Tuy nhiên, nhiều người đã đúc kết, có con trai khổ theo đàng con trai, có con gái khổ kiểu con gái. Nhiều ông bố lo làm ăn, quên mất cậu con trai (mà ông từng lên tiếng khoe khoang với bạn bè rằng “ta đây biết… đẻ”), phó mặc hết cho vợ.
Trong nhiều gia đình, lời mẹ dạy đứa con trai như nước đổ đầu vịt. Mách tội con với chồng thì bà sợ chồng nóng tính la mắng, đánh đập. Vậy là mẹ bao che. “Con hư tại mẹ” cấm có sai! Con trai thích gì, gây áp lực với mẹ đều được đáp ứng (sau những lời phàn nàn, hay càm ràm cho vui, không có hiệu quả). Vợ giấu chồng, dấm dúi cho con trai… Thế rồi, chuyện vỡ lở, người biết sau cùng luôn là ông bố. Tiền để làm gì khi đứa con nối dõi tông đường biến thành niềm bất hạnh?
Ông bố có đứa con trai, tuy học không giỏi lắm, nhưng chưa thấy biểu hiện gì quậy phá, đi học về là ngồi máy tính, không làm mích lòng ai. So ra, còn an tâm hơn ông ngày xưa vừa học không giỏi lại ham chơi, phá phách nổi tiếng ở trường, giờ đây ông làm ăn có thua ai! Một hôm có người đến tìm cậu con hỏi mua một cây kiếm rao bán trên mạng.
Ông bố giật mình, con ông có bao giờ đem “đồ hung của dữ” này về nhà? Lộn địa chỉ chăng? Quan sát đối tượng tóc nhuộm vàng, một tai xỏ khuyên, ông càng khẳng định chắc chắn không phải đến tìm con mình. Tuy nhiên, hỏi ra mới thấy đúng tên thật, địa chỉ nhà… Hoảng hồn ông truy vấn tới nơi, mới biết thằng con rao bán cây kiếm với giá hai triệu đồng (cây kiếm ảo trong một trò chơi online). Hỏi tới, ông bố mới biết con ông thuộc loại game thủ có số má đạt đến trình độ cao rồi! Sau đó ông còn biết thêm số giờ con ông đến lớp ít hơn nhiều “ngồi đồng” ở tiệm game.
Tất cả những điều bí mật (đối với ông), bà vợ ông bao thầu hết. Đã vậy còn cung cấp tiền cho thằng con nữa. Chậm còn hơn không, may mà ông bố phát hiện kịp thời từ cây kiếm ảo. Tất nhiên, sau đó, đưa con trở về đời thường cả một quá trình gian nan. Thậm chí, nhiều trường hợp không thể!
Bây giờ các ông bố bà mẹ hiểu được rằng máy vi tính là con dao hai lưỡi đối với con cái (cả người trưởng thành cũng chưa chắc đủ bản lĩnh biết cái gì cần, cái gì có hại trong cái màn hình đó). Một ông bố thắc mắc không hiểu tại sao máy vi tính ở nhà cứ vài tháng là hư ổ cứng phải thay mới. Ông dùng máy tính cơ quan nên ít khi sử dụng ở nhà. Về nhà ông còn phải chăm giàn lan, săn sóc mấy con chim, hồ cá…
Một ngày về nhà bất chợt, ông phát hiện ra thằng con trai học lớp 9 đang chơi một trò chơi mà mỗi lần thoát ra để tắt máy phải chờ rất lâu. Thế là ông hiểu, bởi ông cấm con không chơi điện tử nên mỗi khi nghe tiếng xe ông về là cậu không chờ thoát được nên đành tắt nguồn. Một trong những nguyên nhân mau hư ổ cứng! Kiểm tra máy tính, ông còn phát hiện đủ thứ hầm bà lằng trong đó mà nó chưa kịp xóa dấu vết.
Có ông bố than thở cha mẹ cắm mặt cày cuốc chủ yếu để cho con. Con mình không thiếu thứ gì vậy mà sao học không giỏi bằng con nhà nghèo, không có điều kiện đi học thêm. Giá mà có loại thuốc nào đắt đến trăm triệu đồng ông cũng mua cho con uống để nó thông được chỉ mỗi môn toán, chẳng hạn. Mới thấy, trên đời không có gì hoàn hảo.
Nhiều ông bố đúc kết từ kinh nghiệm của chính họ, thậm chí, nếu cần đưa đón con đi học đến lớp 12 hay năm thứ nhất đại học ông cũng sẵn sàng. Hy sinh cho con cũng là một thứ của để dành tương tự như cắm mặt cày cuốc kiếm tiền vậy. Đưa con đến lớp học chưa chắc đã yên tâm, phải đứng ở cổng trường “rình” xem nó có trở ra trốn vào quán điện tử cho đến hết giờ rồi quay lại cổng trường chờ bố đón hay không.
Bây giờ, ông bố có con gái một bề lại thấy… có lý. Nhất là con gái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, ra trường có việc làm tốt, thu nhập khá. “Cờ bạc ăn nhau về sáng” – các ông bố này giờ đây mới được “vỗ ngực, xưng tên” với đám bạn bè ngày xưa đã chế giễu ông chỉ toàn vịt trời. Có ông còn kể quá trình dạy con gian khó chừng nào, nhất là khâu đưa đón con đi học hay kèm cặp con học bài.
Nhiều ông kết luận, vai trò hàng đầu của ông bố vẫn là việc dạy con, như một sự đầu tư kinh tế về lâu dài. Phó mặc con giống như làm ăn không biết tính toán chờ đợi sự hên – xui. Và tất nhiên, bất cứ công việc gì có đầu tư, lao tâm khổ tứ, quan tâm đúng mức… yếu tố thành công sẽ cao hơn!