Đối với các nước láng giềng xung quanh, Myanmar nổi tiếng là “miền đất vàng” và du khách sẽ dễ dàng hiểu được tại sao lại gọi như vậy khi bay tới các thành phố như Mandalay và Yangon.
Từ trên bầu trời nhìn xuống, du khách có thể nhìn thấy những bảo tháp, chùa chiền lấp lánh ánh vàng nằm rải rác trên khắp các vùng nông thôn và thậm chí giữa những con phố náo nhiệt nơi thành phố. Sau khi hạ cánh xuống mặt đất Myanmar, du khách không thể đi đâu quá xa mà không bắt gặp một ngôi chùa có dát vàng. Những ngôi chùa lớn nằm trên những triền đồi ở trung tâm phố thị, còn những chùa nhỏ nhất ẩn mình dưới tán cây già bên ngoài các ngôi nhà có cư dân sinh sống.
Trên khắp đất nước Myanmar có đến hàng ngàn ngôi chùa mà hầu hết nơi nào cũng được tô điểm bằng vàng. Con sông Irrawaddy chảy qua vùng trung tâm của “miền đất vàng”. Bờ sông là nơi tập trung những gì tinh túy nhất của Myanmar – những ngôi chùa lớn trên đồi, đám mây gió mùa trôi bên trên rừng núi rậm rạp và vùng đồng bằng ngập lũ với các căn nhà dựng trên cọc chênh vênh trên mặt nước.
Theo Diễn đàn Kinh doanh Mandalay – được tổ chức bởi Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC), Bộ Thương mại, Chính quyền Vùng Mandalay và Ủy ban Đầu tư Vùng Mandalay (MRIC), có hơn 700 ngôi chùa vàng nằm trên các ngọn đồi bao quanh Mandalay mà ta có thể từ sông nhìn vào. Quanh thành phố Bagan, xuôi xuống theo dòng sông, còn có 2.200 ngôi đền chùa nữa nằm rải rác đến tận chân trời.
Thời kỳ đỉnh cao (từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13), Vương quốc Pagan (nay được biết đến với tên Bagan) là nơi có hơn 10.000 ngôi đền. Đó là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh mẽ tại Myanmar, mặc dù tôn giáo này có nguồn gốc từ hơn 2.000 năm trước đó. Tại Myanmar, vàng là thứ thiêng liêng. Hầu hết người dân Myanmar đều mơ ước được một lần hành hương tới Shwedagon – ngôi chùa nghìn năm tuổi trên đỉnh đồi Singuttara, Yangon.
Là biểu tượng vàng của đất nước Myanmar, Shwedagon có tuổi đời hơn 2.500 năm. Tháp vàng Shwedagon là nơi tôn nghiêm và tâm linh nhất của người dân Myanmar. Thân và ngọn tháp dát vàng ròng. Theo thống kê, nửa dưới của ngọn tháp được dát hơn 8600 lá vàng, còn nửa trên là hơn 13.000 lá vàng. Trong khi đỉnh tháp cũng được gắn hàng nghìn viên kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và lục lạc vàng. Theo ước tính, ngôi chùa được dát tổng khối lượng vàng tới 90 tấn.
- Xem thêm: Lần đầu đến với “vùng đất vàng”
Trong chùa có nhiều gian thờ các pho tượng Phật dát vàng lớn. Ngoài ra, còn có Hòn đá vàng Golden Rock (nổi tiếng về sự chênh vênh) nằm cách Yangon hơn 200 km luôn hấp dẫn du khách khi đến xứ sở này bởi sự “kỳ lạ” của hòn đá được dát bằng vàng nằm ở độ cao 1.100 mét. Tảng đá có vẻ sắp lăn xuống núi, nhưng lại rất vững chắc và khó bị xê dịch dù chỉ tiếp xúc với ngọn núi vẻn vẹn 78 cm2. Người Myanmar giải thích sự bền vững này là nhờ thần Tawadeintha đã dù#ng con thuyền thần trục vớt hòn đá và chở nó lên đỉnh đồi.
