Ẩm thực đường phố ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã được vinh danh trên nhiều báo, tạp chí cũng như qua nhận định của nhiều chuyên gia và các trang mạng chuyên về ẩm thực. Chưa nổi tiếng như Bangkok, Singapore hay Sài Gòn song Penang của Malaysia đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của những người ưa thích các món ngon hè phố.
Thay vì đi tour Malaysia thông thường, ngày càng có nhiều du khách Việt đến với Penang nhờ có máy bay giá rẻ của AirAsia, nhất là các bạn trẻ muốn làm một chuyến “phượt” ở vùng đất này, bởi chỉ sau chưa tới hai giờ bay từ TP. Hồ Chí Minh họ đã có mặt ở Penang. Và cũng chỉ cần khoảng 2-3 ngày để thăm thú các danh thắng, đền đài, tắm biển, mua sắm chút ít và thưởng thức ẩm thực đa dạng vùng biển đảo phía tây bắc của Malaysia. Còn với du khách Thái Lan và Singapore thì từ lâu rồi Penang đã trở thành một điểm du lịch cuối tuần tiết kiệm mà thú vị.
Khá giống với Singapore, ẩm thực đường phố ở Penang chịu ảnh hưởng của ẩm thực Ấn Độ và Trung Hoa với những món ăn phổ biến như mì hoành thánh, bánh mì dẹt roti canai (thường ăn với cà ri các loại và xúp đậu dal), mì xào mee goreng… Từ sáng đến tận nửa đêm, trên nhiều phố xá ở Penang City (thủ phủ của bang Penang, còn gọi là Georgetown) hay ở các thành phố khác của bang Penang, thực khách dễ dàng tìm thấy các món ăn Mã Lai, Ấn, Hoa… trong các trung tâm ẩm thực chính thức cũng như ở các hàng quán có che dù san sát nhau ở các góc phố hay trên vỉa hè hoặc trong các kopitiam (quán cà phê).
Nghề bếp núc đường phố ở Penang được truyền qua các thế hệ trong gia đình, dựa trên kinh nghiệm hơn là trường lớp. Nhiều quán ăn nay có chủ nhân là thế hệ thứ hai, thậm chí thứ ba – con cháu những người đầu tiên sống bằng nghề này. Nhiều cách thức và kỹ thuật chế biến các món ăn trên đảo Penang(1) không còn thấy ở những vùng miền khác trong bang cùng tên. Đầu bếp thường nấu nướng bằng lửa than và món ăn nóng sốt được dọn ra trên lá chuối tươi, tỏa hương vị quyến rũ thực khách. Có dịp đến với Penang, bạn đừng quên trải nghiệm năm món ăn đường phố được coi là đặc sắc nhất, cũng là các món ăn truyền thống nổi tiếng bậc nhất của địa phương:
1/ Char koay teow:Chắc chắn không có món ăn nào được biết đến rộng rãi ở Penang như char koay teow hay hủ tiếu xào. Như tên gọi, hủ tiếu được xào với tôm tươi, sò, trứng đánh, giá, hẹ, cá viên xắt mỏng và tương ớt. Và phải xào trên bếp lửa than mới đúng điệu. Một “biến thể” của món hủ tiếu xào này là có thêm tóp mỡ và thịt xá xíu, tất cả tạo thành một tổng hợp độc đáo các hương vị. Hầu như du khách nào đến Penang cũng không bỏ qua món char koay teow, còn với dân bản địa đây là món điểm tâm được ưa thích. Char koay teow cũng là món ăn đường phố rất phổ biến ở Singapore.
Ở Penang, Tiger Char Koay Teow là quán hủ tiếu xào nổi tiếng, luôn có đông thực khách kể từ khi đầu bếp của quán thay vì dùng trứng gà đã thay bằng trứng vịt đánh khi xào và thay sò bằng ốc móng tay. Một đĩa hủ tiếu xào của quán Tiger có giá 5 ringgit (khoảng 40.000 đồng VN) song có nhiều hàng quán bán món này với giá chỉ 1 ringgit!
