Sau 17 năm cộng tác với Tomas Maier, Bottega Veneta đã quyết định thay đổi hình tượng mới và đặt nhiều hy vọng vào Daniel Lee – tài năng trẻ đến từ Anh quốc.
Trong Tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2019 vừa qua tại cả New York lẫn Milan, thương hiệu da của Ý Bottega Veneta đã tạm vắng mặt một mùa sau khi công bố nhà thiết kế kỳ cựu Tomas Maier ra đi sau 17 năm gắn bó. Không để khách hàng và người yêu thời trang chờ đợi quá lâu, hãng đã giới thiệu ngay người đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo mới là Daniel Lee, người từng giữ vị trí chỉ đạo dòng đồ RTW của Céline. Đâu là nguyên do để Bottega Veneta lựa chọn một tên tuổi mới, thay vì một nhà thiết kế đã có tiếng tăm?
Bất cứ một sự thay đổi hoặc lựa chọn đều được xem như một ván bài may rủi. Đôi khi một kẻ lạ mặt lại làm nên chuyện như Alessandro Michele ở Gucci nhưng đôi khi một người lão làng giàu kinh nghiệm lại không thể cáng đáng trọng trách nặng nề như trường hợp của Lanvin. Việc chọn một nhân tố mới không chỉ đem lại một nét mới cho thương hiệu hoặc thậm chí có thể thay đổi cả ngành thời trang, mà còn có ý nghĩa trao cơ hội cho những tài năng mới trong tương lai.
Được biết Daniel Lee là một trong những nhân viên thân cận với Phoebe Philo, cựu Giám đốc sáng tạo của Céline. Là người phụ trách mảng RTW và làm việc trực tiếp với Phoebe, Daniel có được kỹ năng và tầm nhìn, cũng như nắm được tinh thần của thương hiệu gây sốt. Có lẽ đó là lý do để anh trúng tuyển vị trí tân giám đốc sáng tạo của nhà thời trang Ý thanh lịch Bottega Veneta.
Không giống với những thương hiệu khác, Bottega Veneta trình làng bộ sưu tập được dẫn dắt bởi tân giám đốc sáng tạo, nhưng không phải trên sàn diễn của tuần lễ thời trang chính mà là một buổi giới thiệu bộ sưu tập mùa Pre-Fall tại Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Milan. Có thể nói lần chào sân này khá thầm lặng nhưng khá thành công trong việc khẳng định tên tuổi và phong cách của Daniel Lee.
Bộ sưu tập cho cả nam và nữ, với các trang phục chủ chốt như áo khoác, đồ dệt kim, trang phục thể thao, trang phục da, túi xách và giày dép. Trong đó, những dấu ấn đặc trưng của Daniel có thể xem như mang hơi hướng Céline đó là những chiếc túi ngoại cỡ và cách anh biến tấu mô-típ đan lát da kinh điển của Bottega Veneta. Đặc biệt không thể không nhắc tới những kiểu giày lạ mắt có phần xấu xí, mà xấu xí lại là một trong những điều tạo nên sự nổi bật trong thời trang ngày nay.
- Xem thêm: Châu Á, điểm hẹn thời trang cuối năm
Trong bối cảnh người hâm mộ thời trang đã mất đi một Céline được tôn sùng, những thương hiệu mang tinh thần giống Céline có thể coi là giải pháp mà xem ra Bottega Veneta là một trong những lựa chọn mới. Dẫu việc giống một ai đó không phải là một điều đáng hoan nghênh, nhất là đối với một thương hiệu lão làng như Bottega Veneta, nhưng chặng đường để triết lý sáng tạo của một người cần có những bước đệm. Tất cả những gì mà cả Daniel Lee lẫn Bottega Veneta cần là bước khởi đầu an toàn và thời gian.