Chiếc thuyền và dây thừng được biến thành đá và nằm cách Golden Rock khoảng 300 mét để giữ hòn đá không rơi. Đối với người Myanmar, việc quỳ lạy và ôm hôn Golden Rock sẽ giúp họ trở nên giàu có, thịnh vượng. Với du khách quốc tế, việc tận mắt chiêm ngưỡng một hòn đá và ngôi chùa được phủ bằng vàng lá nằm cheo leo trên đỉnh núi là điều thú vị có một không hai. Trong bóng chiều tà, Golden Rock càng trở nên lung linh và huyền ảo.
Theo Dự án Tìm hiểu Văn hóa Tôn giáo thuộc Trường Divinity Harvard, gần 90% dân số Myanmar theo đạo Phật, và vàng có ý nghĩa quan trọng đối với họ do bởi kim loại này được cho là đại diện cho mặt trời – thiên thể gắn với những phẩm tốt đẹp như kiến thức và khai sáng. Người dân Myanmar lễ Phật bằng cách trang trí các ngôi đền, chùa trên khắp cả nước bằng vàng. Sithu Htun, hướng dẫn viên địa phương từ Yangon và là người đã đi khắp đó đây trên cả nước, giải thích: “Vàng là thứ rất quý báu ở Myanmar bởi chúng tôi có thể tìm thấy chúng ở rất nhiều dòng sông. Vàng là một phần của đất nước chúng tôi – rất dễ tìm thấy – và đó là lý do tại sao chúng tôi dâng cúng vàng lên Đức Phật”.
Nhưng vàng không chỉ được dùng trong các đền chùa; sự gắn bó với vàng ở Myanmar còn sâu sắc tới mức kim loại cũng tìm thấy ở nhiều thứ khác – từ thuốc dân tộc truyền thống cho tới kem dưỡng da mặt, và thậm chí có lúc người ta còn rắc vàng vào thức ăn hay thức uống. Trong những dịp đặc biệt, vàng lá có thể được trộn vào cơm, đậu. Và người ta cũng thả vàng lá vào các loại đồ uống có cồn địa phương rồi lắc lên để uống. Vàng là một phần trong cuộc sống của vùng đất, con người ở Myanmar. Htun cho biết: “Chúng tôi dùng chuối và vàng lá để đắp mặt nạ dưỡng da. Vàng rất tốt cho da. Và, sau khoảng 3 đến 5 phút thì vàng biến mất. Tôi nghĩ là vàng đã ngấm vào da, đem đến cho chúng tôi nụ cười”.
Nguồn cung cấp vàng chủ yếu là từ các khu mỏ gần Mandalay và vàng cốm từ đáy các dòng sông ở Irrawaddy và Chindwin, nơi dân địa phương vẫn tiếp tục đãi vàng theo cách thủ công bất chấp công nghệ mới giúp cải thiện tiến trình nhanh chóng hơn nhiều. Thủy ngân được dùng để tách vàng ra khỏi cát khai thác từ đáy sông, nhưng thủy ngân gây ô nhiễm khiến ảnh hưởng tới sản lượng cá trên sông cũng như sức khỏe của những người đãi vàng.
Ngoài ra, Thời báo Myanmar thường xuyên đưa tin hoạt động đãi vàng bất hợp pháp gây ra một số những tổn hại khác. Tuy nhiên, hiện đang có một số dự án cộng đồng tập trung tuyên truyền về bảo vệ môi trường và con người. Ở miền trung Mandalay, có một khu vực được gọi là “khu làm quỳ vàng”, tức nơi những người đàn ông cả ngày chỉ quai đập vàng thành những tấm lá mỏng tang – được gọi là “quỳ vàng” – trong nhiệt độ nóng bức trên 30oC của mùa hè với độ ẩm không khí lên tới 70%.
Họ dùng búa nặng khoảng 3,2kg đập mỏng các lớp vàng đặt xen giữa các lớp giấy tre đặt trên phiến đá lớn. Vàng lá sau đó được cắt thành những miếng nhỏ và tiếp tục được đập mỏng thêm ra – tổng cộng qua 3 lần, mà lần cuối cùng được những người đàn ông lực lưỡng đập liên tục trong suốt 5 tiếng đồng hồ. Htun giải thích: “Hầu hết các hiệu bán vàng lá mịn là doanh nghiệp gia đình. Đàn ông thì đập vàng cho mỏng thành quỳ vàng, còn phụ nữ thì cắt thành những tấm vuông để bán”.
