân viên và thiết bị y tế được tăng cường.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cũng thông báo bang này sẽ có thêm nhân viên và thiết bị y tế. Bang này đã nhận 2.500 máy thở từ chính quyền liên bang. Tính đến sáng 30-3, giờ địa phương, bang New York đã có hơn 1.000 ca tử vong do COVID-19.
Hà Lan ngày 30-3 thông báo có thêm 884 ca COVID-19 mới và 93 ca tử vong, nâng tổng số ca toàn quốc lên 11.750 ca bệnh và 864 ca tử vong.
Các nước Đông Nam Á tiếp tục siết chặt đi lại
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob khẳng định nước này sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn trong giai đoạn hai thực hiện lệnh hạn chế đi lại (MCO) từ ngày 1-4 đến 14-4.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Malaysia cũng cho biết cảnh sát và quân đội nước này sẽ tăng cường các chốt kiểm soát giao thông và hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo người dân thực hiện nghiêm chỉnh MCO.
Trong cuộc họp hằng ngày về COVID-19, ngày 30-3, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia đã quyết định áp dụng mức trần giá bán khẩu trang ở mức 1,5 ringgit/chiếc (tương đương 8.200 đồng/chiếc).
Tính đến chiều ngày 30-3, Malaysia đã ghi nhận 2.626 ca nhiễm bệnh, trong đó có 37 trường hợp đã tử vong.
Đảo quốc Singapore ghi nhận thêm 35 ca mới, trong đó 9 ca có nguồn gốc từ nước ngoài và 26 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Campuchia, Bộ Thương mại nước này ngày 30-3 kêu gọi các chủ cửa hàng và những người kinh doanh trực tuyến duy trì ổn định giá cả. Các hành vi tranh thủ cơ hội tăng giá để trục lợi sẽ xử phạt nghiêm.
Tây Ban Nha: người đứng đầu chiến dịch chống COVID-19 mắc bệnh
Ông Fernando Simon, người đứng đầu chiến dịch chống COVID-19 của Tây Ban Nha, đã dương tính với căn bệnh viêm đường hô hấp cấp này. Ông Simon là người thường xuyên tiếp xúc với Thủ tướng Pedro Sanchez thời gian qua.
Bà Maria Jose Sierra, người thay thế ông Simon, ngày 30-3 cho biết xu hướng dịch tại nước này tiếp tục đà giảm. Trong vòng 24 giờ qua, Tây Ban Nha đã có thêm 812 người chết, nâng tổng số tử vong lên 7.340. Số ca mắc COVID-19 cũng tăng 8% lên 85.195 người, chính thức vượt qua mốc 82.198 ca mà Trung Quốc công bố.
12.293 nhân viên ngành y tế của nước này nhiễm virus corona chủng mới, tương đương 14% tổng số ca nhiễm.
Tại Thụy Sĩ, số ca tử vong tăng từ 257 lên 295, trong khi số ca nhiễm tăng từ 14.336 lên 15.475 ca.
Áo ngày 30-3 tuyên bố cấm du khách ở khách sạn để ngăn lây nhiễm virus corona. Nước này cũng buộc người dân phải mang khẩu trang vào siêu thị, với mục tiêu thúc đẩy mọi người tự bảo vệ ở nơi công cộng.
Chính phủ Úc cam kết chi thêm 130 tỉ AUD (tương đương 79,85 tỉ USD), trong đó tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu người lao động.
Tại Iran, số ca mắc COVID-19 ngày 30-3 vượt 40.000 ca và số ca tử vong là 2.757. Trong 24 giờ, nước này có thêm 117 ca tử vong và 3.186 ca bệnh mới.
Pháp sắp có kết quả thử nghiệm thuốc trị COVID-19
Bộ trưởng Nghiên cứu Frédérique Vidal cho biết kết quả thử nghiệm các loại thuốc điều trị COVID-19 sẽ có trong tuần tới.
Kết quả thử nghiệm bốn loại gồm remdesivir (thuốc điều trị Ebola), lopinavir-ritonavir (thuốc điều trị HIV), hydroxychloroquine (thuốc điều trị sốt rét) và interferon-beta. Thử nghiệm đã bắt đầu từ tuần trước, với hơn 3.000 người tình nguyện tham gia thử thuốc.
Đức
Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler ngày 29-3 cho rằng rất có khả năng các bệnh viện ở Đức sẽ quá tải trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Chuyên gia này không loại trừ khả năng dịch bệnh COVID-19 sẽ đẩy hệ thống y tế Đức tới giới hạn và rất nhiều bệnh nhân nặng sẽ cần tới máy thở trong các bệnh viện, hoàn cảnh giống như đã diễn ra ở Ý.
Theo ông Koch, tỷ lệ tử vong thấp ở Đức là do đa số những người nhiễm không thuộc nhóm người có nguy cơ gặp nguy hiểm, song nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra với các nhà dưỡng lão hay bệnh viện, số ca tử vong sẽ tăng mạnh.
Tổng số ca nhiễm virus corona ở Đức là 62.095, số ca tử vong là 533 trường hợp.
Nga
Thủ đô Matxcơva đã thông báo thành phố sẽ phong toả bắt đầu từ ngày 30-3, buộc 12 triệu cư dân phải ở nhà để làm chậm lại tốc độ lây lan của virus. Các trường hợp ngoại lệ gồm đi khám bệnh, đi làm đối với những ngành nghề thiết yếu, đi chợ hoặc dắt thú cưng đi dạo nhưng không được quá 100m tính từ nhà mình.
Lệnh hạn chế cũng giới hạn số lượng xe cá nhân vào thành phố dù người dân vẫn có thể ra, vào thủ đô.
Biện pháp hạn chế này là biện pháp nghiêm khắc nhất từng áp dụng ở Matxcơva trong lịch sử. Theo báo Anh The Guardian, Nga cũng cân nhắc áp dụng các biện pháp mạnh như ở Ý và Vũ Hán.
Lệnh cấm tương tự có thể áp dụng với vùng Matxcơva mở rộng với dân số khoảng 7 triệu người. Nga đã xác nhận có 1.534 ca dương tính với virus corona và 8 trường hợp tử vong.
Nigeria
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã ra lệnh phong toả ở vùng Lagos và thủ phủ của nó là Abuja. Theo hãng thống tấn Pháp AFP, Nigeria hiện có 97 ca dương tính với virus corona và một trường hợp tử vong.
Ý
Ngày 29-3, Ý có thêm 756 ca tử vong mới do virus corona. Tổng số ca tử vong ở nước này là 10.779 trường hợp.
Tổng số ca nhiễm mới Italy trong 24 giờ qua tăng thêm 5.217 ca, lên 97.689 ca, đứng sau Mỹ – nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỉ euro (5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông Conte nêu rõ chính phủ sẽ dành 4,3 tỉ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5-3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3-4 tới.
Tổng số ca bệnh hồi phục là 13.030, theo trang https://www.worldometers.info/.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha đã công bố thêm 821 ca tử vong mới do dịch bệnh COVID-19 trong 24h qua. Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 29-3 cho biết tổng số ca tử vong tại nước này do dịch COVID-19 hiện đã lên tới 6.803 trường hợp, trong khi đó tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đã tăng lên 80.110.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Biện pháp trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 30-3 – 9-4 tới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Sanchez hối thúc EU hành động và kêu gọi khối này đưa ra “chiến lược thống nhất về xã hội và kinh tế”. Ông Sanchez cũng kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch COVID-19.