Địa danh hải đảo ở nước ta từ Trung bộ trở vào Nam bộ chịu ảnh hưởng của ngữ hệ Nam Đảo (Malayo-Polynesian) để chỉ các thực thể nổi trên biển là các hòn đảo với các danh từ như hòn, cù lao, cồn (Việt).
Ở các ngôn ngữ trong khu vực Đông Nam Á, từ tương ứng đó là cu rao (Mạ); pi lao (Chăm); koh, kaoh (Khmer); ko, kas (Thái); pulau (Mã Lai), cu rao (Mã Lai Igorote); k’lô (Khả Lá Vàng).
Câu Lâu là biến âm của từ pulau trong tiếng Mã Lai, có nghĩa là “hòn đảo” (pulau > Câu Lau > Câu Lao > cù lao) như cầu Câu Lâu ở Hội An (Quảng Nam).
Có khả năng bến Cao Lao ở bờ nam sông Giang, thuộc châu Nam Bố Chính, nơi bắt đầu của đất Đàng Trong, nay thuộc xã Cao Lao (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng bắt nguồn từ pulau.
Các hòn đảo ở bờ biển Nam và Trung bộ cho đến Qui Nhơn, người Pháp đều gọi là poulo. Người châu Âu đến nước ta từ năm 1650 và họ đặt tên các hòn đảo đó trước khi xâm chiếm nước ta.
Ví dụ, Poulo Gambir là đảo Cau Mứt, Poulo Obi là đảo Khoai. Từ Phú Quốc lên tới Qui Nhơn xưa là địa bàn cư trú của người Phù Nam và người Chăm, mà họ cùng hệ ngôn ngữ Nam Đảo với nhau, bằng chứng thể hiện qua danh từ pu lô (đảo), mà người Trung Hoa đã phiên âm hòn đảo ở Quảng Nam là Chiêm Phù Lao, trong đó có yếu tố ph’lao. Và Bình Nguyên Lộc cũng cho rằng, pu lo là tiếng của Phù Nam, giống như tiếng của Indonesia (Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt, tr.621).
Cù lao Chàm
Paul Pelliot cho rằng Chiêm Bất Lao là tên chuyển âm từ tiếng Mã Lai Pulau Cham, Bất Lao hay cù lao đều do chuyển âm từ pulau (đảo).
Chiêm Bất Lao là do chuyển âm từ Campapura, tên gọi nước Chiêm Thành. Trên bản đồ của phương Tây khoảng giữa thế kỷ XVI đã ghi nhận địa danh Cù lao Chàm.
Bản đồ vùng Đông Nam Á của G. B. Ramusio (1548), vị trí của Cù lao Chàm được thể hiện là 3 hòn đảo nhỏ gần một mũi được ghi chung (mũi + đảo) với tên “Capo pulocanpola” (Mũi Cù lao Canpola).
Cách ghi địa danh biểu thị mũi ở gần đảo cũng thấy trên bản đồ Tertiae Partis Asiae của Gerard de Jode (1578), vị trí Cù lao Chàm được ghi là “C. de pulo campaa”. Trên bản đồ Regnũ Annam của A. de Rhode (1650), Cù lao Chàm được viết là “Polociampeilo”.
Và đến năm 1838, bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Taberd mới ghi là “Cù lao Chăm” (Phạm Hoàng Quân, Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale, 2016).
Quần đảo Cù Lao Chàm có nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử theo tiếng Champa, tiếng phương Tây là Poulociam, Pulaucham, Polochiam, Pello và trong tiếng Việt là Ngọc Long, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La, đảo Đại Chiêm (Nguyễn Phước Tương, Xứ Quảng vùng đất và con người, 2013).
Tài liệu của người A Rập trước thế kỷ X cũng nhiều lần nhắc đến Sanffulawl, Cham–pu–lao (Cù lao Chàm) của Vương quốc Sanf (Champa), nơi họ thường xuyên ghé vào buôn bán, mua nước ngọt. Tàu từ Hind (Ấn Độ) đến đây mất 10 ngày, mua trầm hương, trước khi sang Sin (Trung Quốc).
