Số người hồi phục trên toàn cầu đã đạt gần 1 triệu, chiếm gần 1/3 trong tổng số hơn 3 triệu ca bệnh COVID-19. Trong khi đó, các nguồn tin cho biết chính quyền tổng thống Trump đang hối thúc tăng tốc phát triển vắcxin.
Việt Nam ngày thứ 14 không ghi nhận bệnh nhân trong cộng đồng
Hôm nay 30-4 là 14 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm bệnh nhân mới từ cộng đồng.
Tổng số bệnh nhân đang dừng ở 270 người, đã có 218 bệnh nhân bình phục, 52 người còn điều trị.
Trong 52 người bệnh đang điều trị, có 14 người có từ 1-2 xét nghiệm âm tính, 11 người là bệnh nhân tái dương tính (đã khỏi bệnh nay dương tính lại), được cách ly, điều trị như bệnh nhân mới.
Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang ở vị trí 126/212 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. Thứ hạng này liên tục thay đổi do số ca mắc trên thế giới vẫn tăng, thời điểm tháng 3 Việt Nam ở vị trí 77.
Trung Quốc hủy Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2020
Hãng tin chính thức China News của Trung Quốc hôm nay 30-4 thông báo Trung Quốc đã hủy Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2020 vì đại dịch COVID-19.
Diễn đàn thường niên Bác Ngao theo kế hoạch ban đầu diễn ra từ 24 đến 27-3 nhưng bị hoãn vì COVID-19 và nay thì truyền thông nhà nước Trung Quốc chính thức thông báo hủy luôn sự kiện này.
Hàn Quốc không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng
Theo hãng tin AFP, Hàn Quốc ngày 30-4 công bố không ghi nhận thêm ca COVID-19 mới nào lây trong cộng đồng, lần đầu tiên kể từ 29-2.
Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) cho biết nước này chỉ có 4 ca bệnh mới và đều là nhập khẩu, nâng tổng số ca bệnh của Hàn Quốc lên 10.765, trong đó số người chết là 247, tăng thêm 1 người so với ngày hôm trước.
Toàn cầu hơn 3,2 triệu ca nhiễm, gần 1 triệu ca hồi phục
Theo cập nhật của trang Worldometers lúc 7h sáng 30-4 (giờ Việt Nam), trên toàn cầu đã có tổng cộng 3.216.353 ca nhiễm và 227.894 ca tử vong do COVID-19. Trong khi đó, tổng số ca hồi phục đã lên tới 999.217.
Trong đó Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (1.059.992) và số ca tử vong (61.508), cũng là nước có số ca hồi phục nhiều nhất với 147.411 ca.
Kế đến là Tây Ban Nha với 132.929 ca hồi phục và Đức với 120.400 ca hồi phục.
Trung Quốc: 4 ca nhiễm mới toàn “nhập khẩu”
Tính đến cuối ngày 29-4, Trung Quốc ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, ít hơn con số 22 của ngày trước đó. Tất cả ca nhiễm mới đều “nhập” từ nước ngoài, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc. Trung Quốc không ghi nhận thêm ca tử vong mới do COVID-19.
Đến nay Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 82.862 ca nhiễm và 4.633 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó Yemen ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên do COVID-19.
Mỹ ghi nhận số người chết kỷ lục: 2.502 người trong 24 giờ
Theo số liệu mới nhất tính theo thời gian thực của ĐH Johns Hopkins công bố ngày 29-4, nước Mỹ đã ghi nhận số người chết kỷ lục trong 24 giờ với 2.502 ca tử vong.
Như vậy, sau hai ngày tương đối giảm số người chết vào chủ nhật (26-4) và thứ hai (27-4), số người chết vì bệnh COVID-19 lại tăng ở Mỹ. Theo ĐH Johns Hopkins, tới nay đã có ít nhất 60.853 người Mỹ chết vì COVID-19, còn theo số liệu của trang worldometers.info, con số này là 61.508.
Chính quyền ông Trump tăng tốc phát triển vắcxin
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hối thúc các cơ quan tăng tốc quá trình phát triển vắcxin với hi vọng nhanh chóng tìm ra cách thức hiệu quả để đối phó dịch COVID-19, theo tiết lộ của hai nguồn thạo tin ngày 29-4.
Có tên gọi “Operation Warp Speed”, dự án tiêu tốn hàng tỉ USD này sẽ có sự tham gia của các công ty dược tư nhân, các cơ quan chính phủ và quân đội Mỹ với nỗ lực cắt giảm thời gian phát triển vắcxin tới 8 tháng, theo Hãng tin Bloomberg.
Hãng tin Reuters cũng dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên cho biết chính quyền ông Trump đang tăng tốc phát triển vắcxin đối phó COVID-19 với mục tiêu sở hữu 100 triệu liều có thể dùng vào cuối năm 2020.
Thụy Điển dự định yêu cầu EU điều tra nguồn gốc COVID-19
Báo South China Morning Post cho biết Thụy Điển đang có kế hoạch yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) điều tra nguồn gốc của COVID-19.
“Khi tình hình COVID-19 trên toàn cầu được kiểm soát, việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập để biết về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona chủng mới là hợp lý và quan trọng” – Bộ trưởng Y tế Thụy Điển, bà Lena Hallengren ngày 29-4 cho biết.
Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra đối với việc xử lý đại dịch COVID-19 của toàn bộ cộng đồng quốc tế, gồm cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO). “Thụy Điển sẵn sàng nêu vấn đề này trong khuôn khổ hợp tác EU” – Bộ trưởng Lena Hallengren nói.
Bangkok mở lại nhà hàng, chợ, công viên…
Đài Channel News Asia đưa tin chính quyền thủ đô Bangkok của Thái Lan sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhất định ở thủ đô khi lệnh tạm đóng các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm kết thúc hôm nay 30-4.
Có 8 loại địa điểm sẽ được phép hoạt động trở lại ở Bangkok gồm nhà hàng, công viên, tiệm cắt tóc, các địa điểm thể thao, chợ… Tuy nhiên, các biện pháp đảm bảo an toàn vẫn được áp dụng chẳng hạn tại các nhà hàng, việc kiểm tra thân nhiệt ở lối vào vẫn được yêu cầu.
Đức dự báo suy thoái nghiêm trọng nhất từ sau Thế chiến 2
Ngày 29-4, chính phủ Đức cảnh báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu này sẽ lâm vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến 2 do đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết dự báo GDP nước này sẽ giảm kỷ lục 6,3% (thậm chí nhiều hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính cách đây một thập niên) trong năm 2020 khi nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu giảm và các biện pháp hạn chế ảnh hưởng tới tiêu dùng trong nước.
“Chúng ta sẽ trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử Cộng hòa liên bang Đức (thành lập năm 1949). Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế của chúng ta rơi vào suy thoái sau 10 năm đạt tăng trưởng” – ông Peter Altmaier nói.
Boeing thua lỗ 641 triệu USD, cắt giảm nhân công
Tập đoàn Boeing ngày 29-4 cho biết đã chịu khoản thiệt hại 641 triệu USD trong quý đầu tiên khi nhà sản xuất máy bay này chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19. Điều này trái ngược với cùng kỳ năm ngoái, khi Boeing kiếm được 2,15 tỉ USD.
Nhu cầu đi lại bằng máy bay trên toàn cầu đã giảm mạnh và nhiều hãng hàng không đã hủy hoặc trì hoãn các đơn hàng mua máy bay mới của Boeing. Trong khi đó, 737 MAX, dòng máy bay bán chạy hàng đầu của Boeing, đã bị cho “nằm đất” trong hơn 1 năm qua sau vụ tai nạn hàng không ở Indonesia và Ethiopia khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Boeing cũng cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 10% nhân công trong lực lượng lao động gồm khoảng 160.000 người do thu hẹp quy mô xuất xưởng dòng máy bay 787 Dreamliner.