Việt Nam ta có câu: “Ăn được ngủ được là tiên/ Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”, nhưng khổ nỗi mấy ai được như “tiên”?
Trong tập “Kinh Thi” của đức Khổng Tử, bài đầu tiên Quan Thư có câu như sau: “Yểu điệu thục nữ/ Ngụ mị cầu chi/ Cầu chi bất đắc/ Ngụ mị tư phục/ Du tai du tai/ Triển chuyển phản trắc”.
Dịch ý: “Cô gái xinh đẹp nết na/ Theo đuổi nàng ngay cả trong giấc mơ/ Theo đuổi không được/ Ngày đêm mong nhớ/ Nhớ nhung dai dẳng/ Trằn trọc khó ngủ”. Điều này, nói lên từ 2.500 năm trước đã có người mất ngủ do tương tư.
Thức giấc, khi nhiều người còn gửi hồn trong mộng
Tôi lần đầu đi du lịch Mỹ đã vào tuổi “cổ lai hy”. Vì lệch múi giờ, tôi trằn trọc không sao chợp mắt. Ở Mỹ, mua được liều thuốc ngủ đâu phải dễ; hỏi các hiệu thuốc, họ xua như xua tà, vì mua thuốc ngủ phải có đơn của bác sĩ. Tôi tìm đến tiệm thuốc Bắc mới mua được hộp “toan táo hoàn”, tạm thời giải quyết được nỗi khổ trước mắt.
Từ đó, mất ngủ trở thành bệnh kinh niên. Tuổi càng cao, ngủ càng ít, dường như đã thành khuôn vàng thước ngọc, chẳng ai bận tâm tới. Thực ra, đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm; phải nói cho đúng là khả năng “vào giấc” của người cao tuổi tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Mất ngủ không phải là bệnh lớn, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống tuổi già, khiến ta khi du ngoạn, ăn chơi đều kém vui.
Tôi đành phải tự chữa bằng các phương thuốc dân gian: tim sen, nhãn nhục, lá vông, cây chùm bao (lạc tiên)… đã giúp tôi “vào cuộc” được ngon giấc. Nhưng niềm vui chả tày gang, dần dần, tôi gặp phiền toái là hay bị thức giấc, không sao ngủ lại được – khi gà chưa gáy, thành phố còn chìm ngập trong bóng đêm, nhìn đồng hồ mới chỉ 2-3 giờ sáng.
Kể lại chuyện xưa tích cũ. Thời Chiến Quốc bên TQ, Mạnh Thường Quân nước Tề bị Tần Chiêu Vương giam lỏng. Ông đã định kế đào thoát, nhưng khi tới ải Hàm Cốc mới là nửa đêm, phải chờ đến khi gà gáy, quan giữ thành mới chịu mở cổng. Đằng sau có truy binh, không thể chờ lâu, trong đám tùy tùng của ông có người học tiếng gà gáy, trăm ngàn con gà gáy theo, cổng thành được mở, Mạnh Thường Quân thoát nạn.
Nếu thời gian trôi ngược về 3.000 năm trước, tôi đi ứng tuyển thực khách Mạnh Thường Quân thì chắc là trúng tuyển. Còn bây giờ, 4 tiếng đồng hồ chờ trời sáng thật là dài dằng dặc, may mà tôi đủ cách tiêu khiển thời gian: đọc sách, lên mạng, viết thơ bút tre… bao nhiêu thời gian cũng không đủ.
Ban đầu, tôi cứ tưởng có thể bù lại quãng thời gian mất ngủ bằng ngủ nướng, ngủ ngày, nhưng sau khi thức giấc mắt tôi cay xè, hay ngủ gục, thậm chí ngồi đâu ngủ đó, tinh thần ủy mị, không thể bù đắp được.
Tôi cậy mình mất ngủ đã có thâm niên, đã tham gia cuộc vui “Giấc ngủ tuổi già – món quà sức khỏe” do báo Thanh niên tổ chức. Kết quả chỉ giành được hạng 3, nói lên trên tôi còn 2 người mất ngủ trầm trọng hơn tôi.
Những kỷ lục mất ngủ
“Vua mất ngủ” phải kể đến một binh sĩ Hungary. Trong Thế chiến I, có 1 binh lính người Hungary Paul Kern (?-1955) tham gia quân đội Đế quốc Áo – Hung, thùy trán não bị trúng đạn quân Nga. Sau khi trị lành vết thương, dù dẫn dụ bằng đủ mọi cách, anh không bao giờ ngủ được nữa, nhưng vẫn không thấy mệt. Tất cả các bác sĩ đều nói anh ta không thể sống lâu được, nhưng anh không những kiếm được công việc ổn định ở thủ đô Budapest, còn sống được 40 năm nữa, chết tự nhiên. Đây là bệnh án duy nhất trong lịch sử y học, đến nay vẫn không ai giải thích được.
