VN-Index đã kết thúc tháng 10 trên mốc 600 điểm, một dấu hiệu vui dành cho giới đầu tư, sau tháng 9 gần như đi ngang và tháng 8 lao dốc trước đó. Dừng tại 607,37 điểm, VN-Index đã tăng đến 44,73 điểm (7,95%) trong tháng 10 này. Đồng thuận, HNX-Index cũng tăng 4,26 điểm (5,46%), dừng ở 82,23 điểm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng việc hai chỉ số tiếp tục đi lên là điều rất khó khăn, ít nhất là trong những ngày đầu tháng 11. Nhìn vào đồ thị VN-Index trong tháng 10, có thể thấy đi kèm với đà tăng dần của chỉ số là khối lượng giao dịch không cao, có dấu hiệu giảm dần. Điều này cho thấy xu thế tăng của điểm số đang rất yếu. Trong tuần giao dịch cuối tháng 10, khối lượng khớp lệnh trên sàn HSX giảm 5,3% so với tuần trước đó, còn trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng giảm 1,4%. Nhìn chung, tâm lý giới đầu tư vẫn chưa sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn mà chỉ mua bán cho ngắn hạn, chủ yếu nhắm vào kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp đã công bố. Theo kết quả này, hoạt động các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng khá tốt, ngay cả với một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dầu khí chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu thế giới. Các doanh nghiệp lớn đang có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt. Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cải thiện như ngành nhựa, cảng biển, vật liệu xây dựng, công nghệ. Đặc biệt, việc thị trường bất động sản ấm lên đã làm hồi sinh và tạo động lực tăng trưởng cho nhiều cổ phiếu bất động sản niêm yết.
Điều khiến các nhà đầu tư có cảm giác không yên tâm chính là vấn đề thanh khoản. Thực ra, phân tích khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán vẫn luôn được đánh giá cao, bên cạnh việc phân tích chu kỳ, mẫu hình, sóng Elliott… Kết quả phân tích này thường chính xác, nên không chỉ những người mới tìm hiểu về phân tích kỹ thuật mà cả các nhà phân tích chuyên nghiệp cũng thường xuyên sử dụng. Khối lượng là động lực tạo ra sự dịch chuyển của giá và thường thay đổi trước khi có sự thay đổi đáng kể của giá. Điều này là do sự thay đổi trong tương quan cung – cầu thường xuất hiện ở khối lượng trước khi tác động đến giá. Nếu khối lượng tăng dần cùng với giá thì đà tăng trưởng sẽ được hỗ trợ, thể hiện ở lực cầu mạnh. Tuy nhiên, do VN-Index đang ở trong xu hướng tăng ngắn hạn và cả dài hạn nên thanh khoản thấp như hiện nay có thể đánh dấu một chu kỳ đi ngang tạm thời của thị trường để tích lũy cho một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Vì vậy, nhà đầu tư cũng không nên bi quan với thị trường, khi các ngưỡng hỗ trợ mạnh dài hạn vẫn đang trụ vững. Chỉ cần theo dõi để phòng ngừa rủi ro giảm điểm bất ngờ, đặc biệt khi hoạt động công bố kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết đang vào giai đoạn cuối. Chu kỳ tích lũy có thể sẽ quay lại.
Kinh tế trong nước vẫn đang có những diễn tiến khá tích cực. Trong mười tháng đầu năm nay, nước ta đã thu hút 19,29 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm, tăng đến 40,8% so với cùng kỳ năm 2014. Số vốn thực hiện cũng đạt mức cao, cụ thể đã giải ngân được 11,8 tỉ USD, tăng 16,3% với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong tháng 10 vừa qua, vốn FDI đăng ký đã vào khoảng 2,14 tỉ USD, trong khi số vốn giải ngân cũng lên đến 2,15 tỉ USD. Nếu tốc độ này được duy trì từ nay đến cuối năm, chúng ta có thể hoàn thành và vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của năm nay. Không cần phải nói đến lợi ích mà nguồn vốn FDI đem lại cho nền kinh tế, năm nay dòng vốn FDI tăng mạnh còn giúp nước ta cân đối cán cân thanh toán vốn đang đối mặt với tình trạng thâm hụt. Bên cạnh đó, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI) trong nước cũng có dấu hiệu cải thiện, đạt 141,1 điểm trong tháng 10, điểm số cao nhất trong vòng bốn tháng qua. Con số này cũng cao hơn mức trung bình dài hạn là 135,9 điểm và cũng hơn 6,4 điểm so với mức 134,7 điểm của tháng 10-2014. Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ nhận định rằng niềm tin người tiêu dùng cải thiện do mức độ lạc quan về tình hình tài chính cá nhân cũng như triển vọng kinh tế nước ta đều tăng. Niềm tin người tiêu dùng tăng trưởng mạnh và trên diện rộng trong tháng 10 là tín hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục ổn định trong sự suy giảm chung của thương mại toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng lên chính là tiền đề để giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Đúng như những dự báo trước đó, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 (2-11) chứng kiến sắc đỏ tràn ngập hai sàn giao dịch. Sau quãng thời gian chỉ số tăng mà thanh khoản không tăng, một bộ phận nhà đầu tư đã tiến hành chốt lời để bảo vệ thành quả, khiến cho nguồn cung tăng vọt. Với 174 mã giảm trong khi chỉ 51 mã tăng điểm, VN-Index giảm 4,61 điểm, lùi về 602,76 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức trung bình, tổng giá trị đạt 2.038,822 tỉ đồng. Hầu hết các mã dẫn dắt đều giảm điểm, để về với mức giá hợp lý hơn.
Thành Huân (DNSGCT)