Vào đầu thế kỷ XVII, C. Borri đã ghi nhận về việc mua bán ở các cảng biển miền Trung, trong đó có nhắc đến Cù lao Chàm: “Về các cảng của họ thì có một điều đáng phục là trong khoảng 100 dặm người ta thấy có tới 60 chỗ có thể đổ bộ được… cảng tốt nhất mà mọi khách lạ đều tới là nơi người ta tổ chức một hội chợ nổi tiếng như chúng tôi đã nói thì thuộc tỉnh Cacciam (Quảng Nam). Người ta vào đó bằng hai cửa biển, một cửa biển tên là Puluciam (Đại Chiêm) và một cửa là Tourane (Đà Nẵng)”.
Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) có những tên xưa như: Sanfu–Fù law, Cham–pu–lao, Ciam pullo, Pulociam, Polochiam Pello, Pulaucham, Chiêm Bất Lao, núi Bất Lao, Tiêm Bích La, Tiêm Bút, hòn Cù Lao… (Nhiều tác giả, Kỷ yếu Cù lao Chàm vị thế – tiềm năng và triển vọng, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, 2007).
- Xem thêm: Truyền thuyết về ông Nam Hải
Sách Đại Nam nhất thống chí viết về Cù lao Chàm: “Đảo Đại Chiêm ở cách huyện Diên Phước sáu mươi tám dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển, gọi là đảo Ngọa Long, cũng còn gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm, dân phường Tân Hợp ở phía nam núi; ruộng đất trên núi có thể cày cấy; thuyền biển nước ta và nước ngoài thường trông núi này làm chừng, đi về đều đỗ ở đấy để lấy củi nước…”.
Đảo Cù Lao Chàm là do pulau biến âm thành cù lao. Cù Lao Chàm có nghĩa là “đảo của người Chàm” hay “đảo có người Chàm ở”. Đây là dạng địa danh hỗn hợp Chăm + thuần Việt.
Đảo Lý Sơn
Thư tịch Trung Hoa thời Minh, Thanh gọi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là Ngoại La hoặc Ngoại La Sơn. Từ thời Dân quốc, các học giả Trung Quốc gọi nơi này là quần đảo Quảng Đông, do họ phiên âm từ “Pulo Catao / Pulo Canto / Pulo Canton”, là cách ghi trên bản đồ của phương Tây ở thế kỷ XVI.
Tác giả của Cổ đại Nam Hải địa danh hối thích cho rằng Bá Lưu là phiên âm từ Pulau (phương ngôn Phúc Kiến, Quảng Đông, chữ Lưu không phát âm “Liu” mà phát âm như “Lao”, Bá Lưu Sơn tức Cù lao Sơn, Ngoại La Sơn (Phạm Hoàng Quân, Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale, 2016).
Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1778) và Quảng Thuận đạo sử tập, địa danh này được viết là Cù lao Ré [Hán đọc Lý, Nôm đọc Ré]. Thông quốc diên cách hải chử, phần “Quảng Ngãi toàn đồ” ghi là Lý đảo – Lý Sơn tấn (đảo Lý – đồn Lý Sơn).
Sách Đại Nam nhất thống chí, ở mục Sơn xuyên chép: “Đảo Lý Sơn ở ngoài biển phía đông huyện Bình Sơn, tục gọi Cù lao Ré”. Còn Việt sử cương giám khảo lược thì viết: “Lý Sơn đảo tục hô Ngoại Lao, Đường nhân viết Ngoại La” (đảo Lý Sơn tên tục là Ngoại Lao, người Trung Hoa gọi là Ngoại La).
Bản đồ của người Bồ Đào Nha là Bartholomen Velho (1560), địa danh này được ghi là “Pulo Catão”; bản đồ Indies của Petrus Plancius (1594) ghi “Pulo contan”; bản đồ A. de Rodes ghi là “Pulocatão” hoặc “Pulocatãn”; bản đồ V.O.C (1697) ghi “P. Canraon” hoặc “P. Cantaon”; An Nam đại quốc họa đồ (1838) ghi là “Cù lao Ré seu Pulo Canton” (Phạm Hoàng Quân, Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale, 2016).
Người Chăm gọi hòn đảo này là “Raik”, viết là “Rék”, chỉ một loại dây rừng dùng làm dây thừng cột buồm, nên Lý Sơn còn được biết đến với tên Cù lao Ré hay hòn Lao như trong bài vè Các lái của dân ghe bầu.
Đảo Phú Quý
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép về quần đảo này như sau: “Ngoài biển phủ Bình–thuận thì có núi gọi là Côn-lôn, rộng mấy dặm, cũng nhiều yến sào. Ở ngoài nữa có núi gọi là cù lao Khoai, trước có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hải–môn để lấy. Cửa biển phủ Gia Định có núi gọi là Côn-lôn. Phía ngoài biển trấn Hà Tiên có núi gọi là Đại Côn-lôn có dân cư”.