Các danh nhân đa phần ngủ ít, nhưng chẳng ai kêu ca gì. Napoléon mỗi tối ngủ 3-4 giờ; đại văn hào L.Tolstoi ngủ 5-6 giờ; nhà phát minh Thomas Edison ngủ 5-6 giờ. Nhiều người gặt hái được linh tính trong giấc ngủ, hay nói đúng hơn, là lúc mơ mơ màng màng. Nhà hóa học Nga Mendeleev đã phát hiện bảng tuần hoàn các nguyên tố; Edison ngủ mơ thấy bóng đèn; Boer phát minh mô hình nguyên tử, v.v.
Ở một thái cực khác, Einstein phải ngủ đủ 9 giờ mỗi ngày còn chưa đủ; Tổng thống nhiệm kỳ thứ 30 của Mỹ John Coolidge phải ngủ 11 tiếng. Ngủ là trạng thái nghỉ ngơi, ngủ nhiều hay ít mỗi người một khác, miễn sao ta cảm thấy tinh thần sung mãn. Còn mất ngủ là chuyện khác, là căn bệnh thâm căn cố đế quấy rầy ta ca ngàn năm.
Nhà văn nổi tiếng Mỹ Theodore Herman Albert Dreiser đề xuất cách ngủ ngon giấc là hãy tham gia nhiều hoạt động thể lực hoặc TDTT như trồng hoa, bơi lội chơi tennis, leo núi, v.v. làm cho thân xác mệt mỏi. Chính Dreiser khi còn là nhà văn trẻ vô danh, ông đã từng bị chứng mất ngủ hành hạ. Ông đã xin làm công nhân đường sắt, sau 1 ngày làm việc, ông mệt đến nỗi lăn quay ra ngủ, bỏ cả ăn. Khi chúng ta mệt mỏi, ngay khi đang đi, sức mạnh của thiên nhiên cũng sẽ cưỡng bức ta ngủ, bất chấp sấm chớp đùng đùng hoặc tiếng súng ngoài mặt trận, đó là cách chữa chứng mất ngủ hữu hiệu nhất.
TS-BS khoa Thần kinh người Anh nổi tiếng Foster Kennedy từng kể câu chuyện như sau: Năm 1940, thời gian đầu Thế chiến II, Quân đoàn 5 nước Anh trong trận đại triệt thoái Dunkirk nổi tiếng, ông đã chứng kiến những binh lính sức cùng lực kiệt đã ngã lăn ra, ngủ như chết. Ông đã lấy ngón tay căng mắt họ ra mà họ vẫn không tỉnh. Nhãn cầu họ đều lộn ngước lên trên hốc mắt. “Từ đó trở đi, mỗi khi mật ngủ, tôi căng mắt lộn ngược nhãn cầu như những binh lính kể trên, chỉ vài giây sau là tôi ngáp và chìm đắm ngay trong giấc ngủ (?). Đó là phản xạ tự động mà ý thức tôi cũng không điều khiển được”, ông viết.
Tự sát êm ả bằng “tuyệt miên”?
Trên lý thuyết, thức trắng 3 đêm có thể dẫn đến tử vong, nhưng thực tế chưa thấy ai có thể tự tử bằng “tuyệt miên” (không ngủ). Người ta có thể dùng tuyệt thực để đề đạt một yêu sách gì đó, đó là vũ khí lợi hại của thánh Gandhi đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Nếu từ chối ngủ, “bàn tay của Chúa” sẽ thực hiện quyền năng của mình, vượt khỏi định lực của bất kỳ ai, trừ anh chàng binh lính Hungary Paul Kern vừa kể. Đối với chứng mất ngủ thường ngày, chắc ngài chê “nhỏ như con thỏ”, nên không thèm màng tới hoặc cố tình dành khoảng trống cho chúng ta tự mày mò.
BS Tôn Vỹ thuộc khoa Ngủ, Bệnh viện số 6 Bắc Kinh, cho biết trong các bệnh nhân của ông không ít người muốn tự sát do trầm cảm, nhưng chưa có ai được toại nguyện. Một thanh niên ở Nội Mông Cổ muốn tìm cái chết nhẹ nhàng qua lịm đi trong giấc ngủ, nên anh đã uống hết cả lọ thuốc ngủ. Kết quả, anh đã được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Ông cho rằng: “Có tới 30-40% thuốc an thần là thuốc giả, mang tính chất an ủi, hoàn toàn không tác dụng”.
Nhìn chung, chứng mất ngủ trở thành “Chuyện thường ngày ở huyện” đối với những người lớn tuổi như tôi và những người như tôi. Chúng ta hãy cùng vui “sống chung với mất ngủ” như bà con Đồng bằng sông Cửu Long “sống chung với lũ”.
Mấy lời chia sẻ cùng bạn đọc, ngõ hầu cùng cái bóng đen mất ngủ “biến thù thành bạn” trong năm mới!