Gần đây, nhiều người phản ánh họ bị lừa khi mua vé máy bay giá rẻ vào dịp tết. Việc không tìm hiểu kỹ thông tin cộng thêm tâm lý chuộng vé giá rẻ đã khiến nhiều người mất tiền mà vé thì chẳng có.
Lợi dụng hình thức đặt chỗ thanh toán sau
Thị trường hàng không dịp Tết luôn trong tình trạng cầu vượt cung. Do giá vé dịp Tết khá cao nên những lời mời chào vé rẻ luôn được nhiều người chú ý. Nhiều người “săn” vé giá rẻ đã dính phải các chiêu lừa của những đại lý “ma”.
Mới đây, đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hãng đã tiếp nhận thông tin phản ánh từ thực tập sinh, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản cho biết họ bị lừa khi mua phải vé máy bay giá rẻ để về quê dịp Tết Nguyên đán 2019.
Phương thức lừa đảo của các nhóm đối tượng là hướng dẫn người mua đặt vé giữ chỗ, sau đó thanh toán trong vòng 24 giờ. Lợi dụng khoảng thời gian giữ chỗ này, các đối tượng lừa đảo lấy mã đặt chỗ chuyển cho khách hàng để tạo sự tin tưởng. Khách lầm tưởng đã có mã đặt chỗ là yên tâm nên đã chuyển tiền. Thực tế các đối tượng nhận tiền của khách nhưng không thanh toán với hãng hàng không và để cho mã đặt chỗ tự hủy sau khi hết hạn. Các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc khi khách hàng khiếu nại.
Thậm chí, một thủ đoạn tinh vi hơn là các đối tượng vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho khách. Tuy nhiên, sau đó những người này âm thầm liên lạc với hãng hàng không để hoàn vé với lý do hành khách không đi nữa rồi nhận lại số tiền mua vé và chỉ phải chịu một khoản chi phí nhỏ làm thủ tục hoàn vé. Với chiêu thức này nhiều người đã bị lừa, khi liên hệ tới các hãng thì mới biết vé đã bị hủy và các hãng không có cách nào khác để giúp hành khách.
Phòng tránh cách nào?
Hiện nay nhiều đại lý bán vé máy bay có website và đưa ra nhiều lời mời chào hấp dẫn. Trước khi mua vé qua các đại lý này người mua phải tìm hiểu thông tin thật kỹ.
Để tránh bị lừa khi mua vé máy bay, cách tốt nhất là người mua nên tự đặt vé trên website của các hãng hàng không. Người mua có thể thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán sau tại các phòng vé hoặc ngân hàng. Khi đó, hành khách sẽ chắc chắn có vé.
Khi đặt vé trên website của các hãng, hành khách cần lưu ý là các website này phía dưới đều có đầy đủ các thông tin như địa chỉ, số điện thoại, giấy phép kinh doanh…; trên giao diện có các mục như quản lý đặt chỗ, thông tin chuyến bay. Đây là những mục rất cần thiết bởi khi có mã đặt chỗ, hành khách chỉ cần tra mã đặt chỗ vào là biết được vé đã thanh toán hay chưa; đồng thời, trang sẽ hiển thị đầy đủ tên hành khách số điện thoại, chuyến bay, ngày bay… nhằm giúp hành khách theo dõi tình trạng vé của mình.
Nếu hành khách không thành thạo Internet thì có thể gọi điện đến tổng đài đặt vé của các hãng hoặc tới trực tiếp đại lý, phòng vé được ủy quyền của các hãng. Với những cách đặt vé này thì hành khách sẽ tránh được nhiều rủi ro khi mua vé máy bay.
Trong trường hợp hành khách đặt vé qua các đại lý mà không biết đại lý đó có được ủy quyền hay không thì ngay khi nhận mã vé, hành khách nên tự kiểm tra qua website hoặc ứng dụng của các hãng trên các thiết bị di động để xem vé đã thanh toán hay chưa.
Khi đặt vé, người đặt cần yêu cầu đại lý ghi đúng số điện thoại, email của mình, vì vé sau khi thanh toán các hãng sẽ gửi tin nhắn và email để xác nhận. Sau khi thanh toán, hành khách có thể gọi điện lên hãng hàng không kiểm tra xem mã giữ chỗ của mình đã được thanh toán hay chưa và yêu cầu hãng không được huỷ vé nếu không có yêu cầu gọi từ số diện thoại đã đăng ký của mình. Ví dụ, khi đặt vé của Vietnam Airlines qua đại lý, hành khách nên gọi vào số tổng đài 19001550 để tìm hiểu thông tin phòng vé, xem đó có phải là đại lý chính thức không thay vì chỉ thấy giá vé rẻ là đặt mua ngay thì rất dễ bị sập bẫy kẻ gian.
Về phần các hãng hàng không, để tránh tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng chính sách giữ chỗ để bán vé giả, các hãng thường xuyên kiểm tra hệ thống, xử lý các tài khoản, IP đặt nhiều chỗ mà không xuất vé. Các hãng còn cập nhật thường xuyên trên website của mình thông tin các đại lý để hành khách có thể truy cập kiểm tra.