Cặp đôi nhạc sĩ Giáng Son và ca sĩ Khánh Linh lại cho khán giả êm ả trở về dòng chảy tinh tế của miền quê Bắc bộ. Những giai điệu gợi nhớ trong ta cánh đồng lúa với đàn cò bay lả, bay la, những “giấc mơ trưa” êm dịu nồng nàn mùi cỏ, mùi rơm, mùi đất xông lên sau mỗi cơn mưa, vừa quen mà vẫn thấy lạ. Chất đằm thắm mà nhạc sĩ Giáng Son gửi gắm trong Gửi, Phố khuya có cái gì nghe da diết quá nhưng người nghe lại thấy trong veo khi những giai điệu ấy thấm đẫm làn điệu chèo. Với chất giọng “họa mi” của Khánh Linh, âm nhạc của Giáng Son cho thấy có sự tinh tế của tuổi hoa đang nồng nàn tuổi yêu và có cả tình yêu sâu lắng của mẹ dành cho con gái. Đặc biệt trong bài Giấc mơ trưa, khán giả còn được nghe tiếng dạo piano bay bổng của Giáng Son hòa cùng làn hơi nhẹ như ru của Khánh Linh, cả hai như dạo chơi thú vị trong miền thanh âm dịu dàng quyến rũ.
Nhạc sĩ Bảo Chấn và ca sĩ Ngọc Anh
Lâu nay trong làng nhạc khán giả bỗng thấy thiếu bóng dáng của nhạc sĩ Bảo Chấn. Dường như người nhạc sĩ của bè trầm trong cuộc đời này đang ở ẩn sau những ca khúc đã đưa tên tuổi như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh… thành danh. Đêm nay ông lại xuất hiện bồng bềnh trên sân khấu với những khát vọng của Cỏ và mưa, Hoa cỏ mùa xuân, Một ngày mùa đông, Nỗi nhớ dịu êm… qua hai giọng ca Tấn Minh và Ngọc Anh. Giọng hát vàng Asian 98 Tấn Minh với bài hát quá quen thuộc Bên em là biển rộng của ông đêm nay đã cho người nghe một cung bậc khác với phần phối giàu xúc cảm hơn. Ngọc Anh với giọng nữ cao đầy sự quyến rũ không chỉ đạt tới sự sang trọng trong giọng ca mà tạo được một hình ảnh tuyệt đẹp khi cô cùng hát Một ngày mùa đông của Bảo Chấn… bằng tất cả cảm xúc. Không chỉ riêng khán giả thấy mỹ mãn mà chắc chắn đêm nay nhạc sĩ Bảo Chấn sẽ thấy xúc động và hài lòng với sự cháy hết mình và trau chuốt đẹp từng câu hát của hai ca sĩ.
Tùng Dương
Lê Minh Sơn dành cho mình phần sau cùng của chương trình với ca sĩ Tùng Dương. Có lẽ chàng nhạc sĩ được biết đến từng là tay guitar cổ điển, muốn phần kết thúc đêm nhạc như một dấu ấn khó quên. Giọng ca Tùng Dương vẫn đầy nội lực và cách diễn vẫn “quái lạ” như dạo nào. Tiếng hát của Tùng Dương như nhập đồng khi gặp nhạc phẩm của Lê Minh Sơn, mang âm hưởng dân dã nhưng lại rất đương đại. Chính sự đồng cảm giữa hai người sáng tác và thể hiện đã tạo nên một không gian âm nhạc mới lạ cuốn hút người nghe. Ngoài ba ca khúc Chạy trốn, Trăng khuyết, Ôi, quê tôi, Lê Minh Sơn còn hát một sáng tác mới nhất của mình Hà Nội của tôi ơi. Một cái nhìn nghịch ngợm và đầy suy tư về sự mở rộng và phát triển Hà Nội. Nghe anh hát, khán giả lớn tuổi ngẫm xem bọn trẻ đang nói gì, làm gì, còn cánh trẻ thì cuồng nhiệt hưởng ứng.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn và Tùng Dương
Một đêm nhạc, không màu mè hoa lá cành với các thủ pháp, chiêu trò sân khấu, hay múa minh họa… để thỏa mãn phần nhìn như thường thấy, nhưng lại thuyết phục khán giả bằng chính giọng hát của ca sĩ và sự hấp dẫn của các tác phẩm làm nên đỉnh cao của tác giả. Đêm diễn như một gợi mở: công chúng cần rất nhiều các doanh nhân góp tay cho sự phát triển nghệ thuật và cùng tham gia nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của người thưởng ngoạn bằng những chương trình nghệ thuật có đầu tư, không chỉ tiền bạc mà cả lao động nghệ thuật nghiêm túc.
Việt Nga