Giai đoạn giữa thập niên 1990 vắt qua thế kỷ XXI được xem là giai đoạn vàng son của nhạc Việt, xuất hiện không ít những cái tên và sự sáng tạo gầy dựng nền nhạc nhẹ Việt Nam. Và cũng trong khoảng thời gian lấp lánh này, nhạc Việt đã có năm giọng hát mà đến tận hôm nay họ luôn được đánh giá như các nữ ca sĩ tiêu biểu cho những cá tính âm nhạc: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà và Thu Phương. Lần đầu tiên, năm người đàn bà hát sẽ gặp nhau trong đêm nhạc The Master of Symphony diễn ra từ ngày 20 đến ngày 22-11-2015 tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM.
Chính trong thời điểm nhạc Việt đang chờ một cuộc thay đổi ngoạn mục từ nội tại đến những giềng mối xung quanh ấy, có nhiều nghệ sĩ biểu diễn đã được nuôi nấng và trưởng thành trong chính cái nôi gia đình. Hai trường hợp đặc biệt trong năm giọng nữ: Thanh Lam và Hồng Nhung. Ở họ, sự pha trộn và xen lẫn sáng tạo của lối hát kỹ thuật, bài bản và cảm xúc, bản năng đã tạo nên những điểm son chói lọi cho nhạc nhẹ.
Lê Hồng Nhung sinh ra trong gia đình Hà Nội trí thức. Ông nội là họa sĩ Lê Văn Ngoạn; ông ngoại là nhà ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh; bố cô là dịch giả Lê Văn Viện. Chính vì từ trong một gia đình có sức ảnh hưởng to lớn như vậy, Hồng Nhung đã sớm thấm vào trong giọng hát mình tính mềm mại uyển chuyển, lẫn chỉn chu mực thước. Có khi tiếng hát Hồng Nhung say, mơ màng như đồng cỏ nhưng cũng có khi mạnh mẽ như dòng thác đổ. Màu sắc thanh âm đa dạng ấy đã làm nên một Hồng Nhung không có ai thay thế trong nhạc Việt. Trải qua mấy chục năm, Hồng Nhung đã nhận biết bao giải thưởng, live show lớn nhỏ, những album với doanh số bán chạy hàng đầu. Để hôm nay, Hồng Nhung chín muồi với vẻ mặn mà của một phụ nữ hai con thành đạt, và đặc biệt với sân khấu, cô luôn là con họa mi cất những tiếng ca đẹp, trong veo như thể thời gian chưa từng lướt qua mình.
Thanh Lam bản năng hơn, cuộc sống riêng cũng như giọng hát chị suốt thời xuân xanh chưa bao giờ người ta thấy được vẻ bình yên. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ nhạc dân tộc Thanh Hương. Thanh Lam học nhạc từ rất nhỏ, đặc biệt là các nhạc cụ dân tộc. Chị sở hữu giọng trung trầm hiếm có, Thanh Lam đã vượt qua giới hạn của một cách hát rất thông dụng, ở cô, sự bản lĩnh thể hiện qua nhiều lần phá cách; và đã tạo nên không ít luồng dư luận khác nhau mỗi khi chị xuất hiện.
Những giải thưởng quốc tế, những cuộc chinh chiến, tiếp xúc với nhạc nhẹ thế giới đã tạo nên phong cách phóng khoáng trong chất giọng Thanh Lam. Người đàn bà hát này đi qua quá nhiều giông bão trong đời sống riêng, do đó sự viên mãn và ổn định ngày hôm nay khiến giọng hát Thanh Lam đã đi về nẻo an bình.
Và trong dòng chảy của nhạc nhẹ thập niên 1990, không thể không nhắc tới Mỹ Linh, một đại diện ngọt ngào cho giọng hát thuần nhạc nhẹ mà tận hôm nay, phong cách thuần chất ấy hiếm ai có được. Mỹ Linh được coi là người đi tiên phong cho dòng nhạc R&B tại Việt Nam. Những con đường đến với âm nhạc của Mỹ Linh dường như theo một trật tự chỉn chu. Chị có những giai đoạn quan trọng tạo nên từng vị thế riêng cho mình. Như Tour xuyên Việt 1999 Mỹ Linh và Anh em, rồi dự án đĩa than cùng với live show Tóc ngắn Acoustic 2010… làm Mỹ Linh luôn là người có sự ổn định phong cách. Gần đây chị tham gia nhiều game show, nên việc trở lại sân khấu ca nhạc của chị cũng được nhiều mong ngóng.
Trần Thu Hà được nhận định là ca sĩ có cách hát tự nhiên nhất, đôi khi chênh phô nhưng lại rất giàu tình cảm, dễ đưa người nghe vào cảm xúc. Sinh 1977 tại Hà Nội, cha là ca sĩ – nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, mẹ là nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền, nguyên trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, chú là nhạc sĩ Trần Tiến; nhưng sự nghiệp âm nhạc của Trần Thu Hà phải nhắc tới nhạc sĩ Quốc Bảo. Chính anh đã tìm kiếm được sự mộc mạc, tự nhiên trong giọng hát của Hà và cùng tạo ra những bản hit mà đến hôm nay không một ca sĩ nhạc nhẹ nào có thể vượt qua được.
Năm 1999, Trần Thu Hà phát hành album riêng đầu tay Em về tinh khôi; và phải đến album riêng thứ năm Đối thoại 06 (Communication 06) mới có một Trần Thu Hà đầy hơi thở của âm nhạc đương đại phá cách. Sau khi lấy chồng sinh con, Trần Thu Hà đi về giữa Mỹ – Việt Nam, tiếng hát của chị – Hà Trần nghe ra mênh mang và nhiều day dứt hơn.
Thu Phương tiêu biểu cho làng nhạc nhẹ với những bài hit được phát hành liên tục. Giọng Thu Phương hơi khàn, ấm và nhiều tình cảm, cô xử lý cũng rất tinh tế ở những nốt cao. Đây là ca sĩ được khán giả rất yêu mến ở mảng ca khúc dành cho Hà Nội. Sau một thời gian sống và hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, tháng 10-2013, live show Mùa Thu của Phương kỷ niệm 25 năm ca hát diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn, thuộc khuôn khổ Vietnam Concert đã đánh dấu sự trở lại của Thu Phương. Nhưng phải nói, đến 2015 việc Thu Phương ngồi ghế huấn luyện viên của Giọng hát Việt cô mới thật sự trở về.
The Master of Symphony diễn ra vào ba đêm 20, 21 và 22-11-2015 tại Nhà hát Hòa Bình có thể xem là cuộc hội ngộ đặc biệt trong lịnh sử nhạc nhẹ Việt Nam, khi năm giọng nữ hàng đầu này đứng chung sân khấu. Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần và Thu Phương sẽ luôn biết cách để hòa quyện vào nhau dù có khác biệt về giọng hát và phong cách. Có khoảng 20 bài của các nhạc sĩ Thanh Tùng, Bảo Chấn và Dương Thụ chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả điều tuyệt diệu nhất của âm nhạc. The Master of Symphony do Cao Trung Hiếu đạo diễn, giám đốc âm nhạc – nhạc sĩ Hoài Sa, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Trần Nhật Minh, Vietvision thực hiện.
- Phạm Lê