2/ Assam laksa: Hủ tiếu chua cay assam laksa là một món ăn truyền thống của văn hóa ẩm thực Peranakan(2), với nước lèo được nấu chua bằng cá thu tươi, ăn với hủ tiếu (hoặc miến gạo), thêm bánh tôm, củ cải trắng, gừng, rau diếp, hành tây, thơm xắt nhỏ… và rất nhiều ớt đỏ. Người sành ăn ở Penang thường tìm đến chợẩm thực Itam để thưởng thức món ăn cay xé lưỡi này với nước lèo được nấu sền sệt, có mùi sả và thoảng dư vị ngọt. Một tô assam laksa ở đây giá chỉ 3,5 ringgit nên vào giờ trưa luôn đông nghẹt thực khách.
3/ Hokkien mee: Món mì này có nguồn gốc từ những người Phúc Kiến ở Trung Quốc di cư sang Malaysia và Singapore; nhưng nếu nhưở Kuala Lumpur người ta dùng mì sợi vàng và tương (đậu nành) đen thì tại Penang mì Phúc Kiến khác hẳn với người anh em của nó ở thủ đô Malaysia: nước lèo được nấu với tôm khô thật cay cùng với đầu tôm, tỏi và nhiều gia vị gắt khác, khi ăn chan vào tô có sắp sẵn mì hay miến gạo, thịt heo thái mỏng, cá viên xắt lát, giá, hành phi và tương ớt. Để phù hợp với khẩu vị của nhiều du khách, mì Phúc Kiến ở Penang cũng phải giảm bớt độ cay, thêm vị ngọt.
Tiệm mì 888 ở Penang nổi tiếng với món hokkien mee, thực khách có thể chọn miến sợi nhỏ hoặc bún gạo sợi to với giá 3,50 ringgit/tô. Nếu muốn ăn thêm cá viên và sườn heo, tô mì có giá lên đến 6 ringgit.
4/ Rojak pasembur: Thành phần của món salad trộn thập cẩm quốc hồn quốc túy Malaysia này gồm: dưa chuột xắt sợi, giá sống, đậu hũ thái miếng vuông, củ cải, trứng luộc, tôm chiên giòn, tất cả được trộn đều trong nước xốt được chế biến với đậu phộng, tương ớt và khoai tây nghiền. Có nơi người ta còn trộn thêm với hải sản, đặc biệt là bạch tuộc luộc xắt khoanh. Món salad này được trình bày đẹp mắt: các nguyên liệu sau khi trộn đều được vun có ngọn trong đĩa, sau đó nước xốt được rưới lên, nhìn bắt thèm! Khi ăn phải dùng đũa tre gắp. Cũng món này, ở Kuala Lumpur và Singapore tên gọi chỉ là rojak.
Để ăn rojak pasembur, cư dân địa phương cũng như người Mã Lai có khi ở tận Kuala Lumpur đều tìm đến quán GP Soon, nơi một đĩa salad này có giá 7 ringgit.
5/ Cendol (hay còn gọi là chendul): Sau khi đã nếm đủ vị chua cay với bốn món ăn trên, không gì bằng được ăn tráng miệng với chè bánh lọt cendol ngọt ngào. Món chè ăn lạnh này được chế biến với nước cốt dừa, bánh lọt bằng bột gạo nhuộm lá dứa có màu xanh và nước đường nâu thắng cùng với đá viên. Ở một số hàng quán, ly chè bánh lọt còn có thêm đậu đỏ, xôi nếp và sữa bắp, tuy nhiên ly cendol truyền thống của người Triều Châu di cư sang Malaysia không thêm thắt gì cả, được bán với giá 1,50 ringgit ở các quán trên đường Jalan của Georgetown.
(1) Bang Penang gồm hai phần: đảo Penang (293km2) và phần đất liền giáp biển gọi là Seberang Perai (653km2), cách nhau một eo biển hẹp
(2) Nền văn hóa Peranakan là sự pha trộn giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Mã Lai, xuất hiện vào khoảng năm 1.400 khi những người nhập cư gốc Hoa đến định cư ở bang Penang, vùng eo biển Malacca hay Singapore và kết hôn với người Mã Lai địa phương