Vở nhạc kịch “Tiên Nga” ra mắt trong thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập thương hiệu kịch IDECAF, NSƯT Thành Lộc đã dốc toàn sức lực để kịp đến ngày công diễn tác phẩm đỉnh cao này.
Sau hai vở đỉnh cao đem lại uy tín cho vị trí đạo diễn của Thành Lộc là “Bí mật vườn Lệ Chi” và “Ngàn năm tình sử”, đây là tác phẩm thứ ba trong sự nghiệp đạo diễn của mình. Vở nhạc kịch mang tên “Tiên Nga” do NSƯT Thành Lộc đạo diễn và biên kịch từ kịch bản văn học của NSND Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Dung đã nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn sau buổi ra mắt.
NSƯT Thành Lộc chia sẻ: Đúng là không thể làm hay hơn vở cải lương của đạo diễn Lưu Chi Lăng, do đó tôi chọn hướng đi cho riêng mình. Đó là nhạc kịch. Áp lực là nếu vẫn sử dụng phần âm nhạc thu sẵn, dù nghệ sĩ hát thật trên nền phối âm, vẫn sẽ không có gì mới, do vậy chúng tôi quyết tâm mời cho được dàn nhạc sống. Nhạc sĩ Đức Trí là người tôi nghĩ đến đầu tiên vì anh đã gắn với chúng tôi qua tác phẩm “Ngàn năm tình sử”, có một ê-kíp là học trò, cộng sự có thể gắn kết để dàn nhạc sống này theo suốt 25 suất diễn. Áp lực rất nhiều khi diễn viên kịch không thể hát sống vì không biết nhịp. Nhạc sĩ Đức Trí và tôi đã rất khổ luyện cho việc này, để các bạn diễn viên hòa vào tác phẩm tiếng hát từ nội lực và cảm xúc.
Bên cạnh đó, vở “Tiên Nga” không chỉ có Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga mà còn có một nhân vật tôi đọc từ kịch bản cải lương của tác giả Ngọc Cung, đó là Kim Liên. Cô đã khoác lên mình chiếc áo mỹ nhân đất Việt, để thay thế Kiều Nguyệt Nga cống Phiên. Trong tác phẩm nhạc kịch này, Kim Liên đại diện cho những người phụ nữ nước Việt dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, bảo vệ danh dự, chống lại bạo tàn, áp bức. Tôi yêu kính tác phẩm của cụ Đồ Chiểu vì đó là tác phẩm thuần Việt, các nhân vật mang đậm tố chất trung – hiếu – tiết – nghĩa của người dân Việt nói chung và sự hào sảng vốn có của người dân Nam Bộ.
Hơn 20 năm trước khi sang Pháp lưu diễn vở “Ông Giuộc Đanh ở Sài Gòn” theo lời mời của sân khấu Pháp, chúng tôi đã dựng và diễn phục vụ kiều bào vở “Kiều Nguyệt Nga”, lúc đó tôi đã ao ước sẽ dựng nguyên vở này tại Việt Nam. Hôm nay, tôi đã toại nguyện ước mơ của mình.
NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: “Trong vai cụ Đồ Chiểu, Thành Lộc đã khiến tôi bất ngờ trong cách kể chuyện. Cụ Đồ Chiểu đau đáu trước những bi kịch của Tiên, Liên, Nga và thân phận Kim Liên cũng chính là thân phận và nỗi niềm của cụ Đồ Chiểu. Với trạng thái trầm buồn đầy trắc ẩn. Đây cũng có thể xem là lần đầu tiên một tác phẩm nghệ thuật chuyển thể tác phẩm Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga mà tác giả xuất hiện với tư cách một nhân vật có đất diễn giàu cảm xúc. Trong cách kể chuyện của mình, Thành Lộc không xuôi theo trình tự tác phẩm gốc. Anh hòa mình vào số mệnh của nhân vật, nói lên vận mệnh, tiền đồ của dân tộc, nếu chịu luồn cúi, hèn nhát, sẽ không thể ngẩng cao đầu. Ý chí quật khởi của cụ Đồ Chiểu đã truyền ngọn lửa đấu tranh chống bạo tàn cho Kim Liên, giữ phẩm hạnh cho Kiều Nguyệt Nga và sự kiên trung, mạnh mẽ vượt bao thử thách của chàng trai họ Lục. Dấu ấn đậm nét của Thành Lộc là đây”.
Cảm xúc của 1 khán giả lần đầu tiên làm quen với thể loại nhạc kịch qua vở diễn TIÊN NGA đêm công diễn đầu tiên, chia sẻ: “Em cám ơn Anh Lộc về một vở nhạc kịch trên cả tuyệt vời. Em không đủ lời để diễn đạt cảm xúc của mình khi người cứ run lên theo từng khung nhạc nhất là những đoạn kịch tính. Có lẻ diễn xuất của các anh chị và đặc biệt là âm nhạc của vở diễn đã chạm thật sâu vào từng cảm xúc của người xem trong đó có em.
Em không dám luận bàn gì về diễn xuất của các anh chị vì vốn đã rất tuyệt vời rồi. Em muốn trải lòng về sự thán phục của em đối với dàn nhạc. Lần đầu tiên em được xem nhạc kịch hát live với dàn nhạc, mọi sự thật chỉnh chu, ăn khớp đến từng khắc một. Em may mắn được ngồi gần dàn nhạc để có thể quan sát các anh nhạc công. Dưới ánh đèn mờ mờ, họ vừa quan sát Người chỉ huy dàn nhạc, vừa quan sát diễn xuất của diễn viên, họ đảm bảo nhạc nổi lên khớp với từng hành động của diễn viên, họ phối hợp các nhạc cụ từ trống chầu, trống nhạc trẻ, đàn guitar điện, piano điện… vậy mà các anh đã hoàn thành nhiệm vụ thật tròn vai, mọi thứ phối hợp rất nhịp nhàng, không một lỗi nào. Các Anh nhạc công thật tuyệt vời! Trong số họ có những người còn rất trẻ. Người mà em thán phục và thầm cảm ơn nhất là Người chỉ huy dàn nhạc, Anh Đức Trí. Anh đã lèo lái từ dàn nhạc đến dàn đồng ca để góp phần làm nên một thành công lớn của vở diễn. Em ấn tượng Anh ấy đã nhớ toàn bộ từng chi tiết của vở diễn để nhắc nhở nhạc công và dàn đồng ca chuẩn bị khớp nhạc. Em cũng rất ấn tượng về sự đầu tư chỉnh chu, công phu từ trang phục, sân khấu đến bộ kít in ấn giới thiệu vở diễn. Em chúc mừng anh và ekip với thành công của vở diễn. Em cám ơn Anh và Anh Đức Trí đã cho em và các khán giả có cơ hội thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật để đời. Em Diệp”
(Tổng hợp)