Sau khi được cắt thành từng miếng vuông, quỳ vàng được xếp giữa các lớp màng giấy tre, đem bán làm đồ cúng Phật. Phụ nữ cũng lấy quỳ vàng dán lên các bức tượng Phật, tượng thú như voi, được chạm trổ từ gỗ đã được phết lớp sơn dầu màu đen. Vàng không chỉ được dán lên các đền chùa hay các bức tượng gỗ. Htun nói: “Đôi khi chúng tôi dán quỳ vàng lên chuối và dừa, rồi làm lễ cúng các linh hồn”. Người Myanmar thậm chí còn dán quỳ vàng lên chính thân thể mình bằng cách bôi một lớp nhựa cây được gọi là thanakha lên mặt làm lớp kem chống nắng – mà có khi họ còn dán theo mẫu nào đó để làm hình trang trí rồi sau đó dán lớp vàng lá lên để làn da trông sáng rỡ.
Trước kia và cho đến tận ngày nay, vàng cũng được dùng như một dạng tiền tại Myanmar. Trong bối cảnh nền chính trị và kinh tế Myanmar luôn bất ổn, với cuộc khủng hoảng Rohingya, thì vàng giữ được giá chứ không như đồng nội tệ kyat. Theo người dân địa phương, nhiều người dân Myanmar không mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng mà lại đi mua vàng tích trữ để cúng chùa chiền cầu xin… kiếp sau được giàu có thịnh vượng hoặc để giữ của dưới dạng đồ trang sức hay thậm chí là những khối vàng nhỏ để dành như khoản bảo hiểm cho cuộc sống hiện tại.
Cửa hàng vàng có ở mọi góc phố Myanmar, kể cả tại những thị trấn nhỏ nhất để phục vụ cho mọi người. Htun giải thích trong lúc đi qua một cửa hàng vàng ở Mandalay: “Kể từ khi giành được độc lập hồi năm 1948 cho đến nay, đất nước Myanmar và nền kinh tế luôn rơi vào tình trạng không được ổn định. Đó là lý do khiến mọi người muốn giữ vàng bởi vì kim loại này an toàn hơn cho tương lai, giống như một dạng bảo hiểm vậy”.
Sau hàng thập niên bị cô lập dưới chế độ quân đội, Myanmar gần đây mới nổi lên thành một điểm đến cho du khách nước ngoài. Hơi thở Phật giáo dường như có ở mọi khía cạnh trong đời sống thường nhật Myanmar. Vào đầu giờ sáng, các vị sư và ni cô lang thang trên đường phố, tại các khu chợ để khất thực. Hình thức cho-tặng chiếm vị trí to lớn trong nền văn hóa Myanmar, được thể hiện rõ rệt trong cách thức người dân địa phương chào đón du khách một cách hào phóng và chu đáo – mời uống trà, ăn bánh quy hoặc thậm chí mời những bữa ăn thịnh soạn với tất cả các loại đồ ăn gia chủ có.
Htun nói: “Người dân Myanmar rất dễ thương, rất thân thiện – họ luôn mỉm cười. Họ chỉ muốn giúp đỡ mà họ không cần đền đáp gì từ bạn hết”. Vào lúc 4 giờ sáng, Mahamuni Paya ở Mandalay – một trong những ngôi đền thiêng nhất và được người theo Phật giáo coi là một trong những thánh địa thiêng liêng nhất trong cả nước – đã chật kín người. Các vị sư làm lễ trong lúc rửa mặt cho một bức tượng Phật vàng lớn. Mọi người mua vàng lá với giá 2.000 kyat (khoảng 1 bảng Anh) được 5 miếng, mỗi miếng rộng chừng 1 inch vuông (khoảng 6,45cm2) – tại các quầy hàng trong đền và xếp hàng chờ đến lượt dán chúng lên bức tượng Phật to lớn, chút lễ mọn thành kính dâng lên. Htun nói: “Chúng tôi luôn muốn cúng thêm nhiều nữa tới Đức Phật – chúng tôi xây thêm nhiều các đền chùa để chúng tôi có thể phủ kín những đền chùa đó bằng vàng của đất nước”.