Nhân một dịp hết sức đặc biệt hội tụ những tinh hoa của điện ảnh Việt Nam trước thềm LHP Cannes, đạo diễn Trần Anh Hùng đã xuất hiện cùng với buổi công chiếu đặc biệt tác phẩm Rừng Na Uy và giao lưu cùng các bạn đam mê điện ảnh. DNSGCT đã có một cuộc trao đổi ngắn với anh về những viễn tượng trong sáng tạo và câu chuyện chuyển thể tác phẩm quan trọng nhất của văn học đương đại Nhật.
Từ Mùi đu đủ xanh đến xứ hoa anh đào
Lớn lên ở Pháp, tốt nghiệp trường điện ảnh danh giá Louis Lumière, Trần Anh Hùng sau hai phim ngắn và khoảng thời gian tìm tòi cá tính điện ảnh riêng trong cô độc, đã tỏa sáng ngay với bộ phim đầu tay, Mùi đu đủ xanh, đoạt hai giải Cành cọ vàng của LHP lâu đời nhất thế giới Cannes, một giải Cesar và đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vào năm 1993.
Tên tuổi anh ngày càng vang dội trên thế giới với loạt ba phim trilogy nói về Việt Nam: Mùi đu đủ xanh (1993), Xích lô (1995), Chiều mùa hè thẳng đứng (2000) và những phim hợp tác với các diễn viên Hollywood khác. Một ngày nọ, anh đã “phải lòng” tác phẩm Rừng Na Uy của tác giả người Nhật Murakami.
Anh chia sẻ: “Tôi cứ trăn trở khắc khoải với nó, bị ám ảnh bởi nó, tôi quyết định không muốn đọc thêm bất kỳ tác phẩm nào khác của Murakami, cũng như tìm hiểu thêm về ông này, tôi muốn giữ lại trọn vẹn cảm giác ban đầu của tôi khi lần đầu chạm đến Rừng Na Uy”.
Và thế là mỗi khi họp báo công chiếu phim của anh tại Nhật Bản, đất nước có rất nhiều fan hâm mộ Trần Anh Hùng, anh lại nói lên nguyện vọng muốn chuyển thể kịch bản Rừng Na Uy. Nhưng điều anh không hề biết là Murakami đã từng tuyên bố không muốn ai đụng đến tác phẩm của mình cả, sau một thảm họa chuyển thể một tác phẩm của ông, từ đầu những năm 1980 của một đạo diễn người Nhật.
“Thế mà chẳng ai kéo tôi lại để nói cho tôi nghe điều đó cả, người Nhật kín đáo quá. Cho đến một ngày một nhà sản xuất đã thu xếp tất cả để tôi gặp Murakami. Ông và vợ ông thật ra cũng hay theo dõi điện ảnh, và thích tinh thần của những bộ phim tôi làm. Chúng tôi tìm được những điểm chung”.
Buổi gặp gỡ diễn ra rất ngắn gọn sau rất nhiều vòng chuẩn bị nhiêu khê trước khi tác giả người Nhật cho ông gặp trực tiếp “di sản văn hóa sống” của mình. Trần Anh Hùng, một người Pháp gốc Việt, đã thành công trong việc thuyết phục Murakami cho anh chuyển thể tác phẩm liên tục 17 năm liền là best-seller tại Nhật với một nền văn hóa trọng việc giao thiệp khép kín, “có trong nhà mới ra người ngoài” như thế.
Cảm giác gieo vào tâm hồn những chồi non
Phim của Trần Anh Hùng là cảm giác, mà anh luôn nhìn nhận nó là “nhạc điệu tính”. Anh nói: “Với Rừng Na Uy, kịch bản tôi viết được chuyển thành tiếng Nhật cho các diễn viên Nhật, nhưng khi ra hiện trường, với ánh sáng đó, bố cục đó, bức tranh đẫm thơ đó, tôi sẽ xem họ diễn, nghe họ phát âm. Và nếu như âm thanh đó có vẻ không phù hợp với bức tranh mà tôi đang xem, tôi sẽ yêu cầu sửa thoại. Vì mỗi khuôn hình của tôi đều phả ra nhạc. Tôi cảm nhận âm nhạc đó và sẽ hiệu chỉnh âm thanh cho phù hợp chứ không quan tâm nhiều đến nội dung cần chuyển tải”.
Đã có hai thông dịch viên Nhật xin từ chức vì không thể kham nổi khối lượng công việc để làm nên những thước phim lãng đãng đầy lay động này. Cách làm phim hết sức duy mỹ và coi trọng sự sáng tạo tại chỗ đó của Trần Anh Hùng chính là dấu ấn nghệ thuật của anh trên nền điện ảnh quốc tế.
Anh khuyên người thưởng thức điện ảnh đừng cố tìm câu chuyện, bài học, “Điện ảnh là cảm giác. Nếu muốn có bài học, hãy tìm đọc sách triết. Với tôi một tác phẩm hay sẽ gieo vào người xem những chồi non của cảm giác, và nhiệm vụ của chúng ta là tưới tắm cho chồi non đó, để chúng nảy mầm và đơm hoa kết quả trong tâm hồn chúng ta”.