“Nếu có ai nói tôi có được vị trí này chỉ vì tôi là đàn bà, tôi sẽ khóc nức nở! Phải đến đầu năm 2016, Đức mới buộc các tập đoàn kinh tế đề bạt phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo. Một sự chậm trễ chẳng đặng đừng!” – Thành viên ban giám đốc Trung tâm thí nghiệm danh tiếng Merck KGaK, bà Bélem Garijo khẳng định: “Luật pháp mới giải quyết được phần nổi núi băng chìm”. Người phụ nữ Tây Ban Nha 55 tuổi này là người đàn bà đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo một trong số những tập đoàn chủ chốt miền tây nam Đức.
Thành viên Hội đồng giám đốc Tập đoàn Deutsche Telekom, Claudia Nemet nói thêm: “Luật pháp không mang lại điều gì hết, các tập đoàn phải tự thấy là sự đa dạng giới tính là một lợi thế cạnh tranh. Chúng ta cần đàn ông, đàn bà, người lớn tuổi, người trẻ và kinh nghiệm quốc tế…”.
Merck và Deutsche Telekom đi tiên phong trong vấn đề này. Không chỉ các vị trí lãnh đạo, 30% vị trí giám sát ở hai tập đoàn này từ tháng Giêng năm nay cũng được trao cho nữ giới. Các văn bản yêu cầu các xí nghiệp phải công khai tỷ lệ 30% đó. Đức theo chân Na Uy đi đầu trong việc thiết lập hạn ngạch, kéo theo Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha…
“Đó là tốc độ rùa bò!” – Giám đốc Viện nghiên cứu giới tính Helke Host dẫn ra số liệu thuyết phục – cho đến hết năm 2015, nữ giới mới giữ 6% ghế lãnh đạo ở hai trăm tập đoàn hàng đầu. Ban giám đốc Commezbank, Volswagen, Beierdorf với nhãn hiệu Nivea… tuyệt nhiên không một bóng dáng nữ. Cứ cái đà này, tới năm 2040, Đức không đạt được tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế. Thành viên nữ đầu tiên trong Hội đồng giám đốc Tập đoàn Bayern, bà Erica Mann cho rằng vấn đề chính là giáo dục. Văn hóa gia đình vẫn còn nặng nề với phụ nữ, hơn là văn hóa trong hoạt động kinh tế.
Lê Lành theo Bild (DNSGCT)