Ông cũng viết: “Chữ Côn-lôn của Trung–quốc là phiên âm chữ pu-lô của tiếng Mã–lai, tiếng Việt Nam phiên âm là cù-lao. Như vậy thì chữ Côn-lôn vốn là tên chung, sau mới dùng để chỉ riêng quần đảo Côn-lôn ở Nam bộ”.
Theo bản dịch Phủ biên tạp lục của Nguyễn Khắc Thuần thì: “Ngoài biển của dinh phủ Bình Thuận có hòn núi tên là Côn Luân (cù lao Phú Quý), rộng đến mấy dặm, cũng có nhiều yến sào. Ở phía ngoài (Côn Luân) cũng có núi tên là cù lao Phương. Xưa có nhiều hóa vật (của thuyền buôn bị đắm) ở cửa biển nên lập đội Hải Môn để đi nhặt. Chú thích số 9 của sách này ghi: Côn Luân tức là Côn Lôn (tr.142).
Phú Quý còn có nhiều tên gọi khác nhau: đảo Thuận Tĩnh, hòn Thu (Poulo Cécir de Mer), Cổ Lon, cù lao Khoai Xứ, đảo Chín Làng, đảo “Gió hú”.
Côn Đảo
Côn Đảo xưa có tên là Pulao Kunder do người Mã Lai đặt. Pulao có nghĩa là đảo, Kunder là bầu bí (courge). Pulao Kunder là hòn bầu, hòn bí (Ile des courge), có lẽ do ở đây trước kia người ta trồng nhiều bầu bí.
Vào năm 1285, bọn giặc Tàu Ô đến chiếm quần đảo Côn Lôn để làm sào huyệt, nhận thấy đảo nào ở đây cũng có núi, nên gọi là K’ouen louen, phiên âm là Côn Lôn.
Người Việt phiên âm là “cù lao”, là vùng đất nổi lên trên sông hay biển, do phù sa bồi đắp. Côn Lôn là từ Hán Việt, danh từ chung để chỉ núi hoặc đảo. Ở Trung Quốc cũng có núi Côn Lôn.
Bản dịch Chân Lạp phong thổ ký của Hà Văn Tấn (2006), chú thích ở trang 22 sách này ghi: “Côn Lôn: theo nghĩa rộng chỉ cả vùng Mã Lai, nghĩa hẹp chỉ đảo Côn Lôn (tức Côn Đảo, nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)”.
Tự vị An Nam Latinh (1772-1773) của Pierre Pegneaux de Béhaine ghi: “Hòn Côn Nôn: đảo Pulo Condor”. Còn trong Dictionarium Anamitico–Latinum (1838) Taberd chép: “hòn Côn nôn, insula Pulocondor”.
- Xem thêm: Nữ thần lúa ở Đông Nam Á
Ngoài cửa biển phủ Gia Định có hòn núi tên là Côn Luân. Ngoài cửa biển trấn Hà Tiên cũng có hòn núi tên là Đại Côn Luân, có dân ở đó (Lê Quý Đôn tuyển tập, Phủ biên tạp lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, 2007).
Ở bản dịch Phủ biên tạp lục của Lê Xuân Giáo, cù lao Phú Quý không được gọi là Côn Lôn hay Côn Luân như 2 bản dịch trên (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Lê Xuân Giáo dịch, 1972).
Trong đoạn sử này, cù lao Phú Quý (huyện Phú Quý, Bình Thuận nay), Côn Lôn (huyện Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu nay), đảo Phú Quốc (huyện Phú Quốc, Kiên Giang nay) đều được dịch bằng cái tên Côn Luân. Đến các sách Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, quần đảo này vẫn được gọi là Côn Lôn.
Nằm trong ngữ hệ Nam Đảo, các địa danh hải đảo của Việt Nam từ miền Trung trở vào chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa ngôn ngữ của các nước trong khu vực như Champa, Khmer, Thái, Mã Lai, Indonesia; tiêu biểu nhất là trường hợp biến âm từ pulao thành Câu Lâu, Côn Luân, Côn Lôn, Cù Lao Chàm hoặc vừa mượn âm vừa dịch nghĩa như Côn Đảo (ko, koh, kaoh, kas -> Côn, cù lao -